Nhà thơ Thế Lữ - một tài năng muôn mặt

Thế Lữ là người duy nhất trong nhóm Tự lực văn đoàn tham gia sâu vào cả ba thể loại rường cột của văn học nghệ thuật hiện đại nước nhà: Thơ trữ tình, văn xuôi và kịch nói sân khấu. Điều đáng nể trọng là ở cả 3 lĩnh vực, dường như lĩnh vực nào, ông cũng là người đi tiên phong và có thành tựu sáng chói.

“Ông hoàng thơ ca” của thời kỳ đầu phong trào Thơ mới

Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Mặc dù sinh tại thủ đô, nhưng tuổi thơ của ông lại gắn bó với miền rừng núi Lạng Sơn. 11 tuổi ông về Hải Phòng học trung học. 23 tuổi thi vào trường mỹ thuật nhưng thôi học ngay trong năm đầu. Năm 1932, Thế Lữ bắt đầu tham gia nhóm Tự lực văn đoàn và là một trong những cây bút chủ lực của báo “Phong hóa” và báo “Ngày nay”.

Nhà thơ Thế Lữ và vợ. Ảnh: Tư liệu

Thế Lữ chỉ có hai tập thơ, được sáng tác trong vòng bảy năm, nhưng lại có ý nghĩa khai sinh một chặng phát triển mới cho thơ ca Việt Nam, đó là phong trào Thơ mới. Năm 30 tuổi, ông đã là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà văn với phong cách viết độc đáo.

Thơ Thế Lữ đã đột phá cái khuôn phép tù túng của tư tưởng phong kiến, giải phóng tâm tư của thế hệ mới, nói được bản lĩnh của con người đang dần tự khẳng định trước xã hội. Đặc biệt, ông đã góp phần đáng kể vào việc hiện đại hoá thơ ca Việt Nam, khẳng định giá trị biểu hiện sinh động, đa dạng của Thơ mới. Ông được giới văn học và độc giả suy tôn là “ông hoàng thơ ca” của cả một thời, thời kỳ đầu của Thơ mới (1932-1935).

Đánh giá sự nghiệp Thế Lữ, những người đồng thời với ông, như Vũ Ngọc Phan, đã ghi "... Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai thơ mới. Thơ ông không phải chỉ mới ở lời mà còn mới cả ở ý nữa”.

Còn trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, các nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân đã trân trọng đặt ông vào vị trí số một của phong trào Thơ Mới và lời nhận định: “Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”.

Bài thơ “ Cây đàn muôn điệu” của ông chính là bản tuyên ngôn của phong trào Thơ mới, mở đầu một thời kỳ lãng mạn trong thi ca Việt Nam:

“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp của muôn hình, muôn thể
Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn nghìn phiếm tôi ca…”

Nghệ thuật ngôn ngữ, âm điệu, hình ảnh…ở thơ Thế Lữ đã đạt tới độ tinh xảo đủ để chuyên chở cái cõi mộng của hồn ông. Hơn hai phần ba thế kỷ đi qua, nay đọc lại vẫn còn nguyên mới mẻ.

Hãy nghe ông tả âm thanh: “Êm như hơi gió thoảng cung tiên/Cao như thông vút, buồn như liễu/Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên” (Tiếng gọi bên sông) và lưu khoảnh khắc: “Mây hồng ngừng lại sau đèo/Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi”. (Tiếng sáo Thiên Thai)

Người đặt nền móng cho sân khấu Việt Nam

Khai sáng Thơ mới, mở cho mình một “cõi thơ” riêng độc đáo, nhưng Thế Lữ không dừng ở đó. Ông tiếp tục chiêm nghiệm cái đẹp ở một góc khác là văn xuôi. Và ông lại là người mở đường. Ông là người mở đầu cho một số thể loại văn xuôi nghệ thuật như truyện trinh thám, truyện khoa học, truyện kinh dị đầy bí hiểm, ly kỳ, hồi hộp như: “Vàng và máu” (năm 1934), “Bên đường Thiên Lôi” (năm 1936), “Gói thuốc lá” (năm 1940), “Gió trăng ngàn” (năm 1941), “Trại Bồ Tùng Linh” (năm 1941)…

Nhưng cuối cùng, Thế Lữ ngộ ra rằng: thơ, truyện, báo chí... đối với ông là không đủ đầy để miêu tả một cái đẹp hữu hình. Thế Lữ đã đủ nhẹ lòng để rời bỏ Thơ (khi Thơ mới đã đi vào ngõ cụt), khi tiểu thuyết trinh thám và truyện ngắn đường rừng đã nhạt phai, cũ kỹ, và ngay cả các bài báo cũng trở nên chật hẹp, bức bối so với chí tang bồng văn nghệ của ông.

Vì thế, Thế Lữ đã bỏ hết lại sau lưng để đến với kịch nghệ, một cõi nghệ thuật mới mẻ, hữu hình. Thể loại kịch, do đó rất vừa vặn với niềm say mê khám phá cái mới lạ, thường xuyên cư ngụ và đốt cháy lòng ông. Hơn thế nữa, thể loại kịch còn vừa đủ để ông thâu góp cùng lúc vẻ đẹp tinh túy của tất cả những lĩnh vực văn chương mà ông từng trải.

Rốt cuộc, Thế Lữ đã làm kịch với con mắt và tấm lòng của nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà mỹ thuật. Lại vận vào người cái si mê của kẻ mở đường, Thế Lữ một lần nữa động lòng chinh phục, khẩn hoang cõi bờ mới mẻ mênh mang của cái đẹp.

Ông là một trong những người đầu tiên đưa kịch nói lên sân khấu ở Việt Nam và là người duy nhất đưa kịch nói từ trình độ nghiệp dư lên trình độ chuyên nghiệp. Ông cũng là nhà đạo diễn đầu tiên ở nước ta. Trong khi những người hoạt động kịch nói cùng thời chỉ thỉnh thoảng tổ chức biểu diễn kịch nói với lý do quyên góp tiền làm việc thiện thì ông lần lượt thành lập 3 ban kịch chuyên nghiệp sống được bằng tiền bán vé: Ban kịch Tinh Hoa (năm 1938), Ban kịch Thế Lữ (năm 1941) và Ban kịch Anh Vũ (năm 1943). Xét về phương diện này, Thế Lữ xứng đáng được gọi là người sáng lập ra nền kịch nói Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông hào hứng chào đón cách mạng. 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng đoàn kịch của mình lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Năm 1957, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam được thành lập và ông được bầu làm Chủ tịch. Ông giữ cương vị này liên tục đến năm 1977 và có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng sân khấu Việt Nam dân tộc, hiện đại.

Trong 50 năm gắn bó với sàn diễn sân khấu, Thế Lữ đã thủ vai trong hàng trăm vở kịch và ông đã dàn dựng được hàng chục vở kịch lớn, đóng góp không nhỏ cho nền sân khấu dân tộc.

Đúng như bài thơ “Cây đàn muôn điệu” của ông, bản thân cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Thế Lữ cũng đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực như “cây đàn muôn điệu” vậy. Cuộc đời ông đã rung lên những nốt đàn trước cái đẹp, đưa ông đến quan điểm duy mỹ, duy cảm, để mãi mãi là người tôn vinh cái đẹp, dù cuộc đời ông cũng trầm luân, cũng thân phận và bi kịch như mọi kiếp người.

Thế Lữ qua đời ngày 3 tháng 6 năm 1989, để lại lòng tiếc thương vô hạn đối với giới văn nghệ sĩ, giới trí thức và nhân dân.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương kháng chiến hạng hai... và danh hiệu cao quí Nghệ sĩ nhân dân.

Cao Linh (TTXVN)
Nhớ nhà thơ 'Thời hoa đỏ' Thanh Tùng
Nhớ nhà thơ 'Thời hoa đỏ' Thanh Tùng

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả bài thơ “Thời hoa đỏ” nổi tiếng được nhiều người yêu thích đã qua đời ngày 12/9/2017 tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN