Về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết nới thời gian làm thêm giờ từ 40 giờ lên 60 giờ/tháng là hợp lý trong bối cảnh hiện nay để doanh nghiệp chủ động tăng năng lực sản xuất, bố trí lực lượng lao động trong bối cảnh nhiều đơn vị có các ca nhiễm F0 (mắc COVID-19). Qua đó, các doanh nghiệp sẽ đáp ứng các đơn hàng theo hợp đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định khung, việc làm thêm giờ phải được sự thỏa thuận đồng ý giữa người sử dụng lao động và người lao động, đồng thời có mức trả tiền làm thêm giờ theo quy định và góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là một vấn đề hết sức quan trọng, đây cũng là một trong bốn nội dung khi hoàn thiện Bộ luật Lao động năm 2019 đã được các cấp, các ngành rất quan tâm, và được lấy ý kiến rộng rãi.
“Trong Bộ luật Lao động, riêng mảng thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong đó có làm thêm giờ phải biểu quyết đến 2 lần. Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề này đã được Quốc hội cân nhắc, thảo luận rất kỹ bởi rất nhiều yếu tố, từ sức khỏe của người lao động, năng suất đến đời sống, thu nhập, các yếu tố liên quan đến làm thêm giờ, cũng như mối quan hệ thấu đáo giữa các bên trong quan hệ lao động”, ông Lê Đình Quảng dẫn chứng.
Theo quy định hiện hành, giới hạn làm thêm giờ bao gồm giờ làm việc trong ngày, trong tháng và trong năm. Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 quy định thời giờ làm thêm trong tháng giới hạn 30 giờ, thì đến Bộ luật Lao động 2019 được nâng lên 40 giờ.
Tuy nhiên theo ông Quảng, hiện nay đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có những thay đổi, xáo trộn, doanh nghiệp mong muốn khôi phục lại sản xuất, nhất là làm thêm giờ để đáp ứng các hoạt động thời gian qua bị gián đoạn cũng như tiến độ các đơn hàng nên có mong muốn điều chỉnh giới hạn làm thêm giờ.
“Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì bản thân người lao động cũng có mong muốn làm thêm giờ, nhưng làm thêm cần cân nhắc. Về chủ trương là đồng ý, nhưng cũng nên xem lại giới hạn. Nâng từ mức 40 giờ/tháng theo quan điểm của tôi là rất ủng hộ, nhưng mức tăng tương đương cần vừa phải, ví dụ từ 40 giờ lên 60 giờ sẽ phù hợp hơn, ngoài ra cũng cần loại trừ một số đối tượng để bảo vệ họ”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
Còn TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: Kinh nghiệm của nhiều nước cũng chỉ đề xuất giờ làm thêm trong một năm, còn trong một tháng nhiều nước nước không quy định. Bởi lẽ, tính chất của thời gian làm thêm phụ thuộc vào quy trình sản xuất, tính chất công nghệ, ví dụ trong nông nghiệp không thể nói đến 6 giờ tối là nghỉ mai gặt tiếp, mà có thể làm đêm làm ngày.
Thêm nữa, phải kiểm soát được thời giờ làm thêm, về mặt chu trình sinh học của con người, thời gian làm thêm kéo dài sẽ gây tổn hại về sức khỏe, kể cả năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng, vì thế không nên khuyến khích kéo dài thời giờ làm thêm.
Các nước cũng có những quy định rất chặt về vấn đề này, ngoài thời gian chính thì thời gian làm thêm phải có các chế độ về an toàn vệ sinh lao động, chẳng hạn như phải được nghỉ ngơi giữa giờ, làm đêm phải được ăn giữa ca, nếu kéo dài thời gian làm việc sau 5h chiều thì phải có bữa chiều, bữa ăn nhẹ…Tóm lại nếu muốn kéo dài thời gian làm việc cần có chính sách về an toàn vệ sinh lao động.
Trường hợp nếu phải kéo dài, cần có thỏa thuận quy định về vấn đề này, ví dụ thêm hai tiếng phải có chế độ ăn nhẹ, 3 tiếng phải ăn bữa tối, có nghỉ ngơi giữa ca, song thực tế các nhà máy ở Việt Nam hiện nay rất ít thực hiện được điều này.
Đặc biệt, về đơn giá thời gian làm thêm để trả công lao động thì Nhà nước đã quy định, đơn giá này phải chặt chẽ, như vậy việc kéo dài thời gian làm thêm phải dựa trên nền tảng là quy định của Nhà nước và các thỏa thuận tại doanh nghiệp.
“Còn về phía doanh nghiệp, việc kéo dài thời giam làm thêm chính là tăng chi phí, bởi lẽ tất cả các chi phí liên quan về an toàn vệ sinh lao động, tiền lương, các giải pháp bảo bộ khác nếu có đều nằm trong chi phí của doanh nghiệp, cho nên doanh nghiệp cực chẳng đã mới huy động thời gian làm thêm. Vì lẽ đó, tăng giờ làm thêm đều có tác động lên cả hai phía. Tôi ủng hộ việc tăng giới hạn làm thêm lên không quá 300 giờ một năm cho tất cả các ngành nghề, thậm chí một số nước trên thế giới còn áp dụng tăng lên 400 giờ trở lên. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc thực thi pháp luật lao động, các thỏa ước lao động tập thể về chế độ an toàn vệ sinh lao động, các chính sách bảo vệ người lao động nhìn chung chưa tốt lắm. Vì vậy, tôi cũng lo ngại, việc kéo dài quá thời gian làm thêm không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, mà chính năng suất lao động cũng khó tăng”, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
“Vấn đề thời gian làm thêm giờ đòi hỏi sự thỏa thuận, có sự tham gia của ba bên, trong đó, Nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp luật, doanh nghiệp dựa trên nhu cầu và chi phí có chịu được không, người lao động cũng vậy. Tuy nhiên, rõ ràng người lao động không thể tự quyết định được, họ cũng không có quyền từ chối làm thêm nếu đang ở trong một dây chuyền sản xuất”, bà Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.
Được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Theo các chuyên gia về lao động, quy định tăng giờ làm thêm từ 40 giờ lên 60 giờ/tháng áp dụng với nhóm đối tượng có quan hệ lao động (tức là có hợp đồng lao động), còn thực tế trên thị trường lao động tự do, hiện nhiều chủ sử dụng lao động và lao động thực hiện khoán theo sản phẩm nên có thời điểm, nhiều khi thời gian làm thêm giờ cao hơn quy định trên nhưng cũng có khi không có việc để làm.