Theo ông Nguyễn Trúc Lâm, đập tạm kênh Xáng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước mà kết hợp nhiều nguyên nhân. Thời điểm xảy ra hạn mặn, trên địa bàn thành phố Bến Tre có xây dựng hai công trình đập tạm là đập tạm kênh Xáng và đập tạm kênh sông Mã (đều ở xã Sơn Đông).
Mục đích của việc xây đập tạm là để bảo vệ nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Sơn Đông. Khi đắp đập tạm, dòng chảy lưu thông bị ảnh hưởng. Sau hạn mặn, đập tạm kênh sông Mã đã được tháo dỡ nhưng đập tạm kênh Xáng vẫn còn giữ lại. Vì thời gian chặn giữ dòng nước kéo dài hơn nửa năm nên kênh Xáng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Mặc dù, đập tạm kênh sông Mã đã tháo dỡ nhưng ở sông Mã lại đắp đập để làm cống ngăn mặn (thuộc dự án thủy lợi Bắc Bến Tre ngăn mặn cho phía Nam thành phố Bến Tre và phía Tây của huyện Giồng Trôm) dự kiến cuối tháng 12/2020 mới xong. Do vậy, nguồn nước bên đập tạm sông Mã không thoát ra sông Hàm Luông được. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nguồn nước ở kênh Xáng bị ô nhiễm vì nguồn nước kênh Xáng thông với sông Mã đổ ra sông Hàm Luông.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre Nguyễn Trúc Lâm cho biết, trước đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tháng 9, UBND thành phố đã tiến hành lên phương án chi 4 tỷ đồng để triển khai nạo vét rạch Cái Cá, đoạn từ cầu kênh Xáng đến cù lao Bình Dương (phường An Hội, thành phố Bến Tre) với chiều dài khoảng 4.300m để tạo đường thoát nước từ kênh Xáng về sông Bến Tre, giải quyết nước ô nhiễm trong khu vực kênh Xáng.
Ngoài ra, đơn vị thi công cống ngăn mặn trên sông Mã vừa tháo dỡ một phần cống, giúp lưu thông một phần nguồn nước kênh sông Mã, giảm bớt lượng nước đen ô nhiễm ở kênh Xáng.
Ông Nguyễn Trúc Lâm cho rằng, hai giải pháp song song này sẽ góp phần giải thoát nguồn nước bị ô nhiễm trong kênh Xáng. Ngoài giải pháp nạo vét kênh Xáng và tháo dỡ một phần cống ngăn mặn ở sông Mã để giải thoát nguồn nước ô nhiễm, UBND thành phố Bến Tre cũng sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xả thải trực tiếp ra kênh Xáng gây ô nhiễm để xử phạt. Với những giải pháp cấp bách này, UBND thành phố hy vọng sẽ giải quyết cơ bản nguồn nước ô nhiễm ở kênh Xáng.
Trước đó, như Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, từ tháng 2/2020 đến nay, hơn 1.000 hộ dân ấp 1, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ nguồn nước kênh Xáng ô nhiễm, không thể sử dụng để tưới tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nguồn nước bốc mùi hôi thối cũng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân trong ấp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre (đơn vị quản lý đập tạm kênh Xáng) cho biết, hiện nay vẫn chưa thể mở cửa thoát nước tại đập tạm kênh Xáng nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước thô cho Nhà máy nước Sơn Đông (nguồn cấp nước chính quan trọng phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh,… cho người dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp toàn thành phố Bến Tre và một số khu vực lân cận).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đề nghị UBND thành phố Bến Tre chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan xem xét, triển khai một số giải pháp khác nhằm sớm giải quyết vấn đề ô nhiễm nước ở đập tạm kênh Xáng, đồng thời không gây nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cấp của Nhà máy nước Sơn Đông.