Người con gái bí mật của thiên tài Albert Einstein

Chỉ một năm sau khi chào đời vào năm 1902, con gái của Albert Einstein, Lieserl, đột nhiên biến mất khỏi hồ sơ, và cho đến tận năm 1986, không ai biết cô bé từng tồn tại.

Chú thích ảnh
Albert Einstein và Mileva Marić với con trai Hans vào năm 1904, hai năm sau khi Lieserl Einstein ra đời. Ảnh: ATI

Albert Einstein là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhưng trong nhiều năm, một phần cuộc sống riêng tư của ông vẫn bị che giấu, bao gồm cả việc ông có một cô con gái bí mật.

Tại sao Lieserl Einstein lại là một bí mật? Bởi vì cô bé được sinh ra ngoài giá thú. Năm 1901, Mileva Marić, một sinh viên vật lý và toán học của Einstein tại Đại học Bách khoa Zurich, rời trường học trở về nhà ở Serbia và năm sau thì sinh một bé gái Lieserl Einstein. Năm 1903, Einstein và Marić kết hôn.

Nhưng sau đó, Lieserl Einstein biến mất. Và tên cô bé hoàn toàn không được nhắc tới cho đến khi cả Marić và Einstein qua đời vào năm 1948 và 1955. Mãi cho đến khi phát hiện ra những bức thư cá nhân giữa hai người vào năm 1986, những người viết tiểu sử của nhà bác học Einstein mới biết rằng người con gái đầu lòng của ông đã từng tồn tại.

Vậy, điều gì đã xảy ra với Lieserl Einstein, người con gái duy nhất của Albert Einstein?

Chú thích ảnh
Albert Einstein với người vợ đầu tiên Mileva Marić, năm 1905. Ảnh: Getty Images

Lieserl Einstein sinh ngày 27/1/1902, tại thành phố Ujvidek, khi đó còn thuộc Vương quốc Hungary và ngày nay là một phần của Serbia. Đó là điều hiếm hoi mà các nhà nghiên cứu biết chắc chắn về cuộc đời của con gái thiên tài Einstein.

Cô bé đã biến mất hoàn toàn đến nỗi các nhà sử học không bao giờ biết về con gái của Einstein cho đến tận năm 1986. Năm đó, những bức thư đầu tiên giữa nhà bác học và vợ đầu Mileva bỗng xuất hiện. Các học giả đã rất ngạc nhiên phát hiện ra những chi tiết liên quan đến một cô con gái tên là Lieserl.

Ngày 4/2/1902, Albert Einstein viết cho Mileva Marić: "Anh rất sợ hãi khi nhận được thư của bố vì anh đã nghi ngờ có rắc rối nào đó."

Mileva khi đó vừa sinh đứa con đầu lòng cho Einstein, một bé gái mà họ đặt tên là Lieserl. Vào thời điểm đó, Einstein sống ở Thụy Sĩ, còn Marić đã trở về quê hương ở Serbia. “Con có khoẻ không. Đôi mắt nhỏ của con như thế nào? Con giống ai trong hai chúng ta hơn?”, Einstein viết trong thư.

Nhà vật lý đã hỏi hết câu này đến câu khác trong lá thư. Cuối cùng ông nói: “Anh yêu con rất nhiều, mà còn chưa được nhìn thấy con!”.

Einstein hỏi Mileva: "Liệu em có thể chụp ảnh cho con khi em hoàn toàn khỏe mạnh trở lại không?". Ông cầu xin người yêu vẽ cho mình một bức tranh con gái và gửi cho ông. “Chắc chắn con có thể khóc rồi, nhưng để cười thì sau này con sẽ học được nhiều điều hơn”, Einstein suy tư.

Nhưng khi Mileva cùng Albert Einstein đến Bern, Thụy Sĩ, để kết hôn vào tháng 1/1903, cô đã không mang theo Lieserl. Đứa trẻ dường như biến mất khỏi tất cả các hồ sơ giấy tờ. Lieserl Einstein không còn tồn tại. Trên thực tế, không một bức thư nào viết sau năm 1903 nhắc đến tên cô bé nữa.

Chú thích ảnh
Mileva và Albert Einstein với con trai đầu, Hans. Ảnh: ETH Library

Khi các học giả biết rằng Albert Einstein có một cô con gái tên là Lieserl Einstein, một cuộc tìm kiếm thông tin về ông bắt đầu. Nhưng các nhà sử học không thể tìm thấy giấy khai sinh của cô bé. Không một hồ sơ bệnh án nào còn lưu. Họ cũng không thể tìm thấy một giấy chứng tử liên quan đến đứa trẻ.

Ngay cả cái tên “Lieserl” cũng có thể không phải là tên thật của cô bé. Trong các bức thư gửi cho nhau, Albert và Mileva đề cập đến những cái tên như “Lieserl” và “Hanserl”, vốn là những cái tên trẻ con theo giới tính của người Đức, để chỉ mong muốn có con gái hoặc con trai.

Các nhà sử học đã cố gắng xâu chuỗi manh mối về những gì đã xảy ra với cô bé. Một thực tế là Albert Einstein và Mileva Marić chưa kết hôn khi Lieserl chào đời. Việc mang thai đã làm gián đoạn kế hoạch học tập của Mileva. Cô là sinh viên nữ duy nhất trong lớp của Einstein tại Đại học Bách khoa Zurich, nhưng sau khi biết tin mình mang thai, Mileva phải bỏ dở chương trình.

Gia đình của Albert không bao giờ chấp thuận Mileva. “Đến năm con 30 tuổi, cô ấy đã là một bà già”, mẹ ông cảnh báo về người phụ nữ hơn ông ba tuổi. Song bất chấp sự phản đối của gia đình, Albert kết hôn với Mileva, nhưng chỉ sau khi để lại Lieserl ở Serbia, nơi gia đình Mileva chăm sóc cho cô bé.

Einstein có động cơ để che giấu đứa con gái đầu lòng của mình. Làm việc trong một văn phòng cấp bằng sáng chế của Thụy Sĩ, một đứa con ngoài giá thú có thể tạm dừng sự nghiệp của ông trước khi nó bắt đầu.

Chú thích ảnh
Mileva Marić và Albert Einstein vào năm 1912, hai năm trước khi họ chia tay. Ảnh: Getty Images

Lần cuối cùng Lieserl được nhắc đến trong các bức thư của Einstein là vào tháng 9/1903. "Anh rất lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra với Lieserl", Albert viết cho Mileva. “Rất dễ có những ảnh hưởng lâu dài từ bệnh sốt ban đỏ”.

Lieserl rõ ràng đã mắc bệnh ban đỏ vào khoảng 21 tháng tuổi. Nhưng lá thư của Einstein ngụ ý rằng cô bé đã sống sót. "Giá như chuyện này sẽ qua. Con sẽ được đăng ký là gì nhỉ? Chúng ta phải đề phòng những vấn đề phát sinh cho con sau này. "

Những manh mối nhỏ khiến các học giả đưa ra hai giả thuyết: hoặc Lieserl chết khi còn nhỏ hoặc Einsteins đã cho cô bé làm con nuôi.

Năm 1999, tác giả Michele Zackheim xuất bản cuốn “Con gái của Einstein: Cuộc tìm kiếm Lieserl". Sau nhiều năm tìm kiếm manh mối và phỏng vấn người Serb về cây phả hệ, Zackheim đã phát triển một giả thuyết. Theo ông, Lieserl được sinh ra đã mắc khuyết tật về phát triển không rõ nguyên nhân. Mileva Marić để lại đứa trẻ cho gia đình khi cô đến Bern để kết hôn với Albert. Sau đó, vài tháng trước sinh nhật thứ hai, bé Lieserl qua đời.

Chú thích ảnh
Mileva Marić và hai con của cô, Hans Albert và Eduard.

Có thể là Einstein đã không bao giờ gặp Lieserl Einstein. Ông chắc chắn không bao giờ đề cập đến cô bé bằng giấy bút kể từ sau năm 1903.

Cũng có thể Einstein đã giấu Lieserl với gia đình của mình. Tuy nhiên, một vài tuần sau khi sinh Lieserl, mẹ của Einstein đã viết: “Cô Marić này đang gây ra cho tôi những giờ phút cay đắng nhất trong đời. Nếu có thể, tôi sẽ làm mọi cách để tống cô ta khỏi đường chân trời nước Mỹ, tôi thực sự không ưa cô ta."

Năm 1904, Mileva nhận ra mình có thai một lần nữa. Cô chờ đợi để nói với Albert Einstein, sợ phản ứng của ông. Nhưng nhà vật lý nói với vợ: “Anh không hề bực chút nào khi Dollie tội nghiệp đang ấp một chú gà con mới. Thực ra anh rất vui vì điều đó và đã suy nghĩ một chút về việc liệu có nên xem như em có một bé Lieserl mới hay không.”

Vào lúc đó, chỉ vài tháng sau khi Lieserl Einstein biến mất khỏi các ghi chép lịch sử, Albert Einstein đã dành tâm trí của mình cho một “Lieserl mới”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo ATI)
83 ngày đau đớn của người bị nhiễm phóng xạ nặng nhất thế giới
83 ngày đau đớn của người bị nhiễm phóng xạ nặng nhất thế giới

Sau sự cố định mệnh tại nhà máy điện hạt nhân Tokaimura năm 1999, anh Hisashi Ouchi bị ăn mòn gần hết phần da trên cơ thể và khóc ra máu cho đến tận khi trút hơi thở cuối cùng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN