Nhớ nhà thơ 'Thời hoa đỏ' Thanh Tùng

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả bài thơ “Thời hoa đỏ” nổi tiếng được nhiều người yêu thích đã qua đời ngày 12/9/2017 tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà thơ Thanh Tùng qua đời ngày 12/9, hưởng thọ 83 tuổi. Ảnh: dantri.com.vn

Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh ngày 7-11-1935 tại xã Gia Hoà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Cuộc đời nhà thơ Thanh Tùng trải qua rất nhiều thăng trầm, như trong thơ ông thú nhận “tôi làm thơ từ sau xe bò chở gạch, đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm” hay “Cái nghề khuân vác của tôi. Trong mơ còn thấy giọt mồ hôi cười. Tôi sợ nó và tôi yêu nó. Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con”.

Đặc biệt, công chúng biết đến nhà thơ Thanh Tùng bởi bài thơ nổi tiếng "Thời hoa đỏ" do Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc cho bài hát cùng tên với những ca từ nhẹ nhàng: “Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi… Trong câu thơ của em, anh không có mặt. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say”.

Bài thơ “Hà Nội ngày trở về” của ông được Phú Quang chấp thêm giai điệu: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Để lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm, trên đường phố Khâm Thiên. Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ. Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế, như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi”. Bài hát này biến thơ Thanh Tùng thành câu cửa miệng: “Vội vã trở về vội vã ra đi…” mà những người yêu Hà Nội đều thuộc nằm lòng.

Theo nhạc sĩ Phú Quang: “Tôi đã phổ của Thanh Tùng 3 bài thơ, riêng bài “Hà Nội ngày trở” về thì câu hát “Vội vã trở về, vội vã ra đi” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi”.

Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn từng nhận xét: “Thanh Tùng khác biệt những nhà thơ công nhân cùng trang lứa. Bên cạnh cái thô ráp, Thanh Tùng có cái phiêu lãng và cái phóng túng của một kẻ dường như chỉ sinh ra để đóng vai thi sĩ, dẫu năm tháng lao động chân tay nhọc nhằn. Đọc thơ Thanh Tùng giống như bước vào một vùng cảm xúc mâu thuẫn, giữa sự ngang tàng và sự yếu đuối, giữa sự tinh tế và sự vụng về, giữa sự mạnh mẽ và sự dở dang!”.

Thanh Tùng thích rong chơi, thích bạn bè. Thanh Tùng bộc bạch trong thơ: “Con chỉ của mẹ cha một nửa/ Một nửa còn của những quãng đường xa/ Của những cơn gió xé hết mình trên bến bãi/ Của những nỗi đau không biết mặt bao giờ”. Đến đâu, ông cũng viết được thơ. Gặp ai, ông cũng trìu mến trân trọng, mỗi khi có cơ hội đặt chân tới vùng đất nào thì ông đều hào hứng phóng bút sáng tác. Ông xem đó là sứ mệnh âm thầm và thiêng liêng.

Nhà thơ Thanh Tùng đã từng là đại diện của Việt Nam sang Hy Lạp đọc thơ cùng với nhiều nhà thơ khác đến từ nhiều quốc gia. Trong lần ra nước ngoài này, Thanh Tùng đã viết những câu thơ đầy phẩm chất công dân nước Việt: “Tôi đã ở ngoài vòng tay Tổ quốc/ Bây giờ tôi phải là tất cả/ Từ ngọn cỏ dại quê hương đến máu những anh hùng/ Như người thủy thủ sắp ra khơi, kiểm tra lại phần nước ngọt/ Tôi hát thầm bài Tiến quân ca”.

Sau khi in chung một số tập thơ, năm 2001 nhà thơ Thanh Tùng mới có tập thơ in riêng đầu tiên là “Thời hoa đỏ”, được tái bản năm 2016. Tập thơ này cũng đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002.

Thanh Tùng cả đời theo đuổi thi ca. Sự nghiệp thơ của ông đủ để công chúng nhắc nhở và tôn vinh.

Mạnh Cường (TTXVN)
Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Vũ Đình Liên
Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Vũ Đình Liên

Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-2013). Tới dự có lãnh đạo Hội Nhà văn, đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN