Khoản nợ này được Kiểm toán nhà nước nêu trước đó trong báo cáo kiểm toán hoạt động quản lý sử dụng ngân sách trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Chi Cục thuế Buôn Ma Thuột khẳng định đơn vị này không “ém” khoản nợ hơn 500 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Quang Tuyến, 507 tỷ đồng mà Chi cục thuế thành phố Buôn Ma Thuột chưa đưa vào ứng dụng hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) “không phải là tiền thuế” mà là tiền “nợ nghĩa vụ tài chính” do thành phố làm tập trung giấy chứng nhận quyền “sử dụng đất” cho người dân từ năm 2008 đến 2010.
Người dân huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Ông Vũ Quang Tuyến giải thích thêm: “Thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, TP Buôn Ma Thuột đã rà soát, hướng dẫn người dân kê khai, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tập trung trên địa bàn. Nhiều hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế, nhưng do không có khả năng nộp, phần lớn các hộ gia đình không chuyển đổi mục đích sử dụng đất nữa hoặc thu hẹp lại diện tích cần chuyển đổi. Do vậy, từ năm 2008 đến 2010, số nợ nghĩa vụ tài chính của người dân đã lên 507 tỷ đồng, (chưa kể tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp)”.
Số nợ tiền sử dụng đất hiện Chi cục thuế chưa đưa vào hệ thống quản lý thuế tập trung, tuy nhiên vẫn được theo dõi chi tiết từng hộ, cá nhân. Chi cục thuế thành phố cũng đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường, rà soát, đôn đốc thu các khoản nợ tiền sử dụng đất liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tập trung, đồng thời hướng dẫn ghi nợ tiền sử dụng đất nếu người dân chưa có khả năng nộp.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Buôn Ma Thuột, Bùi Văn Từ, thực tế khoản nợ tiền sử dụng đất này không có khả năng thu, vì phần lớn người dân không có nhu cầu làm sổ đỏ. Chi cục thuế thành phố Buôn Ma Thuột đã có văn bản số 885/CV-CCT gửi Cục thuế tỉnh Đắk Lắk có ý kiến với Tổng cục thuế không đưa khoản nợ nghĩa vụ tài chính do làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tập trung này vào hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) vì sẽ làm tổng số nợ thuế của thành phố tăng lên, đồng thời, không phản ánh chính xác tình hình quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Chi cục thuế thành phố cũng đã kiến nghị cần tách tiền nghĩa vụ tài chính riêng thành một biểu mẫu để việc quản lý, theo dõi dễ dàng, chính xác hơn.
Ngày 31/7/2015, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ông Y Dhăm Ênuôl cũng đã có công văn số 5518/UBND-NN&MT, gửi Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến nghị hai bộ đồng ý chủ trương để tỉnh Đắk Lắk giải quyết nợ đọng sử dụng đất kéo dài theo 2 phương án.
Thứ nhất, trường hợp hộ gia đình, cá nhân nợ tiền sử dụng đất quá 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế mà không thực hiện được nghĩa vụ tài chính thì cơ quan thuế tiếp tục đôn đốc; nếu từ 3 lần đôn đốc trở lên mà hộ gia đình, cá nhân vẫn không nộp tiền sử dụng đất thì cho cơ quan thuế có văn bản hủy bỏ thông báo nộp tiền sử dụng đất. Đồng thời điều chỉnh, theo dõi nợ tiền sử dụng đất. Khi hộ gia đình cá nhân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì lập lại hồ sơ và thu tiền nghĩa vụ tài chính tại thời điểm nộp hồ sơ.
Phó cục trưởng Cục thuế Đắk Lắk, Bùi Văn Chuẩn cũng khẳng định, số tiền 507 tỷ đồng không phải là tiền thuế, mà là tiền nghĩa vụ tài chính do làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tập trung. Nếu đưa số tiền này vào phần mềm quản lý thuế tập trung (TMS) sẽ làm tăng nợ thuế của thành phố lên rất cao, mà thực chất khoản tiền này không có khả năng thu. Cục thuế đã có văn bản gửi Tổng cục thuế về vấn đề này.
Trước đó, cuối năm 2016, Kiểm toán nhà nước khu vực XII có báo cáo về việc quản lý sử dụng ngân sách của thành phố Buôn Ma Thuột năm 2015. Báo cáo nêu Chi cục thuế thành phố Buôn Ma Thuột đang nợ thuế gần 700 tỷ đồng, trong đó 507 tỷ đồng bằng 67,1% tổng thu ngân sách thành phố năm 2015 đã không được Chi cục thuế đưa vào nợ thuế.