Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã tăng trở lại sau khi số ca nhiễm đạt mức tăng kỷ lục trong mùa Hè này, nhưng vẫn không đạt đến mức cao như đã thấy hồi mùa Xuân (tháng 3-4/2020). Có thể có một vài giải thích cho xu hướng đó.
Trước tiên là Mỹ đã không xét nghiệm đủ rộng để xác định tất cả các trường hợp mắc COVID-19 hồi tháng 3-4, và do vậy số ca lây nhiễm “kỷ lục” trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua có thể là không chính xác; Những người trẻ tuổi cũng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong những người mắc bệnh ở làn sóng mùa Hè, và họ có ít nguy cơ tử vong hơn.
Nhưng các bác sĩ và bệnh viện ở Mỹ tin tưởng rằng, ngoài những yếu tố trên thì những cải tiến trong tiêu chuẩn chăm sóc của họ cũng đang có tác dụng ý nghĩa, giúp giảm tỉ lệ tử vong.
“Có rất nhiều thứ đã thay đổi. Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc”, Tiến sĩ Daniel Kuritzkes, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham and Women’s và là giáo sư tại Trường Y Đại học Harvard, cho biết. Nhiều người chúng tôi có cảm giác rằng chúng tôi đang làm tốt hơn và chứng kiến tỷ lệ tử vong ít hơn, ngay cả ở những bệnh nhân lớn tuổi nhập viện vì COVID-19.
Số ca tử vong do COVID-19 ở những người Mỹ 65 tuổi trở lên đã đạt đỉnh vào tuần lễ bắt đầu ngày 15/4, khi gần 13.800 người trong độ tuổi đó tử vong. Còn trong tuần đầu tiên của tháng 8, chỉ có khoảng 2.300 người trên 65 tuổi tử vong, trong khi số ca nhiễm bệnh cao gấp đôi so với hồi mùa Xuân.
Tiến sĩ Kuritzkes đã rút ra ít nhất 4 thay đổi trong chăm sóc và điều trị, được cho là đang cải thiện tình hình với bệnh nhân và giúp các bệnh viện duy trì đủ năng lực điều trị.
1) Cho phép một số bệnh nhân COVID-19 tự điều trị ở nhà
Có thể tiến bộ quan trọng nhất lại không xảy ra ở bệnh viện. Các bác sĩ hiện nay đã thoải mái tâm lý hơn khi nói với những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ thấp – những người trẻ hơn, khỏe mạnh hơn, với các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn – rằng họ có thể ở nhà, tự theo dõi và tham khảo ý kiến của bác sĩ, khi cơ thể họ chống chọi lại bệnh tật.
Bằng cách giữ bệnh nhân trẻ khoẻ ở nhà, các bệnh viện có thể tập trung nguồn lực giường bệnh và nhân viên vào những bệnh nhân có nguy cơ cao nhất.
Trang thiết bị y tế đơn giản cũng giúp cho những bệnh nhân ít nguy cơ đó ở nhà an toàn hơn. Ví dụ, bệnh nhân có thể sử dụng máy theo dõi oxy trong máu tại nhà trị giá chỉ 50 USD để đánh giá hoạt động của phổi, xem liệu tình trạng của họ có xấu đi đến mức phải đến viện hay không.
Các bác sĩ hiện nay có thể tin tưởng hơn vào việc chăm sóc tại nhà một phần vì nhiều người nhiễm virus ít gặp rủi ro sức khoẻ hơn. Sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 gần đây đã nhằm vào những người trẻ tuổi hơn, những người chịu ít rủi ro phát triển các triệu chứng nghiêm trọng khiến bệnh nhân phải nhập viện. Điều này cũng phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các bác sĩ rằng họ có thể quản lý những trường hợp như vậy từ xa.
2) Trì hoãn sử dụng máy thở càng lâu càng tốt
Khi mới bùng phát đại dịch COVID-19, một số bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhân nhập viện đang khó thở sử dụng máy thở. Nhưng sau đó họ đã đảo ngược 180 độ cách xử lý này, và hiện đang cố gắng duy trì bệnh nhân không dùng máy thở càng lâu càng tốt.
Bác sĩ Kuritzkes nói: “Ngay từ đầu, đã có ‘phong trào’ nhanh chóng đặt nội khí quản. Điều đó hóa ra không phải là cách làm tốt nhất”.
Việc đặt bệnh nhân vào máy thở sớm cũng có logic khi bệnh tình nặng hơn. Thông thường, các bác sĩ ưa đặt nội khí quản có kiểm soát hơn là cố gắng đặt nội khí quản trong trường hợp cấp cứu về hô hấp. Việc đặt máy thở một cách chủ động sẽ giúp nhân viên y tế kiểm soát tình hình tốt hơn.
Ông Kuritzkes cho biết, có những báo cáo ban đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy đặt nội khí quản sớm là một ý kiến hay. Tuy nhiên, sự "khôn ngoan" vội vàng này hoá ra lại là sai. Đặt một bệnh nhân vào máy thở sẽ thay đổi mọi thứ về nhịp thở của họ và có thể gây tổn thương cho cơ thể. Không khí được đẩy vào phổi và gây áp lực lên các túi khí mỏng manh có nhiệm vụ xử lý oxy và thải khí CO2 ra ngoài. Trong lúc COVID-19 đã làm hại một phần dung tích phổi của bệnh nhân thì đó là một sự kết hợp nguy hiểm. Vì vậy hiện nay, các bệnh viện đang cố gắng trì hoãn việc đặt máy thở càng lâu càng tốt.
“Chúng tôi đang cố gắng tránh tổn thương đó nhiều nhất có thể. Sẽ tốt hơn cho bệnh nhân khi bạn có thể tránh đặt nội khí quản sớm cho họ. Với một số người, chúng tôi có thể giúp họ vượt qua mà không cần phải đặt nội khí quản”, bác sĩ Kurtizkes nói.
3) Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm sấp
Các bệnh viện cũng đã thực hiện một thay đổi quan trọng khác đối với quy trình phẫu thuật tiêu chuẩn thông thường của họ đối với những bệnh nhân khó thở: họ nên được đặt ở tư thế nằm sấp trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày.
Theo nhiều cách, việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cũng giống như chăm sóc bất kỳ bệnh nhân nào bị suy hô hấp nặng. Nhưng việc đặt họ nằm sấp lại là một thay đổi đáng kể so với thực tiễn trước đây.
Bác sĩ Kuritzkes cho hay: “Điều đó không được thực hiện phổ biến trước khi xảy ra đại dịch này. Ngay sau khi một số bệnh viện bắt đầu báo cáo những trải nghiệm tích cực, việc đặt bệnh nhân nằm sấp đã nhanh chóng được đón nhận”.
Hệ thống Y tế Đại học ở San Antonio, một trong những hệ thống bệnh viện đầu tiên của Mỹ tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân COVID-19 khi đón những người sơ tán từ Vũ Hán và tàu du lịch Diamond Princess, nói rằng họ nhanh chóng học được cách đặt bệnh nhân ở tư thế nằm sấp, dẫn đến kết quả điều trị tốt hơn.
Lý do về mặt khoa học khá đơn giản: Lưu lượng máu thay đổi tùy thuộc vào lượng áp lực đang dồn lên phổi và áp lực đến từ đâu. Đặt bệnh nhân nằm sấp giúp máu đến các bộ phận khác nhau của phổi dễ dàng hơn và cải thiện chức năng phổi. Nghiên cứu vẫn còn sơ bộ, nhưng những gì hiện có cho thấy mức độ oxy trong máu của bệnh nhân COVID-19 được cải thiện ở tư thế nằm sấp. (Điều này cũng hữu ích đối với mục tiêu trì hoãn đặt nội khí quản)
“Điều bạn muốn làm là tối đa hóa lượng máu đến các vùng của phổi để được thông khí tốt nhất”, ông Kuritzkes giải thích.
4) Sử dụng Dexamethasone và Remdesivir
Phần còn lại của bài toán điều trị COVID-19 là các loại thuốc trên thực tế. Cho đến nay, thuốc kháng viêm steroid Dexamethasone và thuốc kháng virus Remdesivir đã được chứng minh là có triển vọng nhất và đã được nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ và thế giới áp dụng.
Bác sĩ Kurtizkes khẳng định: “Không cần bàn cãi, sự ra đời của Remdesivir đã có một tác động lớn”.
Các nghiên cứu đã chứng minh Remdesivir giúp bệnh nhân COVID-19 nhập viện cải thiện tình trạng nhanh hơn. Trong một nghiên cứu với những bệnh nhân nghiêm trọng, họ đã phục hồi nhanh hơn 4 ngày khi dùng Remdesivir so với những bệnh nhân dùng giả dược. Trong một nghiên cứu khác, những bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19 nhẹ có khả năng cải thiện nhiều hơn 65% sau khi được dùng thuốc.
Giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng là điều quan trọng để duy trì công suất bệnh viện và tránh khiến nhân viên y tế bị quá tải. Hiện chưa rõ liệu Remdesivir có thực sự cải thiện khả năng sống sót ở bệnh nhân COVID-19 hay không, mặc dù một tài liệu nghiên cứu sơ bộ được trình bày tại Hội nghị AIDS 2020 vào mùa Hè này đã cho thấy tỷ lệ tử vong thấp hơn ở những bệnh nhân được dùng Remdesivir.
Trong khi đó, thuốc Dexamethasone đã được chứng minh là làm giảm tử vong ở bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng (như những người cần thở máy hoặc trợ thở oxy) và vì vậy nó cũng trở thành một phần của tiêu chuẩn chăm sóc cho những ca bệnh đó. Tuy nhiên, Dexamethasone dường như không tạo ra nhiều khác biệt đối với những bệnh nhân không cần hỗ trợ hô hấp và các bác sĩ vẫn đang cố gắng tìm ra thời điểm tốt nhất để cho bệnh nhân sử dụng thuốc này.
Bác sĩ Kuritzkes giải thích lý do là Dexamethasone là một loại steroid, nó có thể gây tác dụng có hại khác trên cơ thể bệnh nhân, khiến việc điều chỉnh lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn và đôi khi dẫn đến huyết áp cao. Bệnh nhân cũng dễ bị nhiễm trùng cơ hội hơn.
“Người ta không muốn sử dụng nó khi lợi ích không lớn hơn rủi ro tiềm ẩn”, ông nói.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều điều để học hỏi, và 4 điều chỉnh trên đều là những biện pháp không hoàn hảo. Sử dụng vaccine hoặc có phương pháp đặc trị sẽ còn tiến xa hơn trong việc giảm thiểu số lượng ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, sự cải thiện trong điều trị cũng không phải là lý do để chúng ta chủ quan với yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.