Ba sĩ quan gồm Trung tá Lê Ngọc Sơn (ngoài cùng bên trái), Đại úy Đinh Đức Long, Đại úy Hồ Tiến Hưng vào thời điểm chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, ngày 7/4/2017. Ảnh tư liệu: Hồng Pha/TTXVN phát |
Phát
huy tinh thần của người lính Cụ Hồ, bằng sự tích cực, chủ động, anh cùng
các thành viên khác trong Tổ công tác đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
trên các mặt, được chỉ huy Phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao.
Trở về từ “chảo lửa” Trung Phi, người quân nhân với tấm lòng nhân ái,
yêu hòa bình, luôn hướng về đất nước đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ
trong nhiệm kỳ công tác của anh tại Phái bộ.
Lính mũ nồi xanh “gieo chữ” cho trẻ em nghèo
Ở Phái bộ MINUSCA, điều kiện an ninh luôn bất ổn, cuộc sống sinh
hoạt khó khăn, tuy nhiên, với Trung tá Sơn, môi trường khó khăn chính là
điều kiện tốt nhất để rèn luyện, trưởng thành, “nhất là đối với bộ đội
Cụ Hồ, đều có thể vượt qua”, anh khẳng định.
Không những làm tốt những
nhiệm vụ của Phái bộ, Trung tá Lê Ngọc Sơn và các thành viên trong Tổ
công tác của Việt Nam còn dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân Trung
Phi. Dù dạy học không phải là nhiệm vụ, chức trách của một sĩ quan gìn
giữ hòa bình, nhưng anh vẫn luôn tâm huyết với việc “gieo chữ” cho những
trẻ em nghèo nơi đây.
Trung tá Lê Ngọc Sơn tâm sự: Xuất phát từ truyền thống luôn yêu
thương, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, nên ý tưởng mở lớp dạy học
để chia sẻ kiến thức từ đó được hình thành. Khi tôi sang làm nhiệm vụ
tại Phái bộ, thấy trẻ em cuộc sống khó khăn, không có điều kiện tới
trường. Nội chiến, bạo lực, xung đột sắc tộc liên miên, đói khát, dịch
bệnh khiến con đường đến trường của các em đứt quãng. Do an ninh bất ổn,
các em thậm chí còn có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, bị sát
hại, hãm hiếp hoặc lôi kéo vào các cuộc xung đột vũ trang, vì các em là
những đối tượng yếu thế, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ nhất.
Với mong muốn bù đắp được phần nào sự thiệt thòi của các em, ngoài
thời gian làm việc ở Phái bộ trên cương vị sĩ quan tham mưu tác chiến,
từ những ngày đầu mới đến Trung Phi, Trung tá Lê Ngọc Sơn đã dạy học cho
bốn trẻ em ở gần khu trọ. Lớp học của sĩ quan Việt Nam không có bảng
đen, phấn trắng, chỉ những chiếc bàn nhỏ bằng gỗ với học trò vây quanh.
Vượt qua rào cản ngôn ngữ, bằng tình yêu thương dành cho các em, trong
nhiệm kỳ công tác của mình, Trung tá Sơn và những đồng đội Việt Nam đã
dạy học cho 6 lớp học với hơn 150 học sinh Trung Phi.
“Tôi có khả năng hỗ trợ các em về các môn Toán, Vật lý, Hóa học.
Tôi luôn mong muốn các em có thể cải thiện, bổ sung thêm tri thức cho
mình, có được một số kỹ năng bảo vệ, chăm sóc bản thân cũng như được
định hướng tư tưởng tốt hơn đối với cuộc sống của chính các em sau này”,
Trung tá Lê Ngọc Sơn chia sẻ. Không quản ngại những hiểm nguy trên
đường tới lớp, nhiều trẻ em Trung Phi vẫn đi bộ 2 tiếng rưỡi đồng hồ để
đến với lớp học của bộ đội Việt Nam. Điều này khiến anh cảm thấy vô cùng
xúc động trước sự cố gắng, ham học hỏi của các em.
Giữa bối cảnh bất ổn, trẻ em Trung Phi ngày ngày phải đối mặt với
nhiều hiểm họa. Trong quá trình dạy học, Trung tá Lê Ngọc Sơn luôn
truyền đạt cho học trò một tư tưởng “Dùng đầu trước khi dùng chân tay”
và chứng minh cho các em bằng các hành động cụ thể. Sau này, câu nói ấy
đã trở thành một “biệt danh” ý nghĩa mà sĩ quan các nước khác hay dùng
để nhắc về anh.
Anh nhớ lại: “Sĩ quan các nước khi gặp tôi đều nhớ tới
câu nói này, nhắc lại và trở thành ấn tượng tốt. Họ chào tôi “Ồ, Sơn
“dùng đầu trước khi dùng chân tay”. Việc tôi dạy học cũng được mọi người
biết đến, họ chuyển cách gọi tôi từ “Trung tá Sơn”, dần chuyển sang gọi
là “thầy giáo”, sau đó là “giáo sư”…”.
Trong một hội nghị thuộc Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại
Cộng hòa Trung Phi, sau khi biết chuyện lớp học của Trung tá Lê Ngọc
Sơn, nhiều người đã yêu cầu anh đứng dậy rồi tán thưởng những tràng vỗ
tay không ngớt. Anh tâm sự: “Ngay lúc đó, tôi nhớ về quê hương, đất nước
hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy tự hào vì mình là sĩ quan Quân đội nhân
dân Việt Nam, một người lính Cụ Hồ”.
Hình ảnh đẹp về sĩ quan Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế
Trung tá Lê Ngọc Sơn chia sẻ: Để sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ
gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các cán bộ, sĩ quan của Việt Nam đã được
tham gia nhiều khóa học đào tạo ngoại ngữ, nghiệp vụ gìn giữ hòa bình,
khóa học tiền triển khai, các kỹ năng sinh tồn… do Cục Gìn giữ hòa bình
Việt Nam, Bộ Quốc phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Do đã
có sự chuẩn bị chu đáo nên ngay từ những ngày đầu tiên đến phái bộ, sĩ
quan Việt Nam đã khẳng định được năng lực, trình độ của mình. Các sĩ
quan Việt Nam nhanh chóng hoàn thành tốt các kỳ thi sát hạch tại Phái bộ
MINUSCA như kỹ năng lái xe hai cầu, huấn luyện đầu vào, phỏng vấn tiếng
Anh…
Trước yêu cầu siết chặt chất lượng cán bộ và thắt chặt quy định tại
Phái bộ MINUSCA, nhiều sĩ quan, Trưởng phòng chuyên trách của các nước
cũng bị trục xuất về nước và thay bằng sĩ quan của nước khác, nhưng cả 5
sĩ quan Việt Nam trong Tổ công tác đều đã vượt qua các bài kiểm tra mà
không gặp trở ngại nào.
Làm tốt công tác bàn giao, nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công
việc, luôn nhiệt tình, thể hiện được năng lực, tính chuyên nghiệp trong
nhiều mặt công tác nên cán bộ, sĩ quan Việt Nam còn được lựa chọn giao
giữ vai trò Trưởng nhóm Quan sát viên Quân sự, Trưởng Ban tình báo Phân
khu và nhiều vị trí khác trong đơn vị khi các sĩ quan ở vị trí đó vắng
mặt.
Là một người lính, Trung tá Lê Ngọc Sơn cho rằng, lòng yêu nước
được thể hiện qua sự kết tinh của ý chí, suy nghĩ và hành động, từ đó
khởi đầu cho những hành động thiết thực, hiệu quả, đem lại giá trị tích
cực. Điều đó có thể bắt đầu từ những việc làm thực tế như thực hiện tốt
tác phong của người quân nhân, xây dựng hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ
trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong nhiệm kỳ Trung tá Lê Ngọc Sơn cùng 4
đồng đội người Việt Nam công tác ở Phái bộ MINUSCA, cũng có rất nhiều
quốc gia cử sĩ quan tới tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp
quốc tại đây. “Song có một đặc trưng chúng ta rất khác với sĩ quan quốc
tế, đó là hằng ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Phái bộ họ đều trở
về làm các công việc cá nhân, nhưng riêng sĩ quan Việt Nam lại tiếp tục
thực hiện những công việc giúp đỡ cho người dân bản địa, như bổ củi,
xách nước, làm vườn, giảng dạy...”, Trung tá Sơn cho biết.
Đặc biệt, sĩ quan Việt Nam còn tự trồng rau và hướng dẫn người dân
Trung Phi trồng rau xanh để cải thiện đời sống. Hoạt động này được sĩ
quan các nước tại Phái bộ hết sức ủng hộ. Họ đã đặt hàng người dân để
mua rau tươi từ người dân, giúp người dân có thêm thu nhập. Những hoạt
động này đã tạo được uy tín tốt với sĩ quan, nhân viên của Phái bộ; xây
dựng hình ảnh gần gũi, thân thiện, chăm chỉ lao động của bộ đội Việt Nam
trong lòng người dân Trung Phi.
Thông qua đó, Tổ công tác đã có mối
quan hệ tốt với Đại học Bangui (Trường Đại học duy nhất của Trung Phi),
Viện nghiên cứu Pasteur và Hải quan sân bay quốc tế MPOKO; gặp gỡ sinh
viên Trường Đại học Bangui, trao đổi phương án thành lập Câu lạc bộ Sinh
viên tình nguyện. Bước đầu Câu lạc bộ này đã thu hút được sự tham gia
của hơn 30 thành viên, nhiều sinh viên hiện vẫn đang tiếp tục đăng ký
gia nhập.
Theo Trung tá Lê Ngọc Sơn, làm việc tại Phái bộ còn là một cơ hội
tốt để góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người
Việt Nam. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổ công tác đã tổ chức thành công Lễ
kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
22/12 và ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Trong những buổi lễ đó, Tổ công
tác đã mời lãnh đạo Phái bộ, sĩ quan, nhân viên các nước và người dân
địa phương tham dự.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng thực hiện phỏng vấn Thiếu
tướng Traore Sidiki, Phó tư lệnh Phái bộ. Ông Traore Sidiki đánh giá
cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam trong lĩnh vực gìn
giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như đóng góp của cán bộ Việt Nam tại
Phái bộ MINUSCA.
Trung tá Lê Ngọc Sơn khẳng định: Nếu so về tính chuyên nghiệp, khả
năng hoàn thành nhiệm vụ thì sĩ quan Việt Nam không thua kém bất kì cán
bộ, sĩ quan nước nào tại Phái bộ MINUSCA, thậm chí còn có nhiều điểm nổi
trội. Khi chúng tôi tham gia hỗ trợ nhiệm vụ cho các đồng chí của nước
khác đều được đánh giá cao, tạo ấn tượng tốt về người lính, người dân
Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ MINUSCA của Trung tá Lê Ngọc Sơn và
các thành viên trong Tổ công tác đã được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, Tổ công
tác đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Liên hợp quốc, cũng như những
nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng Việt Nam giao phó trước khi lên đường nhận
nhiệm vụ.
Hoạt động của Tổ công tác tại Phái bộ đã góp phần nâng cao
hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên
hợp quốc; qua đó cũng tích lũy được kinh nghiệm để truyền đạt cho các
cán bộ, chiến sỹ chuẩn bị tham gia thực hiện nhiệm vụ; đóng góp sức lực,
trí tuệ, kinh nghiệm vào việc xây dựng cơ quan, đơn vị, có tham mưu
đúng, chính xác cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp về các vấn đề liên quan
đến hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.