“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ 1

Cùng với Henry Ford và Alfred Sloan - Chủ tịch hãng General Motors, Harley Earl được coi là một trong ba nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử ngành sản xuất ô tô Mỹ. Ông được ví là “Da Vinci ở Detroit”. Tuy nhiên, ngoài những người yêu thích xe ô tô, không mấy người từng nghe tới tên ông.

LUỒNG GIÓ MỚI TRONG NGÀNH XE HƠI

Năm 1925, tập đoàn ô tô General Motors đã lên kế hoạch sản xuất một loại ô tô tên là La Salle. Xe sẽ được các đại lý của hãng Cadillac bán với cái giá thấp hơn một chút so với một chiếc Cadillac giá rẻ nhất. Ông Larry Fisher, giám đốc điều hành Cadillac đang tìm một người thiết kế chiếc ô tô và đã tìm thấy một người vừa ý đang làm việc trong một đại lý của Cadillac ở Los Angeles: Harley Earl – con trai của một thợ đóng xe ngựa ở Hollywood.

Harley Earl.

Earl lúc đó hơn 30 tuổi, nổi tiếng vì thiết kế những chiếc ô tô có một không hai cho giới ngôi sao điện ảnh Hollywood giàu có. Xe của anh thiết kế riêng cho ngôi sao cao bồi Tom Mix nổi bật với các ngôi sao trang trí logo TM. Xe thiết kế cho diễn viên hài Fatty Arbuckle thì sang trọng tới mức có giá tới 28.000 USD. Thời đó, một mẫu ô tô Model T của hãng Ford chỉ có giá chưa đầy 300 USD.

Nhưng điều khiến ông Fisher ấn tượng về Harley Earl không phải là các mẫu ô tô anh làm cho các ngôi sao điện ảnh, mà chính là phương pháp thiết kế các ô tô này: Trước khi hoàn thành sản phẩm, Earl làm mô hình kích thước thật của chiếc xe bằng đất nặn. Không giống như các tấm kim loại hay gỗ - vốn là vật liệu phổ biến mà các nhà thiết kế thân ô tô thường dùng, đất sét dễ xử lý và tiết kiệm thời gian hơn. Ví dụ như khi Earl không hài lòng với hình dáng cửa xe, thay vì mất nhiều tiếng để làm cái mới bằng gỗ hoặc cắt tấm kim loại khác, anh chỉ cần thêm đất sét hoặc gọt bớt mô hình cho tới khi nào có được hình dáng mong muốn. Nhờ dùng đất sét mà Earl rất tham vọng và sáng tạo với các thiết kế. Chất liệu này cho phép anh coi chiếc ô tô là một thứ hợp nhất chứ không chỉ là một đống các bộ phận cơ khí lắp ghép với nhau.

Một chiếc La Salle do Harley Earl thiết kế.

Khi Earl tới Detroit, anh bắt đầu thiết kế 4 mẫu xe La Salle: xe hai chỗ, xe mui trần hai chỗ, xe mui kín, xe du lịch. Anh đã cho ra đời một nguyên tắc thiết kế xe mà sau này sẽ được áp dụng rộng rãi. Đó là mẫu ô tô thấp hơn, dài hơn, nhờ đó trông bắt mắt hơn mẫu xe trần cao, thân xe ngắn.

Ông Fisher và cấp trên là Tổng giám đốc hãng General Motors Alfred Sloan rất ấn tượng với cả bốn thiết kế mà Earl đưa ra và đã đưa vào sản xuất cả bốn mẫu trong năm 1927. Những chiếc La Salle đời 1927 này là những ô tô được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn đầu tiên do Earl thiết kế.

Năm 1927, ngành sản xuất ô tô mới chỉ ra đời vài chục năm và mất chừng ấy thời gian mới tiến tới giai đoạn sản xuất được những chiếc ô tô đáng tin cậy, giá phải chăng và có thể sản xuất hàng loạt với số lượng hàng trăm nghìn chiếc mà không giảm chất lượng. Các kỹ sư thời đó không để ý tới vẻ ngoài của xe. Nếu khách hàng muốn mua ô tô đẹp thì xin mời thuê thợ đóng thân ô tô riêng về làm. Hãng Cadillac thời đó vẫn bán rất nhiều ô tô chưa hoàn thiện cho các công ty nhưng không có công ty làm thân xe nào muốn bỏ nhiều thời gian để chế tạo các thân xe ô tô đẹp đẽ, sang trọng theo phương pháp thủ công.

Những chiếc La Salle đời 1927 rất đặc biệt. Chúng nổi bật hơn hẳn các mẫu xe Cadillac vốn được kỳ vọng là sẽ tỏa sáng hơn. Ô tô La Salle dài hơn, thấp hơn. Chúng có hai tông màu – điều chưa từng có với ô tô sản xuất hàng loạt vì phần lớn chỉ được sơn một màu là đen hoặc xanh đen. Cái chắn bùn mà Earl thiết kế cũng rất khác biệt. Các mẫu xe La Salle ấn tượng đến mức ông Alfred Sloan đã thành lập hẳn một bộ phận mới gọi là Bộ phận Màu sắc và Nghệ thuật để thiết kế các mẫu xe cho GM và đưa Harley Earl tới để quản lý. Từ đó, ngành sản xuất ô tô Mỹ đã thay đổi hoàn toàn.

Khi Harley Earl tới Detroit cuối những năm 1920, không có gì đảm bảo rằng ý tưởng của anh về thiết kế ô tô có thể thịnh hành. Anh được ông Alfred Sloan hỗ trợ nhưng ngành ô tô vẫn được thống trị bởi các kỹ sư vốn có thái độ thù địch công khai với ý tưởng coi trọng vẻ ngoài của chiếc xe như các yếu tố khác. Giới kỹ sư ô tô rất bảo thủ, cứng nhắc.

Khi Earl từ Hollywood tới Detroit trong trang phục giày da lộn, áo khoác màu đồng, áo sơ mi tím và thuyết trình về ý tưởng thiết kế mới cho ô tô, các kỹ sư không công nhận anh và đoán rằng anh sẽ không thể tồn tại lâu ở thủ phủ xe hơi Detroit. Đối với họ, làm cho ô tô đẹp hơn không khác gì trang điểm cho súng ngắn.

Tuy nhiên, ngành sản xuất ô tô đang thay đổi và thay đổi rất nhanh. Những người chưa từng có ô tô đã có chiếc xe đầu tiên. Henry Ford đã thắng trận chiến ngành ô tô khi mà chiếc ô tô đầu tiên của hầu hết người Mỹ đều là xe Ford. Các nhà máy khổng lồ của ông có thể sản xuất ô tô nhanh hơn, rẻ hơn, số lượng nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào. Năm 1923, mẫu xe Model T đã chiếm 57% thị phần trên thị trường ô tô Mỹ. Một nửa số ô tô trên toàn thế giới là của hãng Ford.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khi mà mọi người Mỹ muốn có ô tô đều đã có một cái, các hãng xe lại phải nghĩ ra mẹo để khách hàng mua ô tô mới đắt tiền hơn. Các hãng xe phải nghĩ cách để khách mua xe mới trước khi xe ô tô cũ của họ xập xệ hay hỏng hóc. Vì nếu phải chờ ô tô của khách hỏng rồi mới bán được xe mới thì họ sẽ không đủ doanh số để tồn tại trong ngành ô tô. Harley Earl đã xuất hiện đúng thời kỳ cần sự đổi thay.

Xem Kỳ 2: “Thiết kế thời trang” cho ô tô

Thùy Dương
“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ 2
“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ 2

Hai hãng Ford và General Motors có hai hướng tiếp cận khác nhau với thay đổi trên thị trường ô tô Mỹ. Nhờ Harley Earl, General Motors mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người lái ô tô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN