“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ cuối

Cuối những năm 1950, ông Earl để ý thấy rằng khi đi bộ từ bãi đỗ xe vào văn phòng, rất nhiều nhà thiết kế trẻ của General Motors đã lái ô tô nhỏ hơn, rất nhiều xe Corvette. Ngoài ra, họ còn đi Porsches, Triumphs, Fiats, MG, Beetles.

DI SẢN CỦA HARLEY EARL

Đối với những thay đổi mà Haryley Earl mang đến cho General Motors, trong những năm đầu, chúng đều không làm thay đổi hình dạng cơ bản của ô tô. Tuy nhiên, trong giai đoạn những năm 1940 và 1950, thiết kế của ông bắt đầu táo bạo hơn bao giờ hết. Ông lấy cảm hứng từ đầu máy xe lửa, máy bay, ngư lôi, thậm chí là cả tên lửa và tàu rocket để thiết kế ô tô. 

Máy bay và tên lửa có vây đuôi để giữ thăng bằng. Những vây đuôi mà ông Earl đưa vào chiếc Cadillac đời 1948 lấy cảm hứng từ máy bay chiến đấu Lightning P - 38 của tập đoàn Lockheed. Với ô tô, chiếc vây đuôi này không có chức năng gì trong hoạt động mà chỉ là để trang trí và giúp người lái có cảm giác như đang bay mỗi khi ngồi sau tay lái.

Nhờ một phần lớn ảnh hưởng của ông Earl, chiếc ô tô ở Mỹ không còn chỉ là một phương tiện đi lại. Hơn bao giờ hết, ô tô đã trở thành một biểu tượng vị thế, một thứ đáng thèm muốn. Người ta không mua ô tô chỉ vì cần ô tô mà họ mua vì họ phải có chúng - một cảm giác kéo dài cho đến khi họ đổi sang xe mẫu mới.

Chiếc Corvette do ông Harley Earl thiết kế.

Ông Earl làm việc cho hãng General Motors 30 năm, từ năm 1927 đến khi nghỉ hưu năm 1958 sau khi giám sát quá trình phát triển các mẫu xe đời 1959. Nếu chiếc ô tô bạn mua của General Motors ra đời trong giai đoạn đó, bạn phải cảm ơn ông Earl vì điều đó. Nếu ô tô của bạn do Ford hay Chrysler sản xuất, bạn có thể vẫn phải cảm ơn ông Earl vì thiết kế của ông thành công đến mức hầu như mọi hãng xe ô tô trên thế giới đều áp dụng phương pháp đó. Rất nhiều mẫu ô tô trông đẹp đẽ nhất mà các hãng khác sản xuất ra đều do các nhà thiết kế đã được đào tạo dưới bàn tay của ông Earl rồi bị hãng khác dụ dỗ đi khỏi General Motors.

Không nhiều người trong số những nhà thiết kế rời bỏ General Motors có thể thành công được như thầy của mình. Không có nguồn lợi khổng lồ như General Motors, chỉ có vài hãng ô tô nhỏ của Mỹ như Kaiser - Frazer, Hudson và Nash mới có thể theo kịp tốc độ thay đổi mẫu xe hàng năm. Đa số các hãng còn lại hoặc là sáp nhập với các công ty đang chật vật khác hoặc là phá sản. Trong bối cảnh General Motors gần đây gặp khó khăn, người ta dễ dàng lãng quên thời kỳ hoàng kim của hãng đầu những năm 1960, khi đó hơn một nửa ô tô được bán ra ở Mỹ là của General Motors, còn những Ford và Chrysler chia nhau phần còn lại. Những ngày đó, họ bán nhiều ô tô đến nỗi nỗi sợ lớn nhất của General Motors là bị chính phủ liên bang cáo buộc độc quyền.

Harley Earl đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngành sản xuất ô tô Mỹ.

Dưới sự giám sát của ông Harley Earl, ô tô của General Motors ngày càng to hơn bao giờ hết, dài hơn bao giờ hết, nặng hơn bao giờ hết, bóng bẩy hơn bao giờ hết. Khi sắp nghỉ hưu, ông đã nhận ra rằng to hơn, dài hơn và nặng hơn cũng có hạn chế. Sau khi đi xem một cuộc đua ô tô thể thao năm 1951, ông Earl ấn tượng với niềm say mê mà các tay lái dành cho ô tô đến mức ông đã thuyết phục General Motors phát triển ô tô thể thao hai chỗ ngồi đầu tiên, đó là chiếc Corvette đời 1953. Chiếc xe này nhỏ hơn phần lớn ô tô mà General Motors sản xuất năm đó.

Cuối những năm 1950, ông Earl để ý thấy rằng khi đi bