Kể từ thời nữ phi công Earhart năm 1937, chưa có phụ nữ nào từng nghiêm túc thử bay vòng quanh thế giới, đặc biệt là khi xăng dầu khan hiếm và các không phận trở nên nguy hiểm vì đang diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Mặc dù không có nhiều phụ nữ làm phi công thời ấy, kể cả bây giờ tỷ lệ nữ phi công cũng chưa đầy 7%, nhưng trong những năm 1960, có nhiều phụ nữ lái máy bay để giải trí và tham gia các cuộc đua hơn thời của Earhart. Mock đã không công khai kế hoạch bay vì không muốn khuyến khích những phụ nữ khác tìm cách lập kỷ lục là người đầu tiên bay vòng quanh thế giới. Tuy nhiên, Hiệp hội Hàng không Quốc gia đã gọi điện cho Mock và thông báo có một phụ nữ cũng quyết định bay vòng quanh thế giới vào đúng thời điểm của cô.
Jerrie Mock chuẩn bị cất cánh thực hiện hành trình vòng quanh thế giới. |
Đó là Joan Merriam Smith, một phi công chuyên nghiệp, lái máy bay thuê và đã học lái máy bay từ lâu. Cũng giống như Mock, Smith rất thần tượng Amelia Earhart. Cô gái 27 tuổi này nói rằng không biết gì về kế hoạch của Mock và cô đã mơ thực hiện hành trình của Earhart suốt nhiều năm qua. Bắt đầu từ ngày 17/3 (ngày Earhart cất cánh), Smith sẽ bay theo tuyến đường dài hơn tuyến đường của Mock 6.400 km nhưng bằng máy bay hai động cơ nhanh hơn của Mock.
Khi biết thông tin, Mock vội vã chuẩn bị để xuất phát sớm hơn kế hoạch hai tuần khi cô cảm thấy đang chịu áp lực của một cuộc đua. Nếu Smith bay nhanh hơn một chặng đường đáng kể, Mock và chồng lo rằng tờ Columbus Dispatch sẽ rút tài trợ, khiến chuyến bay chắc chắn bị hủy.
Dù vậy, cả Smith và Mock đều phủ nhận họ đang chạy đua với nhau vì mỗi người dùng máy bay khác nhau và bay theo chặng đường khác nhau. Tờ Columbus Dispatch cũng không coi đây là một cuộc đua, chỉ đưa tin về Smith trong một tin cột hai đoạn. Tại một điểm dừng chân, Mock nói với phóng viên: “Tôi không tranh đua gì với cô gái đó”. Dù vậy, Mock tiếp tục chỉ trích tuyến đường của Smith. Khi Smith định đi theo đường của Earhart theo quỹ đạo, Mock cho rằng Smith đang cố ý tránh những địa hình phức tạp nhất.
Về mặt kỹ thuật, hai người phụ nữ không cạnh tranh trực tiếp. Nếu Smith hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới trước, chuyến bay của cô cũng sẽ không đủ điều kiện để xác lập kỷ lục. Để xác nhận, sách kỷ lục yêu cầu người đăng ký lập kỷ lục phải thuê quan sát viên chính thức chứng kiến thời điểm hạ cánh và công nhận kỷ lục. Cùng thời điểm, chỉ có thể cấp quan sát viên cho một phi công mà trong trường hợp này là Mock.
Dẫu vậy, nếu Smith về trước, dư luận và đặc biệt là giới phi công có thể công nhận cô thay vì Mock. Vốn là một phụ nữ hàng đầu trong câu lạc bộ bay, Smith được kính trọng trong giới phi công. Trong năm mà Mock được công nhận là người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh thế giới, cúp Harmon danh giá ghi nhận thành tựu hàng không lại được trao cho đối thủ của cô.
Mock bắt đầu chuyến bay ngày 19/3, hai ngày sau khi Smith khởi hành. Cô vẫn bay cho dù biết sắp có bão. Điều kiện thời tiết trên biển xấu đến mức cô bị mắc kẹt ở Bermuda suốt một tuần. Thời gian khởi hành sớm hơn dự kiến cũng khiến quá trình bảo dưỡng máy bay phải làm gấp gáp. Mock không hay biết chồng cô đã bảo thợ không cần thay phanh cho kịp thời gian bay. Tuy nhiên, phanh chính là thứ không đáng tin cậy trên chiếc Cessna. Khi Mock hạ cánh ở Bermuda, cô đã phải đứng lên một phanh để giữ cho máy bay không bị quay vòng trong gió mạnh.
