Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ có phản ứng vào thời điểm "do chúng tôi lựa chọn" khi ông phải đối diện với một hành động rất khó cân bằng trong cách phản ứng trước cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khiến ba lính Mỹ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương ở Jordan.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) John Kirby cũng cho biết "chúng tôi không mong muốn một cuộc chiến tranh với Iran", tuy nhiên, Mỹ đã đổ lỗi cho Tehran về hành động mà các đồng minh của họ thực hiện trong cuộc tấn công hôm 28/1 vào tiền đồn quân sưự của Mỹ có tên Tháp 22 ở Đông Bắc Jordan.
Cái khó của Tổng thống Biden là nếu Mỹ không hành động dứt khoát, sẽ có nguy cơ gửi đi thông điệp về sự yếu kém, có thể dẫn đến nhiều cuộc tấn công hơn. Nhưng hành động quá mạnh mẽ lại có thể gây ra sự leo thang từ Iran và các đồng minh trong bối cảnh căng thẳng khu vực đã dâng cao do cuộc chiến của Israel với Hamas ở Gaza và lực lượng Houthi tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ.
Andrew Borene, Giám đốc điều hành của công ty tình báo mối đe dọa toàn cầu có tên Flashpoint, nói với Newsweek rằng cảnh báo của Tổng thống Biden là việc sử dụng quyền hạn để phá vỡ và làm suy giảm" khả năng của Iran và các nhóm đồng minh của nước này.
Ông nói thêm rằng sự trả đũa sẽ toàn diện hơn các cuộc tấn công một lần mà Mỹ đã thực hiện nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến Iran cho đến nay, bởi vì “những gì đã làm đều không hiệu quả”. Ông nói: “Mục tiêu phải thay đổi vì mức độ bạo lực, gián đoạn thương mại toàn cầu cũng như các cuộc tấn công nhằm vào vận tải thương mại và dân thường phải chấm dứt”.
Theo tờ Newsweek, giới chuyên gia đánh giá có ba kịch bản trả đũa có thể xảy ra:
1. Nhắm mục tiêu vào các cơ sở của IRGC ở Iraq và Syria
Có nhiều căn cứ, kho vũ khí và trung tâm huấn luyện trên khắp Iraq và Syria thuộc về lực lượng dân quân được cho là do Iran hậu thuẫn, được Đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) huấn luyện, trang bị và tài trợ.
Cho đến nay, các cuộc tấn công bằng tên lửa dẫn đường chính xác vào các căn cứ như vậy đã không ngăn cản được lực lượng phiến quân, vốn đã tiến hành hơn 170 cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ trong khu vực kể từ khi xung đột ở Gaza bùng phát ngày 7/10/2023.
Theo tờ Politico, các quan chức Mỹ đã nói đến các lựa chọn bao gồm tấn công nhân lực Iran ở Syria, Iraq hoặc tài sản hải quân Iran trên Vịnh Ba Tư.
Dennis Fritz, giám đốc Mạng Truyền thông Eisenhower (EMN), nhận định: “Tôi nghĩ lựa chọn hàng đầu của chính quyền Biden sẽ là nhắm vào các cơ sở của IRGC ở Syria và Iraq”.
Nhưng Fritz, sĩ quan đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ, cho rằng một động thái như vậy có thể khiến Iran đáp trả trực tiếp "bằng các cuộc tấn công vào tàu và căn cứ Mỹ ở Trung Đông" và điều này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến rộng hơn.
2. Tấn công mạng
Chuyên gia Andrew Borene cho biết, các nhóm liên kết với Trục Kháng chiến do Iran hậu thuẫn đã thực hiện các cuộc tấn công mạng kiểu "từ chối dịch vụ" (DDoS) chống lại các chính phủ, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng và các tổ chức truyền thông. Điều đó có nghĩa là hành động trả đũa của Mỹ có thể có yếu tố mạng.
Theo ông, trong số các biện pháp nhẹ nhàng mà Mỹ có thể xem xét là trừng phạt tài chính mạnh mẽ hơn nhắm vào các thành viên của chính quyền Iran và gia đình họ, nhưng cũng có thể bao gồm các cuộc tấn công mạng. Ông Borene nói: “Bạn không cần phải phóng đầu đạn vào Iran để phá vỡ năng lực quân sự của họ”.
“Thay đổi này cũng sẽ là một sự chuyển hướng sang một chiến dịch làm suy giảm, phá vỡ và cuối cùng có thể phá hủy mạng lưới này”, vị chuyên gia nói thêm.
3. Tấn công trực tiếp vào Iran
Các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen cũng như triển khai các tài sản hải quân của Mỹ tới những vị trí răn đe cho đến nay vẫn không ngăn cản được bạo lực của nhóm phiến quân vốn được cho là do Tehran hậu thuẫn. Điều đó thúc đẩy những lời kêu gọi trả đũa trực tiếp hơn đối với chính Iran.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết trong một bài đăng trên X: “Điều duy nhất mà Iran hiểu là vũ lực. Chừng nào họ chưa phải trả giá bằng cơ sở hạ tầng và nhân sự của mình, các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ sẽ tiếp tục”.
Chuyên gia Borene nói rằng cuộc tấn công ở Jordan hôm 28/1 “mở ra một loạt các hoạt động mà cho đến nay có lẽ không được công chúng Mỹ chấp nhận”.
“Hoạt động tấn công các mục tiêu sẽ làm suy yếu và vô hiệu hóa khả năng của Iran trong việc cung cấp thêm tài nguyên cho các nhóm khủng bố thực hiện các cuộc tấn công kiểu này”, ông bình luận.
Nhưng cả Washington và Tehran đều đã khẳng định họ không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện. Hơn nữa, Tehran có thể đáp trả bằng cách cố gắng đóng cửa Eo biển Hormuz, nơi vận chuyển 20% lượng dầu và khí đốt của thế giới qua đó, giáng một đòn mạnh vào kinh tế thế giới.
Phó giám đốc EMN, Matthew Hoh, nhận định: “Tấn công hạn chế vào các mục tiêu ở Iran sẽ gây ra sự trả đũa tương xứng của Tehran. Vì thế, các cuộc tấn công vào cơ sở của Lực lượng Vệ binh Iran hoặc các căn cứ không quân và hải quân sẽ chứng kiến các cuộc tấn công đáp trả vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria”.
Ông Hoh nói: “Phản ứng của Iran trước vụ Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani vào tháng 1/2020 là một ví dụ điển hình. Hy vọng rằng đó là nơi mọi chuyện sẽ kết thúc”.
Ông cũng cảnh báo: “Tuy nhiên, có nguy cơ nó không kết thúc và một chu kỳ ăn miếng trả miếng ngày càng leo thang đang diễn ra – bị thúc đẩy bởi áp lực chính trị nội bộ của Mỹ và Iran”.