Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Kinh Môn khẳng định: “Các sản phẩm bột sắn dây đang được quảng cáo là sắn dây Kinh Môn và bán với giá 199.000 đồng cho 4 kg hoặc 225.000 đồng cho 4 kg như vậy chắc chắn không phải sắn dây Kinh Môn. Làm vậy là phá giá thị trường, lợi dụng uy tín thương hiệu sản phẩm, thiệt hại cho các hộ sản xuất”.
Theo ông Hạ, sắn dây Kinh Môn củ tươi năm nay cao gấp đôi năm trước và có thời điểm giá 20.000 đồng/kg. Bột sắn dây Kinh Môn bán tại cơ sở sản xuất giá nhập buôn đã dao động 150.000 - 160.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng hiện tại khoảng 180.000 đồng/kg.
Chất lượng và thương hiệu bột sắn dây Kinh Môn đã được nhiều người tiêu dùng gần xa biết đến từ nhiều năm qua. Vụ sắn dây năm 2022 là một trong những vụ được mùa và được giá nhất từ trước đến nay. Hiện tại, cung không đủ cầu nên không có chuyện sắn dây Kinh Môn cần giải cứu.
Giống sắn dây Kinh Môn là giống thân trắng và thân phớt tím. Cây trồng này đặc biệt phù hợp thổ nhưỡng của địa phương nên chất lượng bột thơm, mướt rất đặc trưng. Nhiều địa phương cũng học tập và trồng nhưng chất lượng không sánh bằng.
Diện tích trồng sắn dây ở Kinh Môn hiện khoảng 230 ha và sản lượng năm nay trên 6.300 tấn. Sắn dây Kinh Môn hiện nay là sản phẩm OCOP 3 sao. Gần đây, các cơ sở sản xuất bột sắn đều đã chú trọng công nghệ chế biến, đầu tư kinh phí mua dây chuyền hiện đại hơn nên chất lượng sản phẩm bán ra ngày càng cao.
Trước việc nhiều cá nhân mượn danh sắn dây Kinh Môn, trà trộn bán trên thị trường hòng lừa đảo người mua hàng, những người trực tiếp sản xuất sắn dây ở địa phương rất bức xúc. Ông Hạ chia sẻ: Cơ quan chuyên môn của thị xã đã tìm hiểu nhưng chưa xác định được chính xác đối tượng người bán.
Chính người dân đã thử đặt hàng và khi mua xong, phát hiện bột sắn này là loại sắn củ bình thường được trồng ở miền núi, không phải bột sắn dây. Có người mua sau khi nhận hàng kiểm tra thấy không đúng hàng chất lượng liền trả lại nhưng nhiều người không biết vẫn mua nhầm. Khi liên lạc lại với người bán thì không liên lạc được.
Theo ông Hạ, tình trạng ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu OCOP của sắn dây Kinh Môn. Điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng vì nhiều người mua sẽ khó phân biệt được. Ủy ban Nhân dân thị xã Kinh Môn đã có văn bản đề nghị công an Thị xã vào cuộc điều tra. Đề nghị các đơn vị bán hàng cần chứng minh địa chỉ, công khai địa chỉ để người tiêu dùng không lừa dối.
Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp để điều tra và làm rõ và xử lý nghiêm những đối tượng đang lợi dụng uy tín thương hiệu sản phẩm OCOP để làm ăn kinh doanh lừa đảo. Người tiêu dùng cần cẩn trọng, nên mua hàng ở những địa chỉ uy tín để tránh mua các sản phẩm kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe người thân và chính mình.
Mới đây, câu chuyện này cũng được cử tri thị xã Kinh Môn nêu tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp siết chặt quản lý thông tin thuê bao, quản lý không gian mạng, kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức cá nhân mạo danh sản phẩm, bán hàng lừa đảo, giải quyết dứt điểm tình trạng này nhằm bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.