NHỮNG BÀI BÁO RÚNG ĐỘNG
Bài viết chuyên mục đầu tiên của Pyle về cuộc đổ bộ D-Day, xuất bản vào ngày 12/6/1944, đã kể lại cho độc giả của ông một cách trung thực về cuộc đổ bộ đáng sợ, và cả sự kỳ diệu khi quân Đồng minh chiếm được các bãi biển Normandy của Pháp. “Toàn bộ lợi thế đều thuộc về họ”, Pyle viết về quân phòng thủ Đức: cơ man ụ súng bằng bê tông và những ổ súng máy ẩn giấu “với những làn đạn xuyên qua từng centimet bãi biển”; những dải chiến hào hình chữ V mênh mông, vô số mìn chôn vùi, dây thép gai, và “cả chiến trường của những thiết bị ác quỷ chìm dưới nước để bẫy tàu của chúng tôi”.
Bài báo thứ hai của Pyle gửi từ bãi biển Normandy, được xuất bản 10 ngày sau D-Day, khác biệt rõ rệt so với bất kỳ bài nào ông đã từng gửi về trước đó. “Đó là một ngày thật đẹp để đi dạo dọc theo bờ biển”, Pyle viết, khiến người đọc say mê với phần mở đầu tưởng chừng vui vẻ, để rồi lặng xuống khi đọc: “Những người đàn ông đang ngủ trên cát, một số người ngủ mãi mãi. Những người đàn ông đang trôi trong nước, nhưng họ không biết mình đang ở trong nước, vì họ đã chết”.
Pyle cũng viết về những đống đổ nát khổng lồ sau trận chiến, "hàng loạt xe tăng, xe tải và tàu thuyền" nằm dưới đáy Eo biển, những chiếc xe jeep "cháy thành một đống xám xỉn" và những chiếc xe xích bánh sau nổ tung "thành đống xiêu vẹo chỉ bởi một quả đạn pháo".
Tổn thất đó là một cái giá có thể chấp nhận được cho chiến thắng cuối cùng, Pyle bình luận, nhưng ông không né tránh việc cho độc giả thấy những xác chết cũng như “sự tàn phá và lãng phí khủng khiếp của chiến tranh”.
Ngày hôm sau, 17/6, các tờ báo trên khắp đất nước Mỹ đăng bài thứ ba của Pyle mô tả bãi biển D-Day. Lần này, để cho những đồ vật mà ông nhìn thấy trên cát kể một câu chuyện hùng hồn về sự mất mát, Pyle đã cho độc giả thấy cái giá thực sự của cuộc giao tranh mà không cần mô tả chi tiết về máu me hay những thi thể. “Một dải lộn xộn dài hàng dặm trên bãi biển toàn những chiếc ba lô lính. Chỗ này là những đôi tất, xi đánh giày, bộ dụng cụ may vá, nhật ký, Kinh thánh và lựu đạn cầm tay. Đây là những bức thư mới nhất từ nhà, là bàn chải đánh răng, dao cạo râu. Những tấm ảnh chụp các gia đình ở quê nhà như đang nhìn chằm chằm vào bạn từ trên cát. Đây là sách bỏ túi, gương kim loại, quần dài và những chiếc giày bị bỏ lại vương đầy máu”…
Pyle thường đưa bản thân vào câu chuyện của mình, ông nói chuyện trực tiếp với độc giả và để họ nhìn thấy ông ở hiện trường, một sự hiện diện tin cậy, người luôn để mắt đến mọi thứ cho họ, và chắt lọc các sự kiện ngổn ngang xuống chỉ những thứ cần thiết để độc giả có thể hấp thụ được.
Nhưng ở đây Pyle tự miêu tả mình là một người đang choáng váng - một nhân chứng bàng hoàng trước một cuộc đấu và thất bại trên quy mô không ai có thể hiểu được. “Tôi nhặt một cuốn Kinh thánh bỏ túi có in tên một người lính và bỏ vào áo khoác của mình”, ông viết. “Tôi đã mang nó đi nửa dặm hay lâu hơn thế, rồi lại đặt nó xuống bãi biển. Tôi không biết tại sao tôi lại nhặt nó lên hay sao tôi lại bỏ xuống”.
