Vụ rơi máy bay Tổng thống Ba Lan bị khơi dậy, Nga bị tố là thủ phạm

Ba Lan gần đây đã mở cuộc điều tra mới về vụ rơi máy bay tại Smolensk (Nga) khiến Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và nhiều quan chức cấp cao nước này thiệt mạng cách đây 7 năm.

Ba Lan gần đây mở cuộc điều tra mới về vụ việc với cáo buộc có “âm mưu Nga” trong vụ tai nạn năm 2010 nhưng tờ Izvestia (Nga) đã được tiếp cận với những tài liệu cho thấy điều gì thực sự đã xảy ra trong thảm kịch đó.

Ngày 10/4/2010, chiếc Tu-154M chở Tổng thống Ba Lan và các quan chức lên đường đến Nga dự buổi tưởng niệm 70 năm vụ thảm sát Katyn - sự kiện xảy ra trong tháng 4-5/1940 khi Bộ Dân ủy nội vụ Liên Xô hành quyết 4.000 quân nhân, công dân Ba Lan.

Hiện trường vụ rơi Tu-154M năm 2010. Ảnh: Ria Novosti

Tuy nhiên cùng ngày, chiếc Tu-154M đã rơi ở Smolensk, phía tây nước Nga khiến toàn bộ 96 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Các nhà điều tra kết luận rằng nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do lỗi của phi công và tình trạng thời tiết xấu.

Vụ án bị khơi gợi lại

Nhiều năm sau, một bộ phận chính khách ôm lòng thù hận với Nga đã đưa ra thuyết âm mưu rằng vụ tai nạn là kịch bản bí mật của Moskva nhằm ám sát nhà lãnh đạo Ba Lan. Chính phủ Ba Lan đã phủ nhận điều này bởi điều tra do Warsaw thực hiện không thể phát hiện bằng chứng cho cáo buộc trên.

Đến cuộc bầu cử năm 2015, đảng Pháp luật và Công lý do người anh em song sinh của cố Tổng thống Kaczynski - ông Jaroslaw dẫn đầu đã giành chiến thắng, sau đó, thuyết âm mưu trên biến thành chỉ đạo điều tra chính thức của Warsaw.

Năm 2016, Ba Lan khởi động cuộc điều tra mới về tai nạn máy bay tại Smolensk với mục tiêu một mũi tên trúng hai đích - Nga và chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Theo đó, ông Tusk, chính trị gia từng giữ chức Thủ tướng Ba Lan từ 2007-2014 và lãnh đạo đảng Civic Platform trong khoảng thời gian 2003-2014, đã trở thành đối tượng trong tầm ngắm của đảng Pháp luật và Công lý.

Ngày 2/6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cáo buộc ông Tusk là nhân vật phải chịu trách nhiệm về chính trị, luật pháp và đạo đức trong vụ tai nạn năm 2010.

Trong bức ảnh chụp tháng 4/2010 là Thủ tướng Nga khi đó là ông Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đến hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: Sputnik

Hãng tin Sputnik đánh giá cuộc điều tra mới trên là vô lý. Trong số đó là nghi vấn cho rằng "thủ phạm" gây ra vụ rơi Tu-154M năm 2010 là bom nhiệt áp phát nổ bên trong thân của chiếc phi cơ.

Các chuyên gia Ba Lan và Nga dẫn đầu cuộc điều tra năm 2010 đã không chấp nhận khả năng rằng chiếc máy bay rơi do một vụ nổ. Cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không Ba Lan Maciej Lasek nhấn mạnh rằng sau khi nghiên cứu hàng chục mẫu vật từ hiện trường thì các chuyên gia nước này đã loại trừ khả năng có một vụ nổ xảy ra.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng cáo buộc mới nhất của Ba Lan quá phi lý và không thể xem xét nghiêm túc. Trong khi đó, các quan chức từ Ủy ban Hàng không Liên bang Nga nhấn mạnh không những cáo buộc mới không có cơ sở mà Ba Lan còn làm ngơ và lấp liếm các bằng chứng không hợp lý với lý thuyết của họ.

Báo Nga đưa chứng cớ phản biện

Cuộc điều tra mới của Ba Lan có quá trình khai quật thi thể các nạn nhân trong vụ rơi Tu-154M năm 2010, bao gồm cả cố Tổng thống Kaczynski. Trong tuần trước, các công tố viên Ba Lan tiết lộ rằng họ đã phát hiện mẫu gen của hai người khác trong quan tài cố Tổng thống Kaczynski. Cơ quan chức năng ngay lập tức chĩa mũi tên vào các nhà pháp y Nga, cho rằng họ kém cỏi hoặc thậm chí đã cố báng bổ thi hài của Tổng thống Kaczynski.

Phát biểu với tờ Izvestia, Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergei Andreev khẳng định rằng các cáo buộc trên “không thể chấp nhận được”. Ông Andreev cho biết phía Nga trao các thi hài cho Ba Lan với quan niệm rằng chính Warsaw sẽ tiến hành thêm những xét nghiệm trước khi tiến hành chôn cất. Đại sứ Andreev còn nhấn mạnh rằng các chuyên gia Nga đã buộc phải làm việc trong điều kiện thiếu thời gian và họ đã cố gắng hết sức dưới hoàn cảnh như vậy.

Các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra năm 2010 chia sẻ với tờ Izvestia rằng Ba Lan chỉ tận dụng cơ hội này để đưa ra cáo buộc chống lại Nga. Trên thực tế, cách đây 7 năm, các nhà chức trách đã gây áp lực khiến điều tra viên Nga phải tác nghiệp thật nhanh chóng, dẫn đến sai sót nhận dạng hai phần thi thể không thuộc về Tổng thống Kaczynski trong quan tài của ông.

Tờ Izvestia đã tiếp cận được biên bản bàn giao các thi thể được ký kết bởi Bộ trưởng Y tế Nga khi đó là bà Tatyana Golikova, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Titov, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan Piotr Stachanczyk và Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Jacek Najder.

Izvestia nhấn mạnh qua văn kiện trên có thể thấy ngay sự vô lý trong cáo buộc của phía Ba Lan. Theo nội dung biên bản, Ba Lan không hề có phản ánh gì với phía Nga liên quan đến biện pháp được áp dụng và kết quả sau đó. Chỉ đến bây giờ nghi ngờ mới xuất hiện khi chúng trở thành công cụ chính trị.

Ông Jaroslaw Kaczynski dự lễ tưởng niệm người anh em song sinh, cố Tổng thống Lech Kaczynski tại Warsaw năm 2015. Ảnh: Reuters

Với ý kiến cho rằng máy bay của Tổng thống Ba Lan gặp nạn vì một vụ nổ, các nguồn tin ngoại giao Nga khẳng định với tờ Izvestia rằng quan chức Ba Lan từng cho rằng vật liệu nổ được cài trong chiếc Tu-154M từ quá trình sửa chữa thường kỳ tại nhà máy hàng không Aviacor (Nga) năm 2009.

Izvestia tiếp đó nghiên cứu tài liệu chưa từng công bố là thỏa thuận về việc chuyển giao và nghiệm thu giữa Aviacor cùng phía Ba Lan. Izvestia đã nhận ra một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng: chữ ký và con dấu của phía tiếp nhận ở Ba Lan.

Theo tài liệu có từ ngày 21/12/2009 này, công ty Ba Lan hài lòng với chất lượng dịch vụ của Aviacor và nhận máy bay Tu-154M mà không có bất cứ phàn nàn nào sau khi đã thử nghiệm và thực hiện thêm kiểm tra cần thiết. Nói cách khác, tài liệu này cho thấy cáo buộc mới hoàn toàn mang tính tưởng tượng hơn là thực tế.

Ngay cả Mỹ cũng chọn quan điểm không can thiệp nhiều vào cuộc điều tra mới của Ba Lan. Mỹ đã nêu rõ rằng mặc dù vụ tai nạn là một thảm kịch tồi tệ nhưng Washington không muốn nhúng tay vào nỗ lực mới để đổ tội lên phía Nga. Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Paul Jones chia sẻ với truyền thông Ba Lan rằng Washington đã chuyển mọi thông tin nước này có cho cuộc điều tra trước và phía Mỹ không thấy có gì để thực hiện thêm.

Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ với Izvestia rằng cơ quan này hy vọng tác giả của những ám chỉ này sẽ tỉnh táo lại và nhận ra nỗ lực này không hề hiệu quả để đổ tội cho Nga về thảm họa năm nào.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Ba Lan khai quật mộ cố Tổng thống Lech Kaczynski để điều tra
Ba Lan khai quật mộ cố Tổng thống Lech Kaczynski để điều tra

Ba Lan bắt đầu khai quật mộ của cố Tổng thống Lech Kaczynski ngày 14/11 nhằm phục vụ cuộc điều tra vụ tai nạn máy bay thảm khốc hồi năm 2010 tại Nga, khiến toàn bộ 96 người thiệt mạng, trong đó có gia đình ông Kaczynski và nhiều quan chức cấp cao nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN