Tuyên bố gây tranh cãi gần đây của Trung Quốc về việc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) bao phủ các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông đã dấy lên lo ngại trong khu vực Đông Nam Á rằng Bắc Kinh sẽ sớm áp đặt một khu vực tương tự tại Biển Đông. Tàu chiến của Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh THX. |
Thông báo Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ "thiết lập các ADIZ khác vào một thời điểm thích hợp sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị".
"Có một mối đe dọa rằng Trung Quốc sẽ tiến hành đơn phương nhằm kiểm soát một số không phận trên khu vực biển Đông và biến khu vực này thành ADIZ của Bắc Kinh. Đó là một hành vi xâm phạm và làm tổn hại sự an toàn của các hãng hàng không dân dụng ... nó cũng gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của các quốc gia khác", Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết khi phản ứng về thông báo ADIZ trên biển Hoa Đông của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể sớm chuyển sang áp đặt một ADIZ tại Biển Đông để nhấn mạnh tính hợp lý về yêu sách của mình. Một số nhà bình luận coi ADIZ của Trung Quốc là một phần của “chiến lược “cây cải bắp” nhằm mở rộng dần dần theo từng lớp quyền kiểm soát các vùng biển lân cận, kết hợp với các quy định mới và tăng cường diễn tập quân sự để củng cố tuyên bố chủ quyền trong khu vực Thái Bình Dương.
Nếu Trung Quốc quyết định lập ADIZ trên biển Đông, nó sẽ trực tiếp đe dọa đối với với các máy bay quân sự nước ngoài không hợp tác với nước này và là sự phản ảnh về tính ngày càng táo bạo trong giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tất cả ADIZ trên toàn thế giới chỉ áp dụng cho máy bay dân sự.
Nhiều nước Đông Nam Á trước đó đã hy vọng vào một kỷ nguyên mới của quan hệ mang tính xây dựng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đối với các lãnh đạo cao cấp Philippines, họ đều nhận thấy có sự leo thang căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước trong năm nay qua việc quyết đoán về những tuyên bố, mở rộng khu vực diễn tập quân sự ở vùng tranh chấp và thúc đẩy quan hệ kinh tế để đánh bật ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản ra khỏi khu vực.
Một thời gian ngắn trước khi thông báo về ADIZ trên biển Hoa Đông, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã thành lập một Ủy ban An ninh Nhà nước mới, một cơ quan cao hơn để phù hợp với sự thay đổi của tình hình, điều phối và thống nhất bước đi của các bộ ngành liên quan tới đối ngoại, nhằm giành lấy lợi ích lớn nhất cho Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây xử lý các vấn đề trên thông qua một thể chế bị phân mảnh, chỉ tập trung vào một số cơ quan cao cấp trong Bộ Ngoại giao, an ninh quốc gia và Quân ủy Trung ương.
Giờ đây, với một quy trình ra quyết định hợp lý, ông Tập Cận Bình trực tiếp chỉ đạo tất cả các quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề ở biển Hoa Đông và biển Đông. Theo các nhà phê bình, mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa ông Tập với quân đội nước này và "Giấc mộng Trung Hoa", điều này báo hiệu một lập trường quyết đoán hơn nhiều của Bắc Kinh trong vấn đề khu vực và các vấn đề lãnh thổ. Thông báo thành lập ADIZ là một ví dụ phản ánh của xu hướng mới này.
Đáp lại, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đã tăng cường quan hệ song phương, đề phòng những leo thang tiềm ẩn trong tranh chấp lãnh thổ. Nhật Bản và ASEAN cũng dự thảo một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về bất kỳ "mối đe dọa" đến hàng không dân sự quốc tế, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề "an ninh và tự do hàng hải".
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố vùng ADIZ mà Trung Quốc mới lập trên biển Hoa Đông đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải phản đối mọi động thái nhằm thiết lập một vùng ADIZ tương tự trên Biển Đông.
Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ lùi bước trước các quy định mới trên. Thật vậy, quốc gia này dường như quyết tâm lờ đi những phản ứng từ các nước trong và ngoài khu vực để khẳng định đây là lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc.
CT (theo Asiatimes)