“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ 2

Hai hãng Ford và General Motors có hai hướng tiếp cận khác nhau với thay đổi trên thị trường ô tô Mỹ. Nhờ Harley Earl, General Motors mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người lái ô tô.

“THIẾT KẾ THỜI TRANG” CHO Ô TÔ

Trong cuộc chiến bán chiếc xe thứ hai cho người Mỹ, Henry Ford chính là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Ông gắn bó với mẫu Model T và coi đây là sáng tạo vĩ đại nhất. Trong 19 năm bán mẫu xe này, ông Ford không cải tiến hay thay đổi thiết kế gốc. Ông bác bỏ mọi ý tưởng cải tiến các bộ phận mà ông coi là lặt vặt phù phiếm như đồng hồ tốc độ, khí áp kế, giảm sốc, phanh thủy lực, chân ga… Ông chống lại các cải tiến này suốt năm này qua năm khác, thường sa thải các giám đốc giàu kinh nghiệm dám đề xuất với ông. Rất nhiều người bị Hãng Ford sa thải đã được General Motors đón nhận. Một số thời điểm hiếm hoi khi ông Ford chấp nhận thêm bộ phận mới vào mẫu Model T là khi bộ phận đó từ lâu đã trở thành thiết bị tiêu chuẩn của ô tô.

Harley Earl và chiếc Buick Y-Job.

Với ông Alfred Sloan, chủ hãng General Motors, thì khác. Ông liên tục cải tiến các mẫu ô tô, phát minh nhiều thứ mới mẻ để người ta phải mua ô tô. Khi ông Ford bắt khách hàng phải trả tiền mặt đầy đủ khi mua ô tô (các ngân hàng thời đó chưa cho vay mua ô tô) thì ông Sloan đã thành lập công ty tài chính General Motors Acceptance Corporation(GMAC) để hỗ trợ khách hàng mua xe của hãng. Cho dù Hãng General Motors không để cạnh tranh với Ford về giá xe, GMAC đã giúp nhiều khách hàng mua ô tô với giá cả phải chăng hơn. Năm 1924, 1/3 tổng số ô tô được bán ra của hãng do GMAC hỗ trợ.

Khi ông Sloan tập trung cải tiến chất lượng ô tô General Motors, ông cũng hiểu rằng phát triển công nghệ mới rất tốn kém và mất nhiều năm mới đưa được ra thị trường và thường không thu lời. Tuy nhiên, ông vẫn muốn nuôi tham vọng liên tục cải tiến, vì thế, giữa những năm 1920, ông thực hiện chiến lược thay đổi mẫu thường niên - chiến lược đầu tiên trong ngành ô tô Mỹ. Từ đó, dù các bộ phận cơ khí của ô tô vẫn giống nhau từ năm này qua năm khác, nhưng vẻ ngoài của xe sẽ thay đổi từng năm dù chỉ là thay đổi nhỏ để giúp người mua lúc nào cũng hứng thú.

Thay đổi mẫu ô tô thường xuyên còn có một hiệu ứng nữa với khách hàng: Khiến họ ngày càng chán xe cũ dùng hết năm này tới năm khác. Khái niệm này được gọi là chiến lược “lỗi thời có tính toán”. Chiến lược sẽ khiến chủ ô tô phải tới đại lý bán ô tô sớm hơn vài năm để đổi xe cũ đã xập xệ trước khi xe hỏng.

Những thay đổi kiểu dáng hàng năm đối với mọi loại ô tô của General Motors gồm Chevrolet, Oakland, Oldsmobile, Buick và Cadillac đòi hỏi hãng phải có nhiều nhà thiết kế. Đó là lý do tại sao ông Sloan quyết định thành lập Bộ phận Màu sắc và Nghệ thuật cho cả tập đoàn. Những kỹ sư bảo thủ ăn mặc khô cứng không thích điều này nhưng với những người phong cách như Harley Earl thì khác.

Đuôi xe của một chiếc Cadillac đời 1959.

Anh chính là người tạo nên cách mạng trong ngành sản xuất ô tô. Khi tới tập đoàn General Motors năm 1927, ô tô sản xuất hàng loạt vẫn có vẻ ngoài chắp vá. Với Earl, ô tô cần phải là một cá thể hoàn chỉnh, thống nhất. Anh đã đưa suy nghĩ này vào ô tô của General Motors. Từng đặc điểm của chiếc ô tô kiểu dáng cổ lỗ sĩ đã bị loại bỏ. Những chỗ hình hộp và góc nhọn đã nhường chỗ cho những đường cong. Đèn pha và chắn bùn được gắn vào thân xe. Cốp xe cũng vậy. Lốp dự phòng sẽ không còn được gắn ở sau xe và được cất trong cốp.

Ngay từ đầu, Earl đã quyết định thiết kế ô tô thấp hơn và dài hơn. Như khi bắt đầu với mẫu La Salle đời 1927, Earl bắt đầu tăng chiều dài cơ sở của xe ô tô, tức là khoảng cách giữa bánh trước và bánh sau của ô tô. Điều này giúp ô tô có đủ không gian để hạ độ cao khu vực ghế hành khách để người ngồi sau có thể ngồi giữa khu vực bánh trước và sau thay vì ngồi lên trên bánh xe. Ngoài việc làm cho ô tô đẹp hơn, việc hạ thấp khu vực hành khách khiến người ngồi sau có cảm giác êm ái hơn khi di chuyển.

Những thay đổi mà Harley Earl đem đến cho ô tô diễn ra với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là với khách hàng mua ô tô vì lâu nay họ thấy hầu như ô tô không có gì thay đổi từ khi được phát minh. Tuy nhiên, Earl khéo léo giới thiệu thay đổi một cách dần dần, không bao giờ thay đổi nhiều thứ trong một năm để khách hàng kịp thích nghi. Earl có khả năng xác định cần thay đổi bao nhiêu mà không làm khách hàng bị “ngợp”. Anh sản xuất các mẫu thiết kế concept để giới thiệu trước với thị trường và để thử nghiệm xe.

Tại General Motors, Earl không dành nhiều thời gian quanh quẩn bên bàn thiết kế. Thay vào đó, anh giám sát một mạng lưới gồm 17 phòng thiết kế khác nhau thuộc Bộ phận Màu sắc và Nghệ thuật. Năm 1937, bộ phận này được Earl đổi tên thành Bộ phận Phong cách.

Khi suy nghĩ tìm kiểu dáng mới, Earl thường giấu mình trong căn phòng bí mật mà anh gọi là “Hatchery” (Nơi ấp trứng). Phòng có cửa sổ bị che kín, không điện thoại. Cửa ra vào gắn một cái tên giả để không ai làm phiền anh. Trong phòng, Earl đã vạch ra tầm nhìn chiến lược toàn diện cho các mẫu ô tô, sau đó, anh phối hợp với các phòng thiết kế để biến ý tưởng thành hiện thực. Anh thúc giục, khuyến khích, giảng giải và khen ngợi cho đến khi các nhà thiết kế cấp dưới làm được mẫu mà anh đưa ra.

Trong quá trình đó, Earl đã giám sát thiết kế của hầu như mọi chiếc Chevrolet, Oakland, Oldsmobile, Buick và Cadillac được sản xuất trong giai đoạn 1928-1959. Tất cả đều khoác trên mình “bộ cánh” mới do Earl thiết kế và tạo dáng. Chiếc Cadillac Coupe de Ville đời 1949 là chiếc xe có mui bằng kim loại không cột đầu tiên của Cadillac. Xe này không có cột hỗ trợ nóc xe vốn thường nằm ở đằng sau cửa trước và do đó không cản tầm nhìn của lái xe. Chiếc Eldorado và Oldsmobile Fiesta đời 1953 của Cadillac lần đầu tiên có kính chắn gió dáng cong. Chiếc Chevy El Camino đời 1959 được General Motors sản xuất để cạnh tranh với chiếc Ranchero của Hãng Ford là sự kết hợp giữa ô tô mui kín và xe tải nhỏ.

Vốn lớn lên ở Hollywood, Earl coi ô tô là các tác phẩm giải trí. Anh muốn mọi người thoải mái khi nhìn ô tô, anh muốn mọi người như ở trong mơ khi lái xe. Earl nói: “Tôi tìm cách thiết kế một ô tô để mỗi lần bạn vào trong, đó sẽ là sự thoải mái. Bạn có một kỳ nghỉ nho nhỏ trong chốc lát”.

Thùy Dương
“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ cuối
“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ cuối

Cuối những năm 1950, ông Earl để ý thấy rằng khi đi bộ từ bãi đỗ xe vào văn phòng, rất nhiều nhà thiết kế trẻ của General Motors đã lái ô tô nhỏ hơn, rất nhiều xe Corvette. Ngoài ra, họ còn đi Porsches, Triumphs, Fiats, MG, Beetles.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN