Triết lý của Phan Chu Trinh trong bối cảnh Việt Nam đương đại

Phan Chu Trinh từ thế kỷ 20 đã chủ trương một dân tộc muốn độc lập cần trí tuệ. Tư tưởng của ông ngày nay cần được phát huy hơn bao giờ hết để giới trẻ “nhận thức được mình lạc hậu cả một thời đại so với thế giới và muốn thoát ra phải bằng cách học, trau dồi kiến thức”.

Giáo sư Chu Hảo giới thiệu về triết lý của Phan Chu Trinh tại hội thảo.

Phan Chu Trinh (hay Phan Châu Trinh) là nhà văn, nhà thơ, nhà yêu nước nổi tiếng của Việt Nam ở thế kỷ 20. Tầm cỡ của ông đã giúp “triết lý Phan Chu Trinh” đi vào bài phát biểu của Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama tại Hà Nội ngày 24/5/216 trong chuyến công du Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, cùng thơ Nguyễn Du và toán học Ngô Bảo Châu.

Chia sẻ tại hội thảo “Tư tưởng Phan Chu Trinh với các giá trị khai sáng & Việt Nam đương đại” diễn ra ở Hà Nội chiều 10/3, giáo sư Chu Hảo, tổng giám đốc kiêm tổng biên tập NXB Tri Thức cho biết, nhân vật giúp đưa tên tuổi và triết lý của Phan Chu Trinh vào bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama là vị cố vấn am hiểu về Việt Nam - giáo sư Thomas Vallely của Đại học Havard (Mỹ), người đang chủ trì việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Và không phải ngẫu nhiên, Phan Chu Trinh cũng như triết lý của ông được ghi nhận và nhắc đến trong bài phát biểu của một nhân vật mang tầm quốc tế như Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Triết lý của Phan Chu Trinh là gì?

Theo chia sẻ của giáo sư Chu Hảo, hai thành tố quan trọng nhất trong triết lý của Phan Chu Trinh là những nan đề và con đường phát triển của Việt Nam. “Vào thời đại của mình, tư tưởng của Phan Chu Trinh mang tính cách mạng vì chưa có trong tầng lớp sĩ phu trước Phan Chu Trinh”, giáo sư Chu Hảo khẳng định.

Phan Chu Trinh sinh ngày 9/9/1872 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, mất ngày 24/3/1926 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Quan điểm này của giáo sư Chu Hảo từng được nhà sử học người Pháp ông Daniel Hemery nhắc đến khi bàn về vị danh nhân lịch sử này. “Khuôn mặt vĩ đại của Phan Chu Trinh, theo tôi là khuôn mặt quan trọng nhất trong  Lịch sử Văn hóa và Chính trị của Việt Nam ở thế kỷ 20, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch và sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài cho các thế hệ người Việt Nam phải và còn mãi mãi phải đảm nhận”. Đó chính là một dân tộc phải giành được độc lập bằng trí tuệ chứ không phải bằng bạo động.

Đánh giá về triết lý của Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng nói: “Phan Chu Trinh là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”, bởi ông không chỉ mưu đồ một cuộc nổi dậy, một cuộc khởi nghĩa nhằm lật đổ một chính quyền bảo hộ, mà còn muốn thay đổi một xã hội, biến đổi vận mệnh một dân tộc từ cơ tầng văn hóa xã hội.

Trích dẫn quan điểm của nhà văn Nguyên Ngọc và nhà nghiên cứu Lê Thị Hiền Minh, giáo sư Chu Hảo giải thích, Phan Chu Trinh đã nhận ra một vấn đề phức tạp hơn, cơ bản hơn nhiều việc đánh đuổi Pháp, giành độc lập, hệt như tổ tiên ta suốt ngàn năm trước đã đánh ngoại xâm Trung Hoa, đó là chúng ta thua kẻ thù mới cả một thời đại văn minh.

"Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh"

Nghiên cứu về con đường phát triển theo hướng khai hóa dân tộc, hiện đại hóa đất nước để đuổi kịp, ngang bằng với đối thủ, tạo cơ sở cho sự bền vững của độc lập mà Phan Chu Trinh từng vạch ra, các nhà nghiên cứu gần đây mới tìm thấy manh mối về thời điểm xuất hiện của câu khẩu hiệu quan trọng nhất, gắn liền với tên tuổi của Phan Chu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Người tham gia hội thảo thảo luận về triết lý của Phan Chu Trinh trong bối cảnh Việt Nam đương đại.

Trong lá thư gửi nhóm Nguyễn Ái Quốc, cụ Phan Chu Trinh có đoạn viết cho Nguyễn Tất Thành: “Anh Nguyễn Tất Thành không đồng ý với chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi”. Nhưng theo giáo sư Chu Hảo, dữ kiện này vẫn khiến giới nghiên cứu băn khoăn liệu đây đã phải là lần đầu tiên câu khẩu hiệu này xuất hiện hay chưa.

Nhóm Nguyễn Ái Quốc là một nhóm yêu nước gồm Phan Chu Trinh (lãnh tụ), Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh… viết nhiều tác phẩm, đề tên Nguyễn Ái Quốc. Bản yêu sách của nhân dân An Nam là một tác phẩm của nhóm, được giao cho người thanh niên sôi nổi nhất, năng nổ nhất là Nguyễn Tất Thành gửi đi Hội nghị Versailles.

Trong bối cảnh hội nhập để Việt Nam theo kịp các cường quốc trên thế giới như hiện nay, giáo sư Chu Hảo khẳng định tư tưởng “bất bạo động” của Phan Chu Trinh cần được phát huy hơn bao giờ hết để giới trẻ “nhận thức được mình lạc hậu cả một thời đại so với thế giới và muốn thoát ra phải bằng cách học, trau dồi kiến thức”.

Ông kiến giải, giới học giả có thể đóng góp bằng cách truyền tải những giá trị trong triết lý của Phan Chu Trinh qua các phương tiện truyền thông chính thức, các nhà xuất bản thông qua sách vở, tài liệu. Còn về phía nhà trường, giáo sư Chu Hảo kỳ vọng: “Chúng tôi rất mong muốn các nhà trường đánh giá lại tư tưởng, tinh thần Phan Chu Trinh để giảng dạy trong nhà trường, được như thế là tốt nhất”.

Theo khẳng định của giáo sư Chu Hảo, sự “khai dân trí” Việt Nam cần hiện nay “không phải chỉ là những kĩ thuật để cuộc sống tốt hơn mà phải là làm cho tinh thần tốt hơn, tinh thần khai phóng”.

Vũ Anh (Tin Tức/TTXVN)
Dấu ấn Bác Hồ tại Boston, Hoa Kỳ
Dấu ấn Bác Hồ tại Boston, Hoa Kỳ

Thành phố Boston thuộc bang Massachussetts (Mỹ) có một khách sạn đã đi vào lịch sử với biết bao sự kiện từ hơn một thế kỷ nay. Đó là khách sạn Omni Parker được xây dựng từ năm 1855 theo kiểu kiến trúc lâu đài cổ của Anh, cao 7 tầng và tọa lạc ngay khu trung tâm sầm uất của Boston. Cửa chính của khách sạn có gắn tấm biển ghi dòng chữ: “Tại khách sạn Omni Parker, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc như một người chạy bàn. Tổng thống J.F. Kennedy đã tuyên bố tranh cử tổng thống. Nhà văn Charles Dickens đã viết những tác phẩm nổi tiếng...”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN