Do vậy, hệ thống cây cảnh, thảm cỏ trên các tuyến đường về cơ bản phải đảm bảo điều kiện tự sinh trưởng, phát triển trên nền đất tự nhiên để tiết giảm kinh phí trong công tác chăm sóc, duy trì.
Thông tin trên được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra sau khi dư luận phản ánh về việc hạng mục tại hai tiểu dự án nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư được các cơ quan của thành phố Hà Nội tiếp nhận quản lý, nhưng riêng hạng mục cảnh quan (gồm nhiều chậu hoa, cây cảnh được trồng trong chậu... đặt trên nền đường đã thảm bê tông nhựa), Sở Xây dựng Hà Nội từ chối tiếp nhận với lý do không có kinh phí để duy trì.
Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, với khối lượng cây cảnh trồng trong các chậu phải có điều kiện phải chăm sóc đặc biệt, (tưới nước, chăm sóc, cắt tỉa... định kỳ) nên để đảm bảo cây phát triển ổn định (nhất là vào mùa Hè, mùa Đông) thì kinh phí cho nhân công chăm sóc duy trì thường xuyên là rất lớn, ngân sách thành phố khó đáp ứng được.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đưa ra giải pháp, đề nghị Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chủ trì cùng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long, trên cơ sở hồ sơ hoàn công rà soát hiện trường cây cảnh, thảm cỏ được trồng trên nền đất tự nhiên thuộc hai dự án trên, để thống nhất khối lượng, giao Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tiếp nhận quản lý, duy trì theo quy định.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị, Ban Quản lý dự án Thăng Long xem xét điều chỉnh để trồng cây xuống nền đất tự nhiên hoặc thu hồi khi đã thực hiện trang trí cảnh quan theo đúng quy định.
Trước đó, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản số 3537 đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội tiếp nhận hạng mục cây xanh, thảm cỏ được hoàn thành cuối tháng 12/2015, theo kế hoạch được phê duyệt. Thời gian đưa vào khai thác sử dụng tính đến nay đã hơn 9 tháng. Để đảm bảo cho cây sống, nhà thầu vẫn đang phải tự bỏ kinh phí duy trì chăm sóc.