Sau 10 ngày mở cửa du lịch: Lấy đà tăng tốc vào dịp hè

Sau 10 ngày Việt Nam công bố mở cửa lại hoàn toàn du lịch, các địa phương, doanh nghiệp đang tăng tốc chuẩn bị về cơ sở vật chất, dịch vụ, xúc tiến quảng bá, đưa các chương trình kích cầu để sớm phục hồi du lịch. Trên cơ sở nhu cầu thực tế, hiện các cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp du lịch, địa phương đang tập trung cho du lịch nội địa dịp hè và chuẩn bị sản phẩm du lịch quốc tế.

Chuẩn bị cơ sở để đón khách du lịch nội địa dịp hè

Từ ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam chính thức mở lại toàn bộ hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và triển khai theo phương án số 829/PA-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành. Đây là cơ sở pháp lý để các địa phương, doanh nghiệp sôi nổi mở lại các hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả.

Khởi động lại hoạt động du lịch, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2022” với chủ đề “Get on Hanoi 2022” sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27/3/2022, tại khu vực nhà Bát Giác, vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với một loạt sự kiện quảng bá, thu hút khách. Đáng chú ý là sự kiện Hội khinh khí cầu “Hà Nội muôn màu” tại khu vườn nhãn Long Biên, ven sông Hồng, chân cầu Vĩnh Tuy, quận Long Biên. Tại đây, 22 khinh khí cầu các loại, tượng trưng cho năm 2022 (gồm 4 khinh khí cầu cấp 7 cao 22m, 18 khinh khí cầu cấp 1 cao 10m), đa sắc màu, bay lơ lửng trên bầu trời sẽ là khung cảnh vô cùng đẹp mắt. Du khách cũng được trải nghiệm bay lên cùng khinh khí cầu để ngắm Hà Nội từ trên cao.

Chú thích ảnh
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội được mở cửa trở lại thu hút nhiều du khách. Ảnh: LP.

Còn từ 16/4, Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Ba Vì sẽ khai mạc khai trương du lịch Ba Vì năm 2022 với chủ đề “Du lịch Ba Vì - Trải nghiệm xanh, an toàn” loại hình du lịch sinh thái,nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp. Đây sẽ là hướng trọng tâm thu hút khách du lịch ngoại thành Hà Nội dịp hè này.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2022, Hà Nội thu hút hơn 2,8 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 45% so với cùng kỳ, đây là tiền đề để cùng với các chuỗi sự kiện, tạo dựng sản phẩm kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch Thủ đô thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thành phố đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết với hơn 40 tỉnh thành. Điểm nổi bật thời gian qua là nâng cấp sự liên kết quy mô hơn. Trước đây, sự liên kết này chỉ dừng ở cấp sở. Từ 2019- 2020, TP HCM đã mở rộng, nâng tầm liên kết thành cấp tỉnh như với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Tây Bắc, với các vùng trọng điểm miền Trung, mở rộng với các 5 tỉnh Đông Nam Bộ, 5 tỉnh Tây Nguyên... Việc mở rộng liên kết này để mở ra nhiều sản phẩm hơn để chào đón du khách.

“Từ việc liên kết, Thành phố Hồ Chí Minh xác định thực hiện quảng bá, xúc tiến, trao đổi hệ sinh thái du lịch với các địa phương, cùng nhau làm mới các chương trình du lịch; tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc; tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực. Việc mở rộng liên kết với các vùng trên cả nước, là cầu nối đưa du khách đến với các tỉnh, đồng thời đón du khách từ cách tỉnh đến TP Hồ Chí Minh, từ đó, phát triển hệ sinh thái và phát triển du lịch mạnh mẽ hơn”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu chia sẻ.

Theo Sở Du lịch Quảng NInh, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng đầu tư cho du lịch để chủ động phục hồi lại hiệu quả. Tỉnh đã tập trung vào hoạt động liên kết du lịch; ban hành Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch; xây dựng các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động du lịch; tổ chức đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động du lịch… Tất cả nhằm mục tiêu năm 2022, du lịch Quảng Ninh đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 21.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Thành phố bám sát chỉ đạo theo phương án 829 của Bộ VHTTDL để triển khai công tác phòng chống dịch, xúc tiến xây dựng sản phẩm, quảng bá du lịch. Ngày 27/3 tới đây, Đà Nẵng sẽ đón chuyến bay quốc tế đầu tiên trở lại từ Singapore và Bangkok.

“Trong dịp hè này, Đà Nẵng sẽ tập trung khai thác khách nội địa, đặc biệt liên kết với các tỉnh miền Trung để tạo ra sản phẩm mới kết hợp du lịch biển với du lịch văn hóa, sinh thái”, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa; Phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá nhằm hưởng ứng Chương trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Với Chiến dịch xây dựng điểm đến Thanh Hóa - an toàn, thân thiện, hấp dẫn, địa phương này phấn đấu thực hiện mục tiêu năm 2022 đón trên 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 440.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 18.000 tỷ đồng.

