Ông cũng là một võ sư khá nổi tiếng khi đất nước hòa bình.
Võ sư Trần Huy Sơn uốn nắn động tác kỹ thuật cho học trò. Ảnh: baobacgiang.com.vn |
42 năm về trước ông là Tiểu đội trưởng trinh sát thuộc Z82 - Biệt động Sài Gòn chỉ huy tiêu diệt Tổng Nha cảnh sát ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đi qua con đường làng ngoằn ngoèo, chúng tôi đến ngôi nhà hai tầng xanh tươi cây lá của gia đình ông Sơn. Sau khoảng sân rộng với nhiều cây cảnh uốn tỉa cầu kỳ là khu vườn trồng vải thiều và lán nấm. Dáng người chắc đậm, da ngăm đen, ông Sơn đi lại nhanh nhẹn và nói chuyện rất… lính. Ông ngoảnh cổ khá khó khăn vì bị mảnh đạn còn nằm gần đốt sống cổ, không cho phép phẫu thuật, trái nắng trở trời nó “trỗi dậy” hành hạ.
Sau chén chà, ông chậm rãi kể về cuộc đời binh nghiệp của mình. Sau khi học xong cấp 3, Trần Huy Sơn nhập ngũ vào tháng 6/1974, huấn luyện ở Trung đoàn 60 đặc công (Sư đoàn 305) đóng tại Lục Ngạn, Bắc Giang, được phong quân hàm hạ sỹ và làm Tiểu đội trưởng. Tháng 1/1975, đơn vị hành quân vào Nam, chi viện cho chiến trường. Đến Hà Tĩnh, đơn vị chuyển sang xe cơ giới theo đường mòn Hồ Chí Minh vào đến Đông Nam bộ. Tiểu đội của ông được biên chế vào Z82 thuộc Lữ đoàn B16 Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Ông Trần Huy Sơn kể, chiều 18/2/1975, Tiểu đội của ông là một mũi tiến công được cấp trên giao nhiệm vụ đánh chiếm sở chỉ huy Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn. Nhận lệnh, ông cùng 9 chiến sĩ trong Tiểu đội cùng nhập ngũ, cùng quê, họp triển khai kế hoạch. Ai cũng háo hức, quyết tâm vì đây là trận đầu tiên của đời lính chiến. Tiểu đội trưởng Trần Huy Sơn phân công các nhóm đi điều nghiên các mục tiêu. Đặc thù của bộ đội đặc công là lực lượng tinh nhuệ luồn sâu đánh hiểm. Mục tiêu đều là nơi đầu não chỉ huy của địch, giải quyết xong thì giao cho bộ binh tiếp quản.
Được trinh sát nội thành hỗ trợ, Tiểu đội của ông Sơn điều nghiên Tổng Nha cảnh sát ngụy tỉ mỉ từ nhiều hướng. Sau gần 2 tháng vừa quan sát, vừa điều chỉnh kế hoạch tác chiến, đến nửa đêm 29/4/1975, Tiểu đội của ông Sơn hoàn tất công việc, sẵn sàng chờ giờ G. Đúng 1 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tiếng bộc phá vang rền, là hiệu lệnh tấn công của toàn đơn vị. Cả Tiểu đội xông lên theo phương án và nổ súng đúng kế hoạch. Quá bất ngờ, địch trong Tổng Nha cảnh sát chống cự yếu ớt rồi rút vào hầm ngầm cố thủ.
Trần Huy Sơn chỉ huy Tiểu đội đánh chiếm và tiễu trừ các vị trí then chốt, đến 4 giờ sáng ngày 30/4/1975 thì làm chủ hoàn toàn mục tiêu. Củng cố trận địa, kiểm tra quân số, Trần Huy Sơn sung sướng đến bật khóc. Tiểu đội của ông chỉ có một chiến sĩ bị thương vào tay, trong khi đó đã tiêu diệt tại chỗ 24 binh lính, sĩ quan và nhân viên kỹ thuật, trong đó có một Chuẩn tướng, Phó chỉ huy Tổng Nha cảnh sát. Số quân địch còn lại đã nhanh chóng đầu hàng. Lúc này, quân ta đã làm chủ hoàn toàn Tổng Nha cảnh sát ngụy.
Sau đó, Tiểu đội của ông Trần Huy Sơn cùng các đoàn quân khác của ta tiến vào Dinh Độc Lập, lúc này đã gần 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, cờ chiến thắng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Với những thành tích, chiến công trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Trần Huy Sơn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và 2 Bằng khen do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.
Tháng 12/1996, ông nghỉ hưu và về quê hương với quân hàm Thiếu tá, chứng nhận thương binh hạng 4/4. Về đời thường, được sự nhất trí của địa phương và ngành chức năng, cựu chiến binh Trần Huy Sơn đã thành lập Câu lạc bộ võ Nam Sơn để dạy võ cho con em các gia đình quanh vùng. Những ngày đầu, nhiều người dân địa phương tỏ ra e ngại vì lớp trẻ thường bồng bột, sau khi tập võ dễ gây mất trật tự trị an… Song, ông Trần Huy Sơn vẫn tin tưởng vào các em. Ông quan niệm rằng nếu được truyền dạy điều hay, lẽ phải, sau khi học võ, các em biết ứng xử đúng mực với mọi người và xã hội thì điều đó càng có ích.
Theo thời gian, nhiều gia đình đưa con em đến học“lò võ thầy Sơn” ngày càng đông thêm. Dịp hè hàng năm, số lượng võ sinh lên đến hàng trăm. Đến nay, Câu lạc bộ võ Nam Sơn của cựu chiến binh Trần Huy Sơn đã truyền dạy cho hàng nghìn môn sinh trong và ngoài huyện Lạng Giang và đã gặt hái nhiều thành công. Câu lạc bộ từng 17 lần tham gia thi đấu tại các giải võ cấp tỉnh, giành 1 giải nhất, 8 giải nhì, 6 giải ba tại các Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh.
Với 61 năm tuổi đời, 37 năm tuổi Đảng, người Tiểu đội trưởng trinh sát năm xưa vẫn đang miệt mài truyền dạy võ thuật cho lớp trẻ. Cứ mỗi dịp cả nước mừng thống nhất, những kỷ niệm về trận đánh thuở đầu đời vào mùa xuân đại thắng lại hiện về vẹn nguyên trong tâm trí của ông.