Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 13/7, một cuộc tranh cãi đang nảy sinh về các kế hoạch tạo ra một đồng tiền chung mới cho các thỏa thuận thương mại giữa các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).
Nhóm 5 quốc gia có khả năng sẽ cùng nhau quyết định thành lập một loại tiền tệ BRICS mới trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8/2023 tại Johannesburg ở Nam Phi. Mặc dù Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi ủng hộ thiết lập một loại tiền tệ chung của BRICS, nhưng Ấn Độ dường như là quốc gia duy nhất không quan tâm đến kế hoạch này.
Hôm 11/7, Ấn Độ bất ngờ tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia vào dự án tạo ra một loại tiền tệ mới của BRICS, vốn được kỳ vọng là sẽ có tác dụng giảm việc sử dụng đồng đô la Mỹ (USD) trong thanh toán thương mại quốc tế.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar, nước này không có kế hoạch về một loại tiền tệ của BRICS và có thể rút lui khỏi việc tạo ra đồng tiền mới. Thay vào đó, Ấn Độ tập trung vào việc củng cố đồng tiền quốc gia (đồng Rupee) và làm cho đồng Rupee mạnh hơn sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ấn Độ.
Bình luận trên tờ Thời báo Ấn Độ (indiatimes.com), Tiến sĩ Prashant Prabhakar Deshpande cho rằng, lý do cho lập trường trên của Chính phủ Ấn Độ là:
Thứ nhất, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong khối đạt được thành tích tốt về GDP. Như vậy, quốc gia này không cần sự hỗ trợ từ BRICS và có thể tồn tại mà không cần đến đồng tiền mới của BRICS.
Thứ hai, Ấn Độ cũng có quan hệ tốt với Mỹ và châu Âu với các thỏa thuận thương mại và quân sự trị giá hàng tỷ USD. Quốc gia này không muốn mạo hiểm thương mại với các cường quốc phương Tây, cũng như chưa tin tưởng vào đồng tiền BRICS chưa được phát hành.