Mới đây, tại Bạc Liêu, Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và lễ phát động mở lại hoạt động du lịch đã diễn ra với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cùng lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực. Tại hội nghị, đã diễn ra lễ Ký kết Quy chế phối hợp thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025 của Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tiền đề để thu hút khách quốc tế đến vùng du lịch sông nước, miệt vườn này.

Một sự kiện được các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ chờ đợi là Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2022 diễn ra từ ngày 31/3 đến 3/4, tại Hà Nội do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức. Hội chợ có chủ đề “Bình thường mới - Cơ hội mới cho Du lịch Việt Nam” với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch từ 52 tỉnh, thành trong cả nước và từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến, các doanh nghiệp du lịch và hàng không sẽ tung ra tại Hội chợ hơn 10.000 tour kích cầu; 100.000 vé máy bay giá rẻ; hơn 1.000 quà tặng. Xuyên suốt những ngày diễn ra hội chợ sẽ có các hoạt động B2B, B2C, hoạt động của các trung tâm xúc tiến, doanh nghiệp tại các gian hàng; các diễn đàn, phát triển loại hình du lịch Golf, du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội thảo), cuộc thi ứng dụng du lịch trực tuyến...

Từ góc độ của doanh nghiệp, khẳng định ngành du lịch đã trở lại, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel cho biết thời gian qua, Vietravel đã liên tục đẩy mạnh liên kết hợp tác với các địa phương như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Bắc, Khánh Hòa, các địa phương miền Trung, Quảng Ninh… để khởi động lại hoạt động du lịch, xây dựng các sản phẩm mới.

Tạo dựng sản phẩm giới thiệu khách quốc tế

Ông Lê Nguyên Long, Giám đốc Asia Plus Tours, chuyên đón khách đoàn Âu – Mỹ chia sẻ: Đây là giai đoạn rà soát lại sản phẩm để chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế. Trong 2 năm qua, nhiều cơ sở dịch vụ tạm dừng đóng cửa nên phải ngừng hoạt động nên phải đánh giá lại chất lượng dịch vụ.

“Thông tin về việc mở cửa lại với các điều kiện về y tế, và thủ tục visa nhìn chung được khách và đối tác đón nhận tích cực. Dự kiến tháng 6 sẽ có những nhóm khách đến và lượng khách sẽ ổn định vào cuối năm”, ông Lê Nguyên Long cho biết.

Còn ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: Tổng hợp từ các đơn vị lữ hành trên cả nước cho thấy giai đoạn này các đơn vị đang tập trung rà soát lại cơ sở hạ tầng, đào tào lại đội ngũ hiện có, tuyển dụng thêm nhân sự. Trong giai đoạn trước mắt sẽ tập trung khai thác du lịch nội địa hè với điểm khởi đầu là Giỗ Tổ Hùng Vương và dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Sau đó các đơn vị sẽ tập trung vào mùa du lịch quốc tế từ tháng 9 trở đi.

“Việc luân phiên như vậy sẽ vừa giảm áp lực cho hạ tầng du lịch và nhân lực vẫn đang còn yếu và thiếu. Do đó, giai đoạn này, bên cạnh rà soát lại hạ tầng cơ sở vật chất, các đơn vị cũng mong có sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương trong việc đào tạo lại nhân lực du lịch”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lê Hương cũng cho rằng, trước mắt, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL định hướng phối hợp với tất cả các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch triển khai kế hoạch truyền thông với thông điệp thống nhất ở trong nước và ra thế giới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch - yếu tố quan trọng để phục hồi ngành du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, việc mở cửa du lịch từ 15/3 là dấu mốc hết sức quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về mở cửa hoạt động giao lưu, giao thương với quốc tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc mở cửa trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế, còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ ngày 15/3/2022 hoạt động du lịch đã được mở lại toàn bộ cả du lịch quốc tế và nội địa, thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển; áp dụng với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), khách du lịch ra nước ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa.

“Trong giai đoạn vừa qua cho thấy du lịch nội địa hiện không còn rào cản nào. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho hoạt động du lịch giai đoạn mở cửa hiện nay. Hướng đến mục tiêu năm 2022, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 60 triệu khách nội địa và 5 triệu khách quốc tế là hoàn toàn khả thi”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam). Chiến dịch đang và sẽ được triển khai đồng bộ trên các chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam cho khách quốc tế bao gồm trang web vietnam.travel, các trang mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Instagram, Youtube và Pinterest; các kênh truyền thông quốc tế cũng như thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...

Bên cạnh nguồn nhân lực, ngành du lịch cũng đẩy mạnh chuyển đổi số. Để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và địa phương.

XM/Báo Tin tức
Tạo bước phát triển gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới
Tạo bước phát triển gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới

Một điểm mới của chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025 là thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn. Đây là cơ sở pháp lý các địa phương tạo nguồn động lực mới, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN