Tại hội nghị các đại biểu đã đánh giá tình hình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023; trong đó tập trung các nội dung về nhận diện các hành vi vi phạm, phương thức, thủ đoạn và đưa ra nhiều giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới; trong đó có gian lận thương mại trên hệ thống thương mại điện tử.
Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm; buôn lậu, vận chuyển trái phép nhiều loại hàng hóa như khoáng sản, xăng dầu qua tuyến biên giới đất liền và tuyến biên giới biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị diễn ra ở các thời điểm, không theo quy luật và có chiều hướng gia tăng.
Các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, trang mạng xã hội để buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... diễn ra ở hầu hết địa bàn và có xu hướng ngày càng gia tăng ở khu vực nông thôn.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trịnh Mạnh Cường nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tiếp tục rà soát, tổng hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật; chủ động phối hợp các lực lượng, địa phương có giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong xác minh, điều tra, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm biểu hiện bao che, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; quán triệt quan điểm không có "vùng cấm"; phát động phong trào quần chúng nhân dân, phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương cho rằng, trên thị trường nội địa, nổi lên tình trạng kinh doanh qua hệ thống thương mại điện tử, trên nền tảng số, nhiều người thường lợi dụng mạng xã hội làm diễn đàn buôn bán, sử dụng nhà ở để làm nơi kinh doanh online, nơi cất giấu và giao nhận hàng hóa. Tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ông Phương đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho Ban Chỉ đạo 389 các địa phương để phục vụ tốt hơn trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhất là trong hoạt động thương mại điện tử khi mà xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương khu vực miền Trung chủ động phối hợp với bộ ngành, cơ quan trung ương triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý, ổn định thị trường, an sinh xã hội. Các ngành, lực lượng, địa phương, đơn vị quản lý địa bàn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm thông tin đường dây nóng, báo chí phản ánh về tình hình buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn.
Các lực lượng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất trên tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Qua đó, các địa phương trong khu vực miền Trung đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 10. 850 vụ vi phạm, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Xử lý vi phạm hành chính 9.909 vụ; trong đó buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 2.134 vụ; gian lận thương mại, gian lận thuế 8.431 vụ; 285 vụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các địa phương tiến hành khởi tố 941 vụ án hình sự với 1.139 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 362 tỷ đồng.