Vậy quyền công dân theo nơi sinh được luật pháp Mỹ quy định như thế nào và thẩm quyền pháp lý của Tổng thống Trump để hạn chế quyền này.
QUYỀN CÔNG DÂN THEO NƠI SINH LÀ GÌ?
Bất kỳ ai sinh ra tại Mỹ đều được coi là công dân Mỹ, điều này bắt nguồn từ Điều khoản Công dân của Tu chính án thứ 14 được bổ sung vào Hiến pháp năm 1868. Tu chính án thứ 14 nêu rõ: “Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân của Mỹ và của Tiểu bang nơi họ cư trú”. Đạo luật Di trú và Quốc tịch năm 1952 cũng định nghĩa công dân Mỹ và sử dụng ngôn từ tương tự.
Theo ước tính của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ tính đến tháng 1/2022, trong khi một số nhà phân tích đưa ra con số 13 triệu - 14 triệu. Những đứa con sinh ra tại Mỹ của họ được chính phủ coi là có quốc tịch Mỹ.
Tổng thống Trump đã phàn nàn về việc phụ nữ nước ngoài đến Mỹ với mục đích sinh con, để lấy quốc tịch Mỹ cho con cái của họ.
CÓ NGOẠI LỆ KHÔNG?
Có. Con của các viên chức ngoại giao nước ngoài có quyền miễn trừ ngoại giao, sinh ra tại Mỹ không phải là công dân Mỹ vì họ không thuộc thẩm quyền của Mỹ.
SẮC LỆNH HÀNH PHÁP CỦA TỔNG THỐNG TRUMP NÓI GÌ?
Sắc của Tổng thống Trump tuyên bố rằng những cá nhân sinh ra tại Mỹ không được hưởng quyền công dân tự động nếu người mẹ đã ở trong nước một cách bất hợp pháp và người cha không phải là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp. Lệnh này cũng tuyên bố quyền công dân sẽ bị từ chối đối với những người có mẹ đã ở Mỹ hợp pháp nhưng chỉ tạm thời, chẳng hạn như những người có thị thực du học hoặc du lịch, và người cha không phải là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp.
QUAN ĐIỂM CỦA TÒA ÁN TỐI CAO MỸ
Tòa án Tối cao chưa đề cập liệu điều khoản về quyền công dân có áp dụng cho người con sinh ra tại Mỹ của những người đang ở Mỹ một cách bất hợp pháp hay không.
Một vụ kiện quan trọng về quyền công dân theo nơi sinh đã diễn ra từ năm 1898, khi Tòa án Tối cao phán quyết rằng Wong Kim Ark - con trai của những người nhập cư hợp pháp từ Trung Quốc - là công dân Mỹ do người này sinh năm 1873 tại San Francisco. Ông Wong Kim Ark đã bị từ chối nhập cảnh trở lại Mỹ sau chuyến thăm Trung Quốc vào thời điểm nhập cư từ Trung Quốc bị hạn chế nghiêm ngặt.
Tòa án Tối cao cũng đã phán quyết vào năm 1884 trong một tranh chấp về việc đăng ký cử tri rằng John Elk sinh ra tại Mỹ không phải là công dân vì anh ta sinh ra là thành viên của một bộ tộc người Mỹ bản địa và do đó không thuộc thẩm quyền của Mỹ. Tuy nhiên, Quốc hội đã mở rộng quyền công dân Mỹ cho người Mỹ bản địa vào năm 1924.
QUAN ĐIỂM CỦA NHỮNG NGƯỜI PHẢN ĐỐI
Một số học giả lập luận rằng nếu các nhà lập pháp muốn tất cả mọi người sinh ra ở Mỹ đều là công dân Mỹ, họ sẽ không thêm điều khoản này vào Tu chính án thứ 14 nêu rõ rằng công dân "phải chịu sự quản lý của quyền tài phán" của Mỹ.
Họ lập luận rằng điều này loại trừ những người nhập cảnh bất hợp pháp vào đất nước và nhờ đó, con cái của họ sinh ra ở Mỹ. Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump cũng nêu rõ rằng những người bị từ chối quyền công dân không phải là chủ thể chịu sự quản lý của Mỹ do tình trạng (nhập cảnh bất hợp pháp) của cha mẹ họ.
Tuy nhiên, một số học giả đã bác bỏ cách giải thích đó về ngôn ngữ quản lý. Không giống như các nhà ngoại giao, những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ không có quyền miễn trừ hợp pháp và phải tuân theo luật pháp nước này.
NHỮNG THÁCH THỨC PHÁP LÝ
Các Tổng chưởng lý từ 22 tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo đã kiện Chính quyền Tổng thống Trump vào ngày 21/1 và yêu cầu tòa án liên bang tại Massachusetts chặn sắc lệnh này.
Cụ thể, 18 tiểu bang, và hai thành phố, San Francisco và Washington, D.C., đã phản đối lệnh này tại Tòa án Liên bang ở Massachusetts, lập luận rằng quyền công dân theo nơi sinh theo Tu chính án thứ 14 là "tự động" và cả tổng thống lẫn Quốc hội đều không có thẩm quyền theo Hiến pháp để sửa đổi nó. 4 tiểu bang khác đã đệ đơn kiện tại Quận Tây Washington.
Tổng chưởng lý New Jersey, Matthew J. Platkin, người đã dẫn đầu một trong những nỗ lực pháp lý cùng với các Tổng chưởng lý từ California và Massachusetts, cho biết nỗ lực hạn chế quyền công dân theo nơi sinh của ông Trump là "bất thường và cực đoan".
Các tiểu bang cho rằng lệnh của Tổng thống Trump đã vi phạm Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, chiếm quyền lập pháp của Quốc hội và vi phạm luật nhập cư và luật hành chính. Các nhóm ủng hộ nhập cư cũng đã kiện để chặn lệnh này.
Nếu tòa án quyết định rằng Hiến pháp bảo vệ quyền công dân theo quyền bẩm sinh, thì chỉ có một tu chính án (sửa đổi hiến pháp) mới có thể thay đổi điều đó. Một tu chính án Hiến pháp sẽ cần 2/3 cả hai viện Quốc hội ủng hộ và sự chấp thuận của 3/4 số cơ quan lập pháp tiểu bang - một quá trình có thể mất nhiều năm. Hiến pháp Mỹ chưa được sửa đổi kể từ năm 1992.