Giới quan sát nhận định một trong những thất bại của chính quyền Tổng thống Barack Obama ở những tuần lễ cuối cùng là việc từ chối phủ quyết một nghị quyết có xu hướng chống Israel – đồng minh thân thiết nhất của Washington ở Trung Đông - do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) áp đặt.
Ngay khi bà Nikki Haley tham dự phiên họp HĐBA đầu tiên trên cương vị tân đại sứ Mỹ thời Tổng thống Donald Trump, bà đã đảo ngược ngoạn mục “thế cờ”, tờ Boston Globe viết. “Tôi ở đây để nhấn mạnh”, bà phát biểu với báo giới, “rằng Mỹ quyết tâm chống lại định kiến chống Israel của LHQ”.
Bà Nikki Haley tại một phiên họp của HĐBA LHQ. Ảnh: AFP |
Bà Haley đã giữ vững lời hứa đó đến tận ngày 19/12 khi bà bỏ phiếu bác bỏ nghị quyết của Ai Cập yêu cầu Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán đến đây. Cùng với hành động phủ quyết, bà gọi nghị quyết là “một nỗi xấu hổ” đối với LHQ, đồng thời chỉ trích những người “dám chỉ định Mỹ phải đặt đại sứ quán ở đâu”. Ngày hôm sau trên Twitter, nữ đại sứ lại đánh tiếng cảnh báo về cuộc bỏ phiếu tại HĐBA: “Khi chúng tôi đưa ra quyết định về nơi đặt đại sứ quán, chúng tôi không hy vọng những người chúng tôi đã giúp đỡ sẽ nhắm vào mình. Ngày 21/12 sẽ có một cuộc bỏ phiếu lên án lựa chọn của chúng tôi. Mỹ sẽ ghi lại từng cái tên”.
Liều lĩnh và phản tác dụng? Khó để nhận xét song sự thể hiện của nữ chính trị gia 45 tuổi tại LHQ là điều sự thú vị để quan sát. Cựu thống đốc bang Nam Carolina - người bước đến vị trí này mà không hề có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại – hóa ra lại là một tài năng bẩm sinh, mặc dù luận điểm của bà về vấn đề chủ quyền Israel đang đi ngược lại với chính sách của LHQ và cộng đồng quốc tế.
Mùa thu vừa qua, bà Haley đã thành công trong việc thúc đẩy HĐBA bổ sung các lệnh trừng phạt kinh tế lên Triều Tiên nhằm đáp trả loạt vụ thử tên lửa của nước này. Ban đầu, bà đề xuất một gói trừng phạt nghiêm khắc đến nỗi Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ bỏ phiếu phản đối. Sau đó, bà thương lượng một yêu cầu thỏa hiệp - giảm lệnh cấm vận dầu toàn diện, song lại đào sâu vào các hạn chế khác.
"Điều đó giúp cả Trung Quốc và Nga đồng thuận tham gia", tạp chí The Nation viết, "bà Haley đã có một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ đồng ý 15-0 chống lại Triều Tiên, một kết quả gửi đi thông điệp đoàn kết" đến Bình Nhưỡng. Tuần trước, bà lại làm được điều này: giành được sự nhất trí tuyệt đối của Hội đồng Bảo an thông qua một loạt trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Gần một năm đảm nhận công việc, Đại sứ Mỹ tại LHQ đã thể hiện như một làn gió mới, không nao núng, có nguyên tắc và hiểu biết. Bà là một trong những quan chức nổi tiếng nhất trong chính quyền Trump. “Một ngôi sao đột phá của nội các Trump”, kênh CNN đã gọi bà như vậy.
Tổng thống Trump và nữ đại sứ Haley. Ảnh: NYT |
Đáng chú ý, trước đây bà từng công khai phản đối nỗ lực tranh cử của ông Donald Trump, đồng thời kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa không “theo lời kêu gọi dụ dỗ của những tiếng nói giận dữ nhất. Sau khi thắng vòng sơ bộ, ông Trump đã lên Twitter đả kích: “Người dân Nam Carolina bị xấu hổ vì Nikki Haley”. Bà đáp: “Mong ông tốt lành”.
Dù “có thù hằn” nhưng ông Trump vẫn chọn bà Haley làm một gương mặt ngoại giao quan trọng trong nội các. Và ngay khi nhà lãnh đạo Mỹ công khai khiển trách các thành viên nội các, bao gồm cả Ngoại trưởng Rex Tillerson, ông đã không chê trách gì bà Haley – thậm chí cả khi bà bày tỏ quan điểm và lập trường khá khác biệt so với ông.
Mặc dù ông Trump có quan điểm cởi mở với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, bà Haley lại thẳng thừng cảnh báo: “Chúng ta không thể tin tưởng Nga. Chúng ta không bao giờ nên tin tưởng Nga”.
Bà Haley cũng mạnh mẽ lên án các chế độ độc tài vì những vi phạm nhân quyền, điều mà Tổng thống Trump hay Ngoại trưởng Tillerson đều không xem là một ưu tiên. “Đối với tôi”, nữ đại sứ nhấn mạnh, “nhân quyền là trọng tâm của sứ mệnh của LHQ”.
Trong hầu hết các vấn đề, tất nhiên, bà Haley ủng hộ Tổng thống như mọi đại sứ khác vẫn làm. “Tôi không chống đối tổng thống”, bà nói. Nhưng bà lại cho thấy sự cách biệt của bản thân với ông Trump ngay cả khi bà đang bảo vệ ông ấy. Trong bối cảnh Mỹ kỳ vọng cấm người dân một số quốc gia Hồi giáo nhập cảnh, bà Haley công khai biện minh nó như một biện pháp an ninh, song cũng ngay lập tức và đáng nhớ hơn khi nói rằng điều này là “phi Mỹ” khi “cấm đoán bất cứ ai dựa trên tôn giáo của họ”.
Các nhà phê bình xem lời cảnh báo của bà Haley rằng Mỹ sẽ "ghi tên" những nước bỏ phiếu đồng ý nghị quyết của LHQ về Jerusalem như là một mưu toan ngoại giao kinh hoàng. Bản chất vấn đề dường như không phải vậy. Một đại sứ LHQ tài giỏi luôn hiểu rõ công việc này đòi hỏi sự bảo vệ mạnh mẽ của chân lý đạo đức. Giống như Adlai Stevenson, Daniel Patrick Moynihan và Jeane Kirkpatrick, Nikki Haley làm việc hiệu quả tại LHQ trong khi thẳng thắn phản đối những lời dối trá và những định kiến. Năm đầu tiên làm đại sứ LHQ của bà đã rất rực rỡ. Bất cứ điều gì ông Trump có thể đã phạm sai lầm nhưng sự lựa chọn của ông trong việc bổ nhiệm bà Nikki Haley là một quyết định xuất sắc.