Phán quyết trên được xem như thất bại nữa của "người khổng lồ" của ngành chế tạo ô tô trong bối cảnh Volkswagen đang phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện do gian lận khí thải. Tuyên bố của tòa án nêu rõ: "Một nhà sản xuất xe cơ giới có những chiếc xe bị can thiệp một cách bất hợp pháp rồi được bán lại ở các quốc gia thành viên khác (trong EU) có thể bị khởi kiện tại tòa án của các nước này".
Làn sóng kiện tụng nhằm vào Volkswagen bắt nguồn từ Áo - nơi một tổ chức người tiêu dùng đang đại diện cho hàng trăm chủ xe, đòi hãng này phải bồi thường tối thiểu 3,6 triệu euro (tương đương 4,1 triệu USD).
Vụ bê bối có tên "Dieselgate" bị phát giác năm 2015 khi trường Đại học Tây Virginia của Mỹ công bố báo cáo đề cập lượng khí thải cao từ một số xe của hãng Volkswagen.
Sau thông tin này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã mở cuộc điều tra và phát hiện hãng Volkswagen đã cài đặt phần mền gian lận khí thải với khoảng 11 triệu xe chạy bằng động cơ diesel của hãng nhằm giúp các xe này vượt qua các cuộc kiểm tra tiêu chuẩn khí thải.
Kể từ khi vụ bê bối "Dieselgate" bị phanh phui, Volkswagen đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện, cả hình sự và dân sự. Tổng số tiền mà Volkswagen phải bồi thường cho khách hàng dự kiến lên tới hơn 30 tỷ euro, trong đó bao gồm cả các khách hàng ở Mỹ.
Vụ bê bối trên đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với toàn bộ ngành công nghiệp ô tô thế giới, sau khi những gian lận tương tự cũng được phát hiện tại một số hãng ô tô danh tiếng khác.