Nhận diện cao tốc 4 làn xe
Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT), nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình khai thác đường cao tốc hạn chế số làn, không có làn dừng khẩn cấp liên tục, thay vào đó là điểm dừng cách quãng, xuất phát từ nguồn lực xã hội còn hạn chế hoặc do điều kiện địa hình, điều kiện khai thác giao thông…
Đơn cử, tại các nước như: Canada, Australia, New Zealand, Anh, Phần Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines... còn phân kỳ thiết kế và đầu tư xây dựng đường cao tốc có 2 làn xe cơ giới, mỗi hướng chỉ có 1 làn đường xe chạy. Nhiều quốc gia còn đang có xu hướng loại bỏ làn dừng khẩn cấp, thay vào đó chỉ bố trí các vịnh dừng khẩn cấp để nâng cao năng lực thông hành.
Qua tìm hiểu, tại Việt Nam, các tuyến cao tốc nằm trong mạng đường bộ cao tốc đều được quy hoạch với quy mô từ 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế từ 80 - 120 km/giờ. Thậm chí, một số tuyến đường cao tốc hướng tâm, kết nối các khu đô thị, trung tâm kinh tế lớn còn được quy hoạch với quy mô 8 - 10 làn xe. Tuy nhiên, để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch cần nguồn lực đầu tư lớn. Riêng giai đoạn 2010 - 2030 cần khoảng 813.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2010 - 2020, Việt Nam mới bố trí được 395.000 tỷ đồng và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí được khoảng 178.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 22%).
Trong điều kiện bố trí nguồn lực ngân sách còn hạn chế, các dự án cao tốc đã và đang được phân kỳ đầu tư. Trong đó, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch được đề ra. Còn giai đoạn phân kỳ sẽ đảm bảo quy mô kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của giai đoạn hạn chế (có thể 2 - 4 làn xe hạn chế) và thực hiện khai thác, tổ chức giao thông đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kĩ thuật, an toàn.
Đối với các dự án trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, ngay từ năm 2014, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 5109: “Hướng dẫn về thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc.
Cụ thể, với cao tốc giai đoạn phân kỳ quy mô 2 làn xe có thể bố trí quy mô kỹ thuật đường cao tốc với mặt đường cao tốc 2 làn xe và bố trí các khoảng vượt xe cách nhau từ 5,6 - 8 km tùy theo điều kiện địa hình và lưu lượng xe. Đối với cao tốc 4 làn xe (giai đoạn phân kỳ) chiều rộng mặt đường phần xe chạy rộng 7 m (tương ứng với 2 làn xe chạy mỗi chiều) không nhất thiết phải bố trí suốt theo chiều dài tuyến mà được bố trí thành các đoạn có làn dừng xe khẩn cấp cách nhau khoảng 6 - 10 phút xe chạy hoặc 8 km - 10 km và đảm bảo việc tổ chức giao thông an toàn theo đúng quy định.
Đảm bảo nguồn lực đầu tư
Các chuyên gia giao thông nhận định, việc thiết kế, đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc hạn chế 2 - 4 làn xe không bắt buộc bố trí làn đường khẩn cấp toàn tuyến, kết hợp với các vịnh dừng khẩn cấp dọc theo tuyến đường và hệ thống giao thông thông minh hoàn toàn, vừa đảm bảo nguồn lực, nhu cầu hiện tại, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vừa đảm bảo tổ chức giao thông an toàn trên toàn tuyến và khai thác hiệu quả.
Đơn cử, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa thông xe kỹ thuật ngày 19/1 và dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn sắp thông xe, với chiều rộng như hiện nay, nếu bố trí làn khẩn cấp tại các dự án này sẽ chỉ khai thác được với quy mô 2 làn xe, tương tự như một số đoạn tuyến trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai sẽ ảnh hưởng đáng kể đến năng lực lưu thông toàn tuyến so với phương án hiện hữu là quy mô 4 làn xe kết hợp vịnh dừng khẩn cấp.
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), không chỉ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Cao Bồ - Mai Sơn, tất cả dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông đang triển khai đều được xây dựng theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về thiết kế trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc.
Các dự án này đều được xây dựng với quy mô mặt cắt ngang 17 m, 4 làn xe hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/giờ và không có làn dừng khẩn cấp liên tục. Thay vào đó, trên các tuyến này, làn dừng xe khẩn cấp được bố trí cách đoạn 4 - 5 km/điểm. Mỗi điểm rộng chừng 2 - 3 m, dài khoảng 270 m, đảm bảo cho xe cứu hộ, cứu nạn hoặc các xe gặp sự cố dừng đỗ, mà không ảnh hưởng đến luồng giao thông trên tuyến.
Bên cạnh đó, để xử lý tình huống các xe gặp sự cố trên tuyến, các cao tốc này sẽ được bố trí thêm các vị trí có phương tiện cứu hộ cứu nạn và bố trí so le các vị trí chỗ cho xe khẩn cấp ở mỗi chiều xe chạy. "Tính toán cho thấy, việc đầu tư quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17 m vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư, đảm bảo đáp ứng lưu lượng xe đến năm 2045", ông Phạm Hữu Sơn cho hay.
Thông tin thêm về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, 2 dự án này được xây dựng tuân thủ đúng các quy định tại Quyết định 5019 ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT. Trong thiết kế phân kỳ theo phương án bố trí cách quãng, nhà đầu tư đã tính đến trường hợp xe gặp sự cố trên tuyến tại những đoạn không có làn dừng khẩn cấp. Để xử lý tình huống này, theo chỉ dẫn thiết kế, các dự án được bố trí thêm các vị trí có phương tiện cứu hộ cứu nạn và bố trí so le các vị trí chỗ cho xe khẩn cấp ở mỗi chiều xe chạy. Đồng thời, tại đó bố trí đoạn ngắt quãng dải phân cách “mở”, để tạo điều kiện cho xe cứu hộ kéo các xe bị sự cố từ chiều đang chạy sang chiều bên kia nơi có chỗ dừng xe gần nhất.