Sách ghi lại những hồi ức của các chiến sĩ bộ đội tên lửa trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (phía Mỹ gọi là chiến dịch Linebacker II) với diễn biến đầy kịch tính và quyết liệt trong suốt 12 ngày đêm (từ ngày 18/12/1972 đến hết ngày 29/12/1972). Điều rất có ý nghĩa là sách ra đời đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử này.
Trong lời đề dẫn, trung tá Vũ Hồng Thao, trung đoàn trưởng Trung đoàn 285, sư đoàn Phòng không 363, viết: “Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Tiểu đoàn 72 cho ra mắt cuốn sách "Biểu tượng chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để ghi lại những hồi ức của tất cả anh em Tiểu đoàn đã từng chiến đấu tại vùng đất thiêng liêng Thăng Long - Hà Nội, như một nén tâm nhang tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ của Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ vùng trời của Tổ quốc; là tâm tư, tình cảm của thế hệ đi trước gửi gắm niềm tin, trao lại trang sử truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn và Trung đoàn cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ mai sau".
Về một câu chuyện tiêu biểu cho chiến công của những người lính tên lửa với thủ đô Hà Nội, trung tá Vũ Hồng Thao cho biết:
Vào lúc 23h05 ngày 27 tháng 12 năm 1972, địch cho 105 lần chiếc B-52 và 90 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 72 hôm đó có Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt, Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng, Trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu, Trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền, Trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa đã bình tĩnh thao tác nhịp nhàng ăn ý, bằng 2 quả đạn đã bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52G. Chiếc máy bay còn nguyên bom đạn này rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Những mảnh vỡ của nó rơi lả tả xuống đường Hoàng Hoa Thám. Đây là chiếc B-52 duy nhất bị bắn rơi tại chỗ khi nó chưa kịp cắt bom gây tội ác...
Đây là một “Chiến công đặc biệt xuất sắc” như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui mừng và phấn khởi khen ngợi ngay sau trận đánh, vì chiếc B.52 này bị bắn rơi khi nó chưa kịp cắt bom, với khối lượng 30 tấn bom trên “Pháo đài bay” mà chúng định nhắm vào địa bàn đông đúc... Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 16 tháng 12 năm 2014, Tiểu đoàn 72 và đồng chí Phạm Văn Chắt, nguyên Tiểu đoàn trưởng, đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa, một người trong kíp chiến đấu đấy, chia sẻ:
- Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt thông báo trắc thủ ở bên ngoài báo cáo hướng đạn đi, mục tiêu đã bị tiêu diệt! Nó rực cháy như một bó đuốc lớn đang rơi xuống phía Hà Nội. Lập tức cả xe đứng dậy, chúng tôi ôm nhau sung sướng và cửa xe chỉ huy đã mở tung, mọi người ra cửa xe nhìn về phía bầu trời Hà Nội thấy vầng lửa vẫn đang rực cháy!...
Sau đó cấp trên thông báo là đơn vị đã bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ và phần thưởng là một con bò do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng. Mấy hôm sau cả Tiểu đoàn mổ bò khao quân ăn mừng chiến thắng!...
Tổng kết đợt chiến đấu 12 ngày đêm trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, 3 trắc thủ chúng tôi mỗi người được Trung đoàn tặng một giấy khen...
Ông tâm sự:
- Giờ đây, đứng trên thành công sự tại trận địa xã Đại Chu năm xưa, lòng tôi tràn ngập biết bao cảm xúc! Những kỷ niệm tháng ngày chiến đấu ùa về. Từ xa, âm vang nơi những nhà máy ở khu công nghiệp vọng tới, tiếng bi bô của trẻ em học bài tại các lớp học gần đấy, tiếng chuông xã Đại Chu thỉnh lên ngân nga… Một cuộc sống thanh bình của làng quê đang đổi mới và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá”.
Nhưng không chỉ là hồi ức. Sách BIỂU TƯỢNG CHIẾN THẮNG - “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” còn cung cấp những tư liệu, hình ảnh quý, có hệ thống về lực lượng của Việt Nam và Mỹ chiến dịch, diễn biến từng ngày, những trận đánh, ý kiến của các tướng lĩnh, chuyên gia hai bên về chiến dịch lịch sử này.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân: “Để đánh trả hiệu quả cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, trước đấy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tổ chức mấy Hội nghị đúc rút kinh nghiệm và thảo luận kỹ về cách đánh B-52. Theo đó, tài liệu ‘Sách đỏ’ là tài liệu nội bộ, hướng dẫn đặc biệt về các thủ thuật đánh B-52, do Quân chủng mới biên soạn, để phục vụ riêng và chuyên sâu cho các trận đánh này. Nội dung ‘Sách đỏ’ cũng được phổ biến rộng rãi đến tất cả các kíp chiến đấu.
Chuyên gia quân sự Liên Xô, đại tá Markov Lev Nicolayevich, giảng viên tại Trường Sĩ quan Phòng không đã tham gia huấn luyện cho các kíp trắc thủ tên lửa cho Việt Nam, từ tháng 10/1971 đến tháng 8/1972. Ông nhận xét: “Tôi đã nghiên cứu kỹ chiến lược chiến tranh của nhiều nước và thấy rằng, trên thế giới ít có cuộc chiến nào mà bên phòng vệ lại thắng được bên tấn công. Nhất là khi có sự chênh lệch quá lớn về tiềm lực quân sự, về đẳng cấp vũ khí, như giữa quân đội Việt Nam và quân đội Mỹ. Đặc biệt là với ‘siêu pháo đài bay B-52’ mà người Mỹ khoe khoang là không thể bị bắn hạ! Vậy mà Việt Nam đã đánh thắng rất giòn giã, đã trực tiếp bắn hạ nhiều B-52. Đó thực sự là cuộc chiến tranh của trí tuệ chọi với trí tuệ, thông minh chọi lại thông minh, chứ không chỉ là cuộc chiến tranh đọ sức thông thường!”.
Phần Vĩ Thanh của sách BIỂU TƯỢNG CHIẾN THẮNG -“ HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” có những gợi mở sâu lắng :
“Tự thuở nào, từ trong dân gian, ai ai cũng thuộc lòng câu thơ cổ: “Thăng Long phi chiến địa/Thiên hạ vạn đại xương!” (nghĩa là: “Khi Thăng Long không là chiến địa/Thiên hạ mới được phồn thịnh muôn đời”)...
Mốc son "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cho tới hôm nay đã tròn nửa thế kỷ - một mốc son vĩ đại, không bao giờ phai mờ đối với mỗi người dân Thủ đô. Chúng ta rất biết ơn những chiến sĩ bình thường, họ đều đã trở thành những Anh hùng thực sự khi xung trận bảo vệ Thủ đô; gìn giữ nếp sống và những giá trị văn hiến vô giá do Tổ tiên để lại".