Đúng như dự đoán, ứng viên đảng Dân chủ tự do Moon Jae-in đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn ngày 9/5. Theo Ủy ban bầu cử Quốc gia, ông Moon đã giành được hơn 13,4 triệu phiếu bầu (tương đương tỷ lệ 41,1%), vượt xa đối thủ đứng ở vị trí thứ hai - ứng viên phe bảo thủ Hong Joon-pyo với hơn 5,57 triệu phiếu.
Định mệnh với con đường chính trịVị luật sư về nhân quyền 64 tuổi này thường được mọi người nhìn nhận là một nhà hoạt động thay vì một chính khách. Hiện ông sống cùng vợ và có hai người con: một trai và một gái.
Ông Moon Jae-in (trái ngoài cùng) hồi học đại học, đứng bên người vợ hiện tại Kim Jung-sook. |
Sinh ngày 23/1/1953 trong một gia đình nghèo khó tại Geoje – một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Nam Gyeongsang nằm cách 420 km về phía nam Seoul, vị chính khách 64 tuổi này lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong năm 2002 dưới vai trò là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch vận động tranh cử của cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Sau khi ông Roh đắc cử, ông Moon đảm nhiệm chức vụ làm Trợ lý cấp cao cho Tổng thống và Chánh văn phòng nội các năm 2007-2008.
Tuổi ấu thơ của ông Moon - con trai cả của một người tị nạn đến từ Triều Tiên - rất cơ cực do gia cảnh nghèo khó. Bữa trưa của ông tại trường học chỉ là những bát cháo ngô và thậm chí có lần đã bị đuổi khỏi trường khi gia đình không thể đóng nổi học phí hàng tháng.
Ông Moon Jae-in bên mẹ sau khi mở văn phòng luật sư đầu tiên. |
Ông Moon Jae-in tốt nghiệp trường Luật thuộc Đại học Kyunghee ở Seoul và thi đỗ kỳ thi luật của chính phủ năm 1980. Phần lớn những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường đại học, ông luôn ở trong thành phần dẫn đầu phong trào sinh viên chống lại chế độ cai trị của cựu Tổng thống Park Chung-hee. Ông bị bắt giữ trong năm 1975 và năm 1980 vì tổ chức các cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ. Chính vì những lần biểu tình trên mà việc bổ nhiệm ông làm thẩm phán bị từ chối. Thay vì trở thành một công tố viên hay làm cho một công ty luật, ông Moon quyết định chỉ là một luật sư bình thường, tìm thấy niềm vui trong việc giúp đỡ người phải chịu bất công trong tầng lớp lao động.
Ông Moon (phải ngoài cùng) tham gia nghĩa vụ quân sự trong lực lượng đặc nhiệm. |
Thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc, ông Moon cũng từng tham gia làm một nhiệm vụ sau khi xảy ra vụ án “giết hai sĩ quan Mỹ bằng rìu” trong khu phi quân sự (DMZ) biên giới liên Triều năm 1976.
Con đường chính trị của ông đơn thuần bắt đầu từ người đồng nghiệp Roh Moo-hyun. Cùng mở một văn phòng luật với cựu luật sư Roh, ông Moon bắt đầu tiếp cận với chính trị khi ông Roh tham gia tranh cử tổng thống năm 2002. Mặc cho cố Tổng thống Roh khuyến khích, ông Moon vẫn giữ thái độ cứng rắn quyết không gia nhập sự nghiệp chính trị với chân chạy đua vào quốc hội. Sau khi rời Nhà Xanh, ông Moon về sinh sống tại làng quê yên bình ở Yangsan, tỉnh Nam Gyeongsang trong 4 năm. Điều khiến ông Moon thay đổi quyết định là cái chết của cựu Tổng thống Roh năm 2009.
Ông Moon chính thức gia nhập giới chính trị gia năm 2012, khi giành được ghế Quốc hội tại Busan – thành phố lớn thứ hai tại Hàn Quốc – gần quê nhà của ông nhưng đây lại là một trong những “thành trì” truyền thống của phe bảo thủ.
Năm 2012 ông Moon thua sít sao trước bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử tổng thống. Đến năm 2017, sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất do dính líu tới bê bối tham nhũng và lạm quyền, ông Moon giành chiến thắng áp đảo trước hai đối thủ phe bảo thủ: Hong Joon-pyo thuộc đảng Tự do Hàn Quốc và Yoo Seong-min thuộc đảng Bareun.
Ông Moon khi còn làm Chánh Văn phòng nội các dưới thời cố Tổng thống Roh Moo-hyun. |
Ông tự nhận mình là ứng viên duy nhất có đủ phẩm chất năng lực để thống nhất đất nước, sau khi xuất hiện chia rẽ liên quan đến bê bối tham nhũng giữa cựu Tổng thống Park Geun-hye và “bạn thân” Choi Soon-sil.
Kiên trì chính sách đối thoại với Triều Tiên?
Ông Moon Jae-in là cố vấn tích cực dưới chính quyền Tổng thống Kim Dae-jung khởi xướng Chính sách Ánh dương - chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc áp dụng với Triều Tiên từ năm 1998 đến năm 2008. Theo như chính sách này, Seoul đã tích cực hàn gắn với Bình Nhưỡng dẫn tới các mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai bên biên giới.
Theo hãng thông tấn Yonhap, sự nghiệp trong quá khứ của ông luôn trở thành mục tiêu để các đối thủ phe bảo thủ tấn công. Nỗ lực của ông giúp Hàn Quốc và Triều Tiên dịu bớt căng thẳng cũng như sự chần chừ trong việc chỉ trích những lần vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng thường được các chính trị gia cánh hữu lên án như một sự thỏa hiệp vô nguyên tắc.
Ông Moon Jae-in tuyên bố giành chiến thắng trước người ủng hộ. |
Trong suốt một tháng căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên về chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng, ông Moon luôn chỉ trích quan điểm cứng rắn mà người tiền nhiệm Park theo đuổi. Ông chỉ ra rằng 10 năm dưới sự cai trị của phe bảo thủ chẳng làm được gì để kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Không chỉ có vậy, ông Moon còn tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa “thực tế”. Ông dừng việc chỉ trích công khai giọng điệu khiêu khích của Tổng thống Mỹ Donad Trump trong suốt thời gian khủng hoảng gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tuyên bố mình và ông Trump cùng chia sẻ quan điểm coi chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama là một thất bại.
Là một người ủng hộ đối thoại với Triều Tiên, song cho đến hiện giờ Tổng thống đắc cử Hàn Quốc khẳng định sẽ không có bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu như Bình Nhưỡng không cam kết từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Liên quan đến vấn đề lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mặc dù ông Moon chỉ trích Mỹ “không dân chủ” trong việc triển khai THAAD tại huyện Seongju thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang cuối tháng trước, và ông cho biết sẽ “xem xét” tương lai vấn đề đó nếu như đắc cử.