Mạng tin World Politics Review ngày 27/3 cho biết, Ấn Độ đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Chi phí quân sự năm 2010-2011 của Ấn Độ là 32 tỷ USD, chiếm 2,5% GDP, lớn hơn nhiều so với chi phí quân sự của các nước Nam Á khác.
Theo một báo cáo mới nhất của Ấn Độ, Niu Đêli có thể chi tới 120 tỷ USD trong 5 năm tới để hiện đại hóa quân đội. Ấn Độ đang triển khai kế hoạch mua thêm 126 máy bay chiến đấu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Ấn Độ triển khai một hợp đồng lớn như vậy. Ngoài ra, từ nay đến năm 2017, Ấn Độ sẽ chi gần 48 tỷ USD để mua các loại máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay vận tải và máy bay huấn luyện.
Lực lượng quân đội của Ấn Độ. Ảnh: Internet |
Hải quân Ấn Độ có kế hoạch từ nay đến năm 2022 sẽ mua số lượng máy bay chiến đấu và trực thăng trị giá 7,5 tỷ USD. Lực lượng Không quân Ấn Độ đang hiện đại hóa các phi đoàn máy bay trực thăng và mua 230 máy bay lên thẳng trong thời gian tới. Ấn Độ đang từng bước thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và hiện chính phủ đề nghị mua của hãng Lockheed Martin Corp (Mỹ) các hệ thống tên lửa Patriot hiện đại. Lực lượng Hải quân sẽ bổ sung thêm một số tàu ngầm Scorpene với chi phí dự kiến khoảng 4,6 tỷ USD.
Các tàu ngầm này có thể lặn sâu dưới nước khoảng 1 tuần, khiến các rađa của đối phương khó có thể phát hiện. Ấn Độ đã mua 8 máy bay trinh sát biển và chống ngầm của hãng Boeing trị giá 2,1 tỷ USD năm 2009 và mới đây còn mua thêm 4 chiếc khác. Để tăng thêm khả năng đổ bộ, Hải quân Ấn Độ dự định xây dựng 4 xưởng sửa chữa và đóng tàu mới. Các tàu chiến của Hải quân sẽ dài khoảng 200 m và có thể chuyên chở xe tăng, xe tải hạng nặng, xe thiết giáp chở quân và máy bay trực thăng. Bốn xưởng đóng tàu mới sẽ được trang bị một hệ thống phòng thủ tên lửa và một hệ thống vũ khí khác để ngăn chặn hỏa lực và máy bay của đối phương.
Lục quân Ấn Độ đang nỗ lực hiện đại hóa và huấn luyện bộ binh sử dụng các vũ khí công nghệ cao cũng như tác chiến ở tất cả các điều kiện địa hình và thời tiết, trong điều kiện chiến tranh thành phố và môi trường chiến tranh điện tử. Gần đây, Lục quân đã mua một hệ thống thông tin liên lạc và máy tính thống nhất để trang bị cho toàn quân, bao gồm các máy tính loại nhỏ hoặc máy tính xách tay, kèm theo các hệ thống định vị toàn cầu và sóng vô tuyến.
Toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị tiêu tốn hơn 3 tỷ USD. Đây là một phần của chương trình F-INSAS được công bố lần đầu tiên năm 2007 với giai đoạn đầu của chương trình là huấn luyện các đơn vị bộ binh. Các binh sĩ sẽ được trang bị loại súng nhẹ hơn và có hiệu quả sát thương lớn hơn, quân phục chống đạn hiệu quả và giày nhẹ... nhằm tăng hiệu quả tác chiến trong cuộc chiến tranh hiện đại. Mục tiêu chủ yếu của chương trình F-INSAS là tăng khả năng cơ động, tồn tại và tiêu diệt đối phương của binh sĩ.
Lục quân cũng đưa vào sử dụng các máy bay trinh sát không người lái được sản xuất ở trong nước như Nishant dài 15 feet, sải cánh 22 feet và trần bay 11.800 feet, tốc độ tối đa 115 dặm/giờ và Lakshya có tầm hoạt động 370 dặm, trần bay 29.504 feet và tốc độ tối đa 600 dặm/giờ nhằm tăng khả năng giám sát và trinh sát trên chiến trường. Gần đây Lục quân cũng đặt mua 400 khẩu pháo và thử nghiệm nhiều loại vũ khí khác nhau để đưa vào sử dụng cuối năm 2012.
Hiện nay, Ấn Độ đang đàm phán với Mỹ để mua 145 khẩu pháo cực nhẹ nhằm triển khai ở các khu vực đồi núi để đối phó với tình hình xung đột như ở Kargil và mối đe dọa của Trung Quốc. Bên cạnh đó, hãng Lockheed Martin đang đàm phán để bán cho Lục quân Ấn Độ hệ thống tên lửa vác vai Javelin gồm 8.000 tên lửa và 300 bệ phóng, trị giá hơn 1 tỷ USD. Vừa qua, Ấn Độ cũng mua một vệ tinh RISAT-2 của Ixraen. Vệ tinh này có khả năng theo dõi ban ngày, đêm và khi điều kiện sương mù dày đặc, do đó nó được coi là loại vệ tinh tình báo. Ngoài ra, Tổ chức Nghiên cứu Không gian của Ấn Độ đang phát triển loại vệ tinh RadarSat với chi phí gần 400 triệu rupee. Loại vệ tinh này sẽ hoạt động trong vài năm và giúp Ấn Độ nâng cao khả năng hoạt động trên vũ trụ.
Nguyễn Hữu Trung