Tại Bermuda, thợ máy phát hiện ra radio trên máy bay không hoạt động vì bị ngắt kết nối và đã sửa lại. Hơn 50 năm sau, bà Mock cho rằng chiếc radio không hoạt động không phải là do không có thời gian sửa mà là bị phá hoại. Bà khẳng định: “Chắc chắn đó không phải là tình cờ. Có ai đó muốn Smith chiến thắng cuộc đua”.
Có lần, Mock đã phải đáp giữa đêm xuống một quốc gia không nằm trong kế hoạch. Đêm đó, cô bật dậy vì chuông điện thoại. Người gọi điện là chồng cô. Russ đã lần ra được chỗ ở của vợ tại một khách sạn ở Algeria. Anh bảo cô bay nhanh lên và hỏi lý do tại sao cô không ở Tunisia như kế hoạch. Russ nói: “Cho anh vài chi tiết để viết tin. Báo chí nói rằng Smith bay 3.200 km mỗi ngày. Em phải bay nhanh hơn”.
Mock vừa bay liên tục 6 tiếng từ Casablanca trong cơn bão mạnh đến mức cô đã tính đến chuyện đáp khẩn cấp trên mặt nước. Khi cô tới Bone, Algeria (hiện nay là Annaba) lúc đêm hôm trong tình cảnh mệt và đói, cô lại gặp rắc rối vì ngôn ngữ và tiền tệ địa phương, rồi đi lạc khi tìm khách sạn. Smith thì hẳn là không gặp vấn đề gì và lúc đó đang ngủ ngon. Mock đáp lời chồng: “Em không quan tâm việc cô ta đang trên đường về nhà. Nếu anh gọi lại lần nữa chỉ để nói về Smith, em sẽ bắt máy bay về nhà”. Nói rồi cô dập mạnh điện thoại.
Áp lực từ Smith khiến Mock chỉ có thể thăm thú nước sở tại vào ban đêm tại 5 địa điểm, thay vì cả 19 địa điểm như kế hoạch. Khi thời tiết xấu hay máy bay phải sửa, Mock mới có thời gian khám phá. Còn lại, những gì Mock thường nhìn thấy chỉ là cảnh sân bay và phòng khách sạn.
Mock bay không ngừng nghỉ trong 17 giờ và ngủ mỗi đêm 5 tiếng – số giờ ngủ theo yêu cầu đối với phi công. Tại mỗi điểm dừng, cô phải tiếp nhiên liệu, sửa chữa hỏng hóc, xem dự báo thời tiết, chuẩn bị giấy tờ, làm thủ tục tại sân bay.
Một trong những thứ khiến Mock mệt mỏi nhất là viết bài cho tờ Columbus Dispatch ngay sau khi đến một điểm dừng nào đó. Tuy nhiên, cô hầu như không thể gửi được bài do văn phòng gửi điện tín thường đóng cửa hoặc không hoạt động. Chồng cô, vốn từng là một phóng viên, đã phải viết và ký tên cho vợ.
Một bài báo viết về chặng dừng ở Philippines có đoạn: “Tôi nghe thấy tin tức đáng hoan nghênh nhất đời hôm thứ 5 khi người trực điện thoại khách sạn gọi tôi và nói: ‘Columbus ở Mỹ muốn nói chuyện với cô’. Đó là chồng tôi... và nghe giọng anh thật là tuyệt”. Tuy nhiên, theo hồi ký của Mock xuất bản sau đó 6 năm, cuộc điện thoại giữa hai vợ chồng khác hẳn. Đêm thứ ba nghỉ ngơi và sửa máy bay ở Manila (Philippines), Russ giục vợ bay nhanh qua Thái Bình Dương: “Nếu em cất cánh bây giờ, em có thể ở Guam vào sáng mai và sẵn sàng rời đi vào đêm mai để tới đảo Wake”. Russ thông báo Smith đã mất vài ngày bay vì phải sửa chữa kỹ thuật nhưng cho rằng cô ta vẫn có thể đuổi kịp Mock. Nói đến đây, Mock giậm chân giận dữ và dập máy. Mock nói trong hồi ký: “Anh ấy chỉ muốn ‘đầu tiên’, không phải tôi”.
Kỳ tới: Chuyến bay đi vào lịch sử