Sau khi nhận được đơn tố cáo của cổ đông gửi Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp việc bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí trọng yếu trong Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có công văn 734/UBQLV-PCKS gửi Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines xem xét đơn tố cáo và gửi kết giải quyết tố cáo về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 13/7, đại diện lãnh đạo Vinalines cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vinalines đã thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo và đã ra kết luận thanh tra số 1393/KL-HHVN về vấn đề này.
Cụ thể về nội dung tố cáo, lãnh đạo Vinalines cho hay, tháng 5 vừa qua, một cổ đông của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn) đã gửi đơn tố cáo lãnh đạo cảng này nhiều sai phạm trong bổ nhiệm nhân sự, ký hợp đồng kinh tế.
Theo đó, ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn bị tố cáo: Lôi kéo vây cánh, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, người nhà vào các vị trí trọng yếu trong công ty. Cụ thể, ông Phan Tuấn Linh đã bổ nhiệm 3 người, gồm: bà N.T.H, Phó trưởng phòng Kế toán Tài vụ; ông P.V.K, Phó trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ (ông K là chồng bà H đều quê Hải Phòng); ông V.A.T, Thư ký Tổng giám đốc.
Ông Phan Tuấn Linh tái bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Phúc tiếp tục giữ chức Phó Tổng giám đốc thường trực, dù ông Phúc đã về hưu từ năm 2018. Đơn tố cáo của cổ đông cũng cho hay, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Phúc ký hợp đồng thuê tàu lai dắt giữa Cảng Quy Nhơn với Công ty TNHH TMV Phúc Trường Linh có thời hạn tới 10 năm, giá trị hợp đồng 324 tỷ đồng không qua đấu thầu, trái quy định.
Ngoài ra, cả Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn và ông Phúc đều bị tố cáo đưa các công ty sân sau ký hợp đồng với Cảng Quy Nhơn, gồm: Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Á Châu; Công ty cổ phần Dịch vụ hậu cần Cảng biển Quy Nhơn; Công ty TNHH Thương mại vận tải Phúc Trường Linh; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hàng hải Thái Hà.
Để giải quyết những nội dung tố cáo trên, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thành lập Tổ xác minh và ngày 15/6 vừa qua, Vinalines đã ban hành kết luận xác minh nội dung tố cáo lãnh đạo Cảng Quy Nhơn.
Qua xác minh, Tổ xác minh của Vinalines kết luận, việc Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn Phan Tuấn Linh bổ nhiệm các nhân sự trên là đúng quy định, phù hợp nhu cầu đơn vị. Những người được bổ nhiệm cũng không phải người nhà của lãnh đạo cảng, do đó, nội dung tố cáo không có cơ sở.
Về trường hợp của ông Nguyễn Hữu Phúc, dù đã nghỉ hưu, bị kỷ luật những vẫn được ông Linh bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn. Theo kết luận của Vinaline, ông Phúc nghỉ hưu năm 2018, sau đó được Cảng Quy Nhơn ký hợp đồng làm Phó Tổng giám đốc có thời hạn 3 năm, tới hết năm 2021.
Hợp đồng lao động ký với ông Phúc do ban lãnh đạo của nhà đầu tư cũ thực hiện trước khi cảng chuyển giao lại cho nhà nước (về lại Vinalines tháng 6/2019) không trái quy định, vẫn còn hiệu lực. Vinalines tiếp nhận lại nguyên trạng, ông Phúc được ký hợp đồng làm Phó Tổng giám đốc trước khi ông Phan Tuấn Linh được Vinalines bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Do đó, nội dung tố cáo không có cơ sở.
Với hợp đồng giữa Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH Thương mại vận tải Phúc Trường Linh ký tháng 4/2019, kết luận của Vinalines xác định, hợp đồng này được ký trước khi Cảng Quy Nhơn bàn giao lại cho nhà nước. Thời điểm ký hợp đồng, Cảng Quy Nhơn không có vốn nhà nước, nên không cần đấu thầu. Khi tiếp nhận lại Cảng Quy Nhơn, Vinalines cũng phải kế thừa các hợp đồng kinh tế đã ký.
Tuy nhiên, tổng giá trị hợp đồng trên là 324 tỷ đồng, vượt quá 35% tổng giá trị tài sản Cảng Quy Nhơn, nhưng chưa thông qua Đại hội cổ đông là trái luật và do đó, nội dung tố cáo đúng một phần.
Về tố cáo 4 công ty được cho là sân sau của lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, theo kết luận xác minh, chỉ có trường hợp Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Á Châu do vợ ông Phúc làm đại diện theo pháp luật có hợp đồng kinh tế với cảng Quy Nhơn từ năm 2003. Tuy nhiên, ông Phúc không công khai các lợi ích liên quan tới Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Á Châu là chưa đúng quy định.
Với 3 công ty còn lại, gồm: Công ty cổ phần Dịch vụ hậu cần Cảng biển Quy Nhơn, Công ty TNHH Thương mại vận tải Phúc Trường Linh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hàng hải Thái Hà được kết luận không liên quan tới các lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, hoặc không có hoạt động kinh tế với Cảng Quy Nhơn.
Kết luận thanh tra xác định, nội dung tố cáo chưa đúng, nhưng việc ông Phúc đã không công khai các lợi ích liên quan tới Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Á Châu, Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn các thời kỳ cũng có lỗi khi không kịp thời yêu cầu ông Phúc thực hiện việc công khai này.
Từ kết quả xác minh tố cáo trên, lãnh đạo Vinalines yêu cầu người đại diện vốn của Tổng công ty tại Cảng Quy Nhơn thực hiện các việc như sau: phối hợp với Hội đồng quản trị xây dựng quy chế về bổ nhiệm cán bộ; rà soát lại hợp đồng ký với Công ty TNHH TMVT Phúc Trường Linh; kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các nội dung vi phạm trong ký kết các hợp đồng kinh tế.
Ban Tổ chức nhân sự Vinalines được lãnh đạo Tổng công ty giao xem xét lại hợp đồng ký với Phó Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn Nguyễn Hữu Phúc, báo cáo Hồi đồng thành viên Vinalines quyết định.
Đại diện lãnh đạo Vinalines và Cảng Quy Nhơn cho biết, trong quý III/2020, sẽ xử lý xong các nội dung tố cáo được xác định là đúng, hoặc đúng 1 phần; xử lý dứt điểm những tồn tại về nhân sự, các hợp đồng kinh tế sau khi chuyển giao.
Cảng Quy Nhơn được Vinalines chính thức tiếp nhận lại từ cuối tháng 6/2019, sau quá trình đàm phán mua lại cổ phần với Công ty cổ phần Khoáng sản Hợp Thành, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa.
Sau khi “về tay” Vinalines, Ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn với những nhân sự từ Công ty mẹ - Vinalines cử xuống, đã nhanh chóng kiện toàn, hoàn thiện bộ máy tổ chức cảng…