Bằng tình yêu, sự trân trọng đối với văn hóa dân tộc, tác giả Phạm Vương Anh đã và đang có những đóng góp ý nghĩa, góp phần gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường xứ Thanh.
Nhà văn, nhà thơ Phạm Vương Túc |
Tác giả Phạm Vương Anh là người dân tộc Mường, ông sinh ra và lớn lên ở làng Lú, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà quản lý văn hóa với các chức danh: Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa, Tổng biên tập Báo Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa... Ở cương vị nào, ông cũng luôn trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là văn hóa truyền thống dân tộc Mường.
Tình yêu ấy đã được hiện thực hóa bằng gia tài thơ văn đồ sộ với hàng chục tập thơ, văn như: Trường ca Sao chóp núi (1968), Trăng mắc võng (1973), Tình còn (1978), Sương mơ Tà Kóm, Đến hẹn (1983), Hoa Li Pa yêu (1989), Rượu mặn (1993), Lá đắng (1996), Một thoáng Hủa Phăn (1996), Chợ tình đứt quai trăng (2003), Hồn chiêng gánh núi (2008); truyện đồng thoại Lê trời lấy lửa (2000), Ngồng Ngoàng hóa đá (1999), Lòng Thung (1973)...
Có lẽ tài sản mà ông nâng niu, trân trọng và dồn tâm huyết cả đời mình là kho tàng văn nghệ dân gian với công trình lao động bền bỉ suốt 40-50 năm để cho ra đời những tác phẩm như: Bộ sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước" (1975), Khăm Phanh (1978), Truyện cổ Mường (1987), Truyện cười Mường (1998), Mo sử thi dân tộc Mường (1997), Xường Cài hoa dân tộc Mường (2010), Tiếp cận văn hóa bản Mường (2001)... Nhiều tác phẩm trong đó đã đạt các giải thưởng văn học, giải thưởng về văn nghệ dân gian.
"Xường cài hoa dân tộc Mường" là một công trình nghiên cứu, sưu tầm vô cùng độc đáo, nghiêm túc và tỉ mẩn về loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc "Xường cài hoa" của người Mường Thanh Hóa. Trong di sản văn hóa Mường, có thể hiểu Xường là một loại dân ca trữ tình của dân tộc Mường, không thể thiếu được trong đời sống, nhất là trong đời sống thời yêu của người Mường, xường vang lên từ khi đứa bé chào đời, đến khi người con xứ Mường qua đời.
Ở các vùng Mường Thanh Hóa như Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Lang Chánh với các vùng Mường lớn như Mường Ống, Mường Ai, Mường Phấm, Mường Khô, Mường Dồ, Mường Deng, Mường Rặc, Mường Yến, Mường Ứn, Mường Bằng... đều gọi Xường là Xướng (tiếng Mường) - có nghĩa là lời thương. Xường cài hoa nói thay tâm tình giữa người với người. Xường cài hoa được diễn xướng, dùng chủ yếu trong việc ca ngợi, tôn vinh, phản ánh những nguyện vọng lạc quan, yêu đời, phấn chấn, nhắn nhủ, ước hẹn, mơ ước của nhân dân lao động. Xường cài hoa ứng vận trong đêm hội Pồn Pôông và ứng vận nhiều nhất là hát xường cài hoa tự do trên nương, trên cánh đồng, đi chăn trâu, chăn bò, đi lễ hội... Xường cài hoa là dùng ý tứ, ngôn từ nói về cái hay, cái đẹp của một loài hoa, được đem ra phô diễn, phô bày bằng vần thơ, nhịp điệu xường cài.
"Anh đi chín bản, mười làng
Thức Xường cho trăng xuống ngó
Lay gió cho sấm động tháng ba
Anh đi hát Xường cài hoa để kịp mùa cấy gặt.."
Hay "Lời Xường nào nghe ra tiếng con chim khách?
Tiếng Xường nào đoán ra lời chim ve nen?
Xường quen quen cài hoa năm trước?
Hay Xường lên bậc mới trổ dịp năm nay?"...
Xường cài hoa trong sinh hoạt đời thường của người Mường có được thể diễn ra khi đi nương, đi rẫy… Người Mường có thể cất lên Xường cài hoa một mình hoặc 2-3 người đối đáp không kể già, trẻ, gái, trai. Xường cài hoa sử dụng khá thuần khiết, chủ định những hình ảnh trong cuộc sống đời thường, những hình ảnh đậm nét so sánh, tương phản, tương ứng, dễ hiểu, dễ nhận biết tính chân thực của người và cảnh, người và hình đang nhảy múa cùng nhau...
Với 304 bài Xường cài hoa, có cả phần tiếng Việt và phần tiếng Mường, tác giả Phạm Vương Anh đã đưa người đọc đi từ Xường cài hoa một mình, Xường cài hoa có đôi, Xường cài hoa trong Lễ hội Pồn Pôông, Xường cài hoa trong cúng vía, thượng thọ đến Xường cài hoa trong truyện thơ; trong đó, Xường cài hoa một mình có vai trò chủ đạo trong đời sống người Mường. Đó cũng là cốt cách người Mường giao hòa với thiên nhiên, thử tài vận lời thành vần điệu. Bởi vậy, chúng ta không ngạc nhiên vì sao Phạm Vương Anh dồn tất cả tình yêu son sắt, thủy chung và cả cuộc đời cho văn hóa Mường, cho sử thi Mường, xường Mường.
Tác giả Phạm Vương Anh khẳng định: "Xường cài hoa dân tộc Mường" là tiếng lòng người Mường ngàn đời ngân vang khắp rừng khắp núi. Cuốn sách đã sử dụng tổng lực những vật thể xung quanh con người. Những thứ giản dị thường thấy, thường dùng, thường gặp, thường va chạm, thường làm nên nó. Khi hiện diện trong xường cài hoa, chúng trở nên có hồn, gắn kết thân phận, bộc bạch tâm trạng, nói hộ lòng người. Chính bởi lẽ đó, Xường cài hoa có chỗ đứng riêng trong hệ thống Xường Mường. Nó đã tự nhân vận hành những bài ca có âm điệu riêng, lúc xường có đôi, khi vào đám hội lễ. Đâu đó, Xường cài hoa vẫn có lối đi tự do, tự phát, tự bạch, tự trường tồn...".
Nhờ tài sản vô giá của cha ông, của tổ Mường, tổ Việt dẫn ông những bước đi ban đầu: Tôi chập chững dịch từng câu, từng chữ tiếng Mường ra tiếng Kinh, tìm tòi, chọn lọc ra vốn từ ngữ đẹp và sát thực, lấp lánh đến mê say, dịch đi dịch lại, đi theo "Đẻ đất đẻ nước", theo những câu Xường Mường, lâu dần ngấm thành máu thịt tôi.
Được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật là một vinh dự lớn cho cá nhân ông, cho văn hóa Mường xứ Thanh. Nhưng điều ông luôn trăn trở, cũng là tâm nguyện lớn nhất cuộc đời ông là làm sao sớm hiện thực được ước mơ xây dựng làng văn hóa du lịch Mường trên mảnh đất xứ Thanh, tái hiện 30 chương khúc "Đẻ đất - Đẻ nước" để kể cho con cháu nghe về cuộc sống cha ông từ thuở khai thiên lập địa.
Với ý tưởng của ông, hiện tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã có phòng trưng bày “Đặc trưng văn hoá dân tộc Mường ở Thanh Hóa”, trưng bày hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày kết hợp giải pháp Mỹ thuật hiện đại, tạo nên một hòa sắc văn hóa độc đáo, tiêu biểu của dân tộc Mường xứ Thanh. Hy vọng trong tương lai không xa, mơ ước của ông sẽ được hiện thực hóa trên mảnh đất xứ Thanh.
Cuốn sách "Xường cài hoa dân tộc Mường" là kho tàng văn nghệ của dân tộc Mường Thanh Hóa, thể hiện lao động không mệt mỏi của Phạm Vương Anh để rút ra những gì tinh túy nhất, cốt cách nhất của Xường cài hoa xứ Mường truyền lại cho độc giả, cho những người yêu văn hóa Mường. Ở tuổi xế chiều, với ông nghề viết đơn giản lắm, bởi ông đã "ngấm hơi thở sử thi, phong vị, phong cách thơ dân tộc Mường tôi, thế là có thêm ước mơ làm thơ, viết văn".