Cậu bé có sở thích kỳ lạ
Sinh ra ở Paterson, New Jersey (Mỹ) năm 1910, Bill Haast đã quan tâm tới những con rắn từ khi mới 7 tuổi. Niềm yêu thích này biến thành một nỗi ám ảnh suốt thời gian Bill sinh hoạt hè ở trại Hướng đạo từ khi ông 11 tuổi. Năm sau đó, Bill cố bắt một con rắn đuôi chuông Timber và bị rắn cắn lần đầu tiên trong đời. Lúc đó, Bill ở cách trạm sơ cứu của trại 4 dặm, vì vậy mà ông đã tự sơ cứu, bôi thuốc tím và trở về trại. Mặc dù cánh tay khá sưng nhưng Bill đã hồi phục mà không bị ảnh hưởng lâu dài nào.
Khi trở lại trại Hướng đạo vào năm sau, Bill lại đi bắt rắn và lần này ông bị một con rắn hổ mang lớn cắn. Mặc dù được tiêm chống nọc độc ngay lập tức, Bill vẫn phải nằm viện một tuần.
Bill Haast đam mê săn bắt rắn từ nhỏ. |
Chưa thỏa mãn với những con rắn hoang dã, Bill bắt đầu sưu tầm rắn từ các đơn đặt hàng trên mạng. Khi ông mang con rắn đầu tiên về nhà, mẹ Bill quá hoảng sợ và bỏ nhà đi. Bà nói không chịu về nếu Bill không thả chúng đi. Tuy nhiên, không lâu sau bà lại đồng ý cho Bill giữ chúng, và thậm chí là nuôi một đàn rắn.
Không ngơi nghỉ đam mê, suốt năm cuối tại trường trung học, Bill lén ra khỏi trường và đi lang thang cả ngày. Cuối những năm 1920, khi 20 tuổi, Bill gia nhập một nhóm xiếc rắn đường phố, hy vọng có thể tới Florida để săn rắn đuôi chuông.
Sau khi show xiếc rắn thất bại do những ảnh hưởng của cuộc Đại Suy thoái, Bill cuối cùng đã thực sự thực hiện được mơ ước tới Florida Everglades. Thời gian này, ông có nhiều thời gian và cơ hội để nghiên cứu về nhiều loại rắn khác nhau. Mơ ước có một trang trại rắn của riêng mình nhưng khi đó Bill chưa đủ kinh phí. Bởi vậy, Bill đã quyết định trở lại trường học để học nghề cơ khí máy bay.
Sau khi tốt nghiệp, ông được hãng hàng không PAN AM thuê làm kỹ sư máy bay. Công việc đi khắp thế giới giúp ông sưu tầm được những con rắn kỳ lạ.
Bên cạnh việc thu thập những con rắn có nọc độc chết người từ khắp nơi trên thế giới và đưa chúng về nhà bằng máy bay, Bill cũng dành thời gian làm công việc kỹ sư cơ khí máy bay để tích góp xây dựng một trang trại rắn lớn. Năm 1946, ông mua được một mảnh đất ở phía Nam Miami, bán nhà và lấy tiền xây dựng Trang trại nuôi rắn.
Bill tự tiêm nọc độc rắn vào cơ thể. |
Thật không may, vợ của Bill - bà Ann, không ủng hộ chồng theo đuổi đam mê này cũng như hướng đi mới mà chồng mình lựa chọn. Bà Ann đệ đơn ly hôn Bill không lâu sau đó. Không nản lòng, một năm sau, Bill xây Trang trại rắn với đội ngũ nhân viên gồm có ông, vợ mới Clarita, và con trai Bill Jr, người sau đó bị rắn cắn 4 lần và đã rời trang trại rắn để tìm công việc an toàn hơn.
Hết lòng với đam mê
Trong vòng 20 năm sau, Bill đã sở hữu một bộ sưu tập nhiều loài rắn độc từ khắp nơi trên thế giới, lúc nào trang trại cũng có hơn 500 con rắn. Ngoài việc phục vụ cho sở thích, Bill đã tìm ra cách thu được kha khá lợi nhuận từ trại rắn của mình. Bill “vắt sữa” nọc độc từ hơn 60 loài rắn và thu tiền vé của khách tham quan mỗi ngày. Việc này không chỉ tạo ra doanh thu từ tiền bán vé, mà còn từ việc kinh doanh các nguyên liệu cần thiết để sản xuất ra thuốc chống nọc độc, trong đó một gram nọc độc có khi có giá lên tới 5.000 USD.
Làm một nghề nguy hiểm với những vết cắn không phải là hiếm, Bill cũng quyết định thử sử dụng phương pháp miễn dịch thuốc độc (Mithridatism) để tự bảo vệ mình chống lại nọc độc nếu bị rắn cắn - cụ thể là tiêm vào chính cơ thể mình liều nọc độc tăng dần từ những loài rắn khác nhau mà ông “vắt sữa” thường xuyên, bao gồm rắn hổ mang Cape, rắn Vua và rắn hổ mang Ấn Độ.
Bị rắn cắn tới 173 lần, Bill Haast vẫn sống khỏe mạnh tới hơn 100 tuổi. |
Cách làm này khá hiệu quả. Những năm 1950, mặc dù bị rắn hổ mang cắn tới 20 lần, ông không bị ảnh hưởng gì tới sức khỏe và không cần thuốc chống nọc độc. Cuối cùng, khả năng miễn dịch của ông với nhiều vết rắn cắn đã phát triển rất mạnh mẽ đến nỗi ông thường hiến máu cho những nạn nhân phải điều trị vết rắn cắn khi mà thuốc chống độc cho một loại nọc độc nào đó không có sẵn.
Theo tờ New York Times, hơn 20 người có thể đã chết nếu không có các kháng thể trong máu mà Bill hiến tặng, trong đó có một trường hợp Bill phải bay tới Venezuela để tặng nửa lít máu cho một cậu bé bị rắn cắn. Với hành động này, Chính phủ Venezuela đã phong tặng danh hiệu Công dân danh dự cho Bill.
Thật không may, một bi kịch không liên quan tới rắn ập tới khiến Trại rắn của Bill phải đóng cửa. Ngoài rắn, Bill cũng nuôi cá sấu trong một cái hồ. Cuối những năm 1970, một cậu bé 6 tuổi ngã xuống hố. Nhìn thấy món mồi ngon, một trong những con cá sấu lao tới tấn công cậu và chuyện không ai muốn đã xảy ra. Bill không bao giờ tha thứ cho bản thân và không lâu sau đã đóng cửa trang trại rắn.
Thành công trong nghiên cứu y học
Nhiều năm về trước, Bill đã có mối quan tâm đến việc sử dụng nọc độc rắn như một loại thuốc khi ông và một nhà nghiên cứu của Đại học Miami thử nghiệm tác dụng của nó trong điều trị bệnh bại liệt và cho ra những kết quả khả quan trước khi Tiến sĩ Jonas Salk điều chế ra một loại vắcxin hiệu quả và an toàn trị bệnh này.
Không còn trang trại rắn, Bill một lần nữa quyết định dành thời gian khám phá những tác dụng y học khác của các loại nọc độc rắn khác nhau cùng với các chuyên gia y tế. Công việc thành công rực rỡ khi Bill và một bác sĩ ở Miami điều trị cho hơn 6.000 bệnh nhân mắc đa xơ cứng và viêm khớp bằng một hỗn hợp nọc độc rắn. Tuy một số nghiên cứu và kết quả rất hứa hẹn, vào năm 1980, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã vào cuộc và tuyên bố rằng quy trình sản xuất nọc độc rắn của Bill không đủ nghiêm ngặt.
Không nản lòng, năm 1990, Bill vẫn kiên trì với nghiên cứu của mình tại phòng thí nghiệm Serpentarium Miami mà ông thành lập. Bill cũng tiếp tục tự tiêm vào cơ thể mình những loại nọc độc rắn từ 32 loài rắn khác nhau. Mặc dù từ lâu ông đã nghĩ rằng chế độ tiêm nọc độc hàng ngày góp phần vào tăng cường sức khỏe của ông, nhưng thử nghiệm với 1 người rõ ràng là không đủ để kết luận điều gì. Năm 2011, đúng năm Bill qua đời, ông được hỏi về điều này: “Già đi thật khó khăn. Nhiều lúc bạn thấy mình vô dụng. Nhưng tôi luôn cảm thấy mình sẽ sống lâu thế này. Đó là trực quan. Tôi luôn nói với mọi người rằng tôi sẽ sống qua tuổi 100, và vẫn cảm thấy sẽ như vậy. Liệu có phải nhờ nọc rắn không nhỉ? Tôi không biết”.