Đến cuối bài viết, độc giả của Pyle phải đối mặt với sự kinh hoàng tột độ: “Tôi đi lại quanh chỗ dường như là một vài mảnh củi trôi dạt nhô ra khỏi cát. Nhưng chúng không phải là củi. Đó là hai chân của một người lính. Anh ấy hoàn toàn bị bao phủ bởi lớp cát xô dạt, ngoại trừ đôi bàn chân. Các ngón chân hướng về vùng đất mà anh đã đến từ rất xa để chứng kiến, nơi mà anh ấy chỉ kịp nhìn thấy quá ngắn ngủi”.
Đó là một Ernie Pyle khác với Ernie Pyle mà hàng triệu người Mỹ đã biết từ những tờ báo đã bầu bạn cùng họ bên bàn ăn sáng hay trên chuyến tàu về nhà vào buổi tối. Nếu như trước D-Day những bài báo của ông nhằm an ủi độc giả ở quê nhà bằng sự lạc quan và những câu chuyện về sức chịu đựng của người lính, thì những bài viết từ các bãi biển ở Normandy đang xé nát tâm tư họ.
Trước sự ngạc nhiên của chính Pyle, các tác phẩm ông viết về những tổn thất của D-Day đã không gặp phải sự từ chối hoặc kiểm duyệt nào. Tại Washington, hai bài của Pyle đã được in lại trong Hồ sơ chính thức của Quốc hội.
Cho đến trước D-Day, chiến tranh phần lớn là một trải nghiệm phấn khích đối với Pyle, khủng khiếp nhưng thường là nhằm nâng cao tinh thần. Nhưng 10 ngày sau cuộc đổ bộ, nỗi kinh hoàng về tất cả những cái chết mà ông chứng kiến ở Normandy đã khắc sâu vào tinh thần của ông. Pyle cho biết ông bị những cơn đau thắt dạ dày do “căng thẳng liên tục và thiếu ngủ”. Trong một lá thư gửi về nhà, Pyle tâm sự rằng ông đã phải “liên tục chiến đấu với chứng trầm cảm vì sự kinh khủng ở tất cả mọi nơi”.
Chưa đầy hai tuần sau khi chứng kiến Paris được giải phóng tưng bừng, Pyle đã viết bài báo cuối cùng của mình từ châu Âu. “Tôi đi đây”, ông nói với độc giả của mình. “Tôi đã có tất cả những gì tôi có thể có”.
Sau 29 tháng ở nước ngoài, viết khoảng 700.000 từ về cuộc chiến và sống sót qua gần một năm nơi tiền tuyến, Pyle tâm sự rằng tinh thần của ông đang chùn bước và bối rối. “Tôi cực kỳ ghét phải rời đi ngay bây giờ, nhưng tôi đã từ bỏ”, ông viết. “Tôi đã đắm chìm trong nó quá lâu. Sự tổn thương cuối cùng trở nên quá lớn”.
Pyle trở về nhà ở New Mexico. Sau vài tháng trở lại Mỹ, bị làm phiền bởi hàng núi thư gửi đến, sự xâm phạm quyền riêng tư và việc vợ ông tìm cách tự tử, nỗi sợ hãi chiến tranh của Pyle thậm chí còn bị lấn át bởi sự bất an trong cuộc sống thường nhật.
Không lâu trước lễ Giáng sinh năm 1944, Pyle bắt đầu chuẩn bị để tác nghiệp ở mặt trận Thái Bình Dương, nơi các lực lượng Mỹ đang nhằm hướng Nhật Bản. Vào ngày 18/4/1945, 20 ngày trước khi chiến tranh ở châu Âu kết thúc, Pyle bị một xạ thủ súng máy Nhật Bản bắn xuyên thái dương bên trái và chết ngay lập tức bên một con mương trên hòn đảo nhỏ Ie Shima, ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Okinawa.
Trong suốt 4 năm làm phóng viên chiến trường, Pyle được những anh lính nhập ngũ, sĩ quan và đông đảo công chúng đón nhận như một tiếng nói đại diện cho người lính. Gánh chịu chấn thương tinh thần ở bãi biển Normandy, ông đã trở thành một trong số họ. Ông hiểu chiến tranh khốc liệt có thể thay đổi những người phải chứng kiến nó, những người chiến đấu và sống với nó như thế nào. Ông biết rằng những người sống sót có thể trở về nhà với những tổn thương sâu sắc, đau đớn và lâu dài. Đó là một sự thật mà ông cảm thấy khó hoặc thậm chí không thể truyền đạt cho độc giả ở quê nhà. Và đó là một sự thật đến tận bây giờ vẫn còn nghiệt ngã, dù đã 78 năm sau D-Day.