ASEAN hợp tác chặt trong an ninh hàng hải

Để đương đầu hiệu quả với những thách thức an ninh hàng hải hiện nay, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên cân nhắc việc thể chế hóa hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực giống như ở châu Âu. Nếu có được một khuôn khổ an ninh hàng hải ASEAN mới, năng lực giám sát của từng quốc gia hoặc các cơ chế song phương có thể được bổ sung và kết nối.

Cấp cứu một “nạn nhân bị thương nặng” trong khuôn khổ Diễn tập cấp cứu thảm họa khu vực của ASEAN ngày 9/5/2013 tại Thái Lan.
Ảnh: THX/TTXVN


Theo nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin thuộc viện nghiên cứu RSIS của Xinhgapo, các thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải song phương hiện nay trong ASEAN chỉ có hiệu quả hạn chế trong việc đối phó với một loạt thách thức an ninh như nạn buôn người, đánh bắt cá trái phép, cướp biển, hay khủng bố trên biển. Những thách thức mới này đang đặt ra đòi hỏi mới.


Kể từ năm 2011, ASEAN bắt đầu quan tâm đến hợp tác an ninh hàng hải trong nội bộ khu vực. Năm 2012, Cổng chia sẻ thông tin ASEAN dành cho hải quân các nước thành viên đã đi vào hoạt động, cùng với đó là các cuộc diễn tập chia sẻ thông tin an ninh hàng hải ASEAN lần đầu tiên được thực hiện. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để "bồi da, đắp thịt" cho những nỗ lực mang tính thăm dò này. Sự chênh lệch trong năng lực của mỗi nước và nhất là chủ quyền quốc gia vẫn là một trong những rào cản chính để thúc đẩy nỗ lực này.


ASEAN đang gặp vướng mắc trong việc xây dựng năng lực ở cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, có nhiều thí dụ cho thấy những quan ngại về chủ quyền quốc gia có thể được giải quyết trong một khuôn khổ hợp tác thực tế, và rằng việc hình thành những cơ chế được thể chế hóa để thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải ASEAN mạnh mẽ hơn vẫn có thể song hành với nỗ lực xây dựng năng lực quốc gia của từng nước. Chẳng hạn như mạng lưới Hợp tác Giám sát biển Bantích (SUCBAS) vốn là sự mở rộng khuôn khổ hợp tác song phương giữa Phần Lan và Thụy Điển năm 2009. SUCBAS có nhiệm vụ chia sẻ các cấp thông tin giữa nhà chức trách dân sự và quân sự các nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho một cơ chế được thể chế hóa để chia sẻ thông tin an ninh hàng hải tại biển Bantích.


Ngoài việc trao đổi và chia sẻ thông tin, các nước thành viên ASEAN nên nghiêm túc cân nhắc thực hiện các chiến dịch an ninh hàng hải chung. Một thí dụ cho sự hợp tác toàn diện như vậy là cơ quan quản lý biên giới FRONTEX của Liên minh châu Âu. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2004, FRONTEX đã tiến hành định kỳ các chiến dịch kiểm soát và giám sát lãnh hải chung tại châu Âu, Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Nền tảng của FRONTEX là Hệ thống Giám sát biên giới liên châu Âu (EUROSUR), gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là thúc đẩy xây dựng năng lực từng nước, từ đó đóng góp vào khuôn khổ mạng lưới EUROSUR. Nhà chức trách mỗi nước có thể vẫn giữ quyền quyết định chia sẻ dữ liệu nào, với ai và khi nào. Giai đoạn hai là thiết lập một mạng lưới thông tin về tình hình hàng hải khu vực liên tục và xuyên suốt với tất cả các thành viên. Cuối cùng, EUROSUR đặt ra một nền tảng chia sẻ thông tin chung trên nhiều phương diện an ninh hàng hải khác nhau như kiểm soát ngư nghiệp và bảo vệ môi trường.


SUCBAS và FRONTEX đang chứng tỏ rằng những cách tiếp cập táo bạo có thể thúc đẩy sự hợp tác thực tế trong khu vực, bù đắp những hạn chế năng lực quốc gia bằng cách đóng góp và tận dụng những nguồn lực khan hiếm để đối phó hiệu quả với những thách thức an ninh hàng hải xuyên biên giới, trong khi vẫn đảm bảo chủ quyền quốc gia. Những ví dụ đó đáng để ASEAN cân nhắc. ASEAN có thể tận dụng và mở rộng các thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải hiện hành trước khi can dự với các đối tác ngoài khu vực. Một khuôn khổ an ninh hàng hải ASEAN mới được thể chế hóa giống như FRONTEX sẽ giúp kết nối các năng lực giám sát quốc gia và song phương, với mục tiêu cuối cùng là thiết lập một mạng lưới thông tin chung về tình hình hàng hải trong khu vực. Trao đổi và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực này có thể mở rộng quy mô của Cổng Chia sẻ Thông tin ASEAN. Các nhóm tuần tra hỗn hợp hiện hành có thể mở rộng về phạm vi và nâng cấp thành các chiến dịch đa phương, với trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng tuần tra mỗi nước được quy định cụ thể.


Để đối phó với những thách thức an ninh hàng hải phức tạp hiện nay, ASEAN cần tiến xa hơn những thỏa thuận hiện hành. Về dài hạn, những lợi ích chiến lược của sáng kiến này là vô cùng lớn. Nó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các mục tiêu xây dựng cộng đồng của ASEAN mà còn củng cố tính trung tâm của nó trong cấu trúc an ninh khu vực. Đóng góp và tận dụng hiệu quả các nguồn lực quốc gia có thể giúp bảo vệ hiệu quả hơn vùng biển Đông Nam Á trước những mối đe dọa an ninh hàng hải trong khu vực vốn đang cản trở sự phát triển kinh tế xã hội tại đây.


Việt Hải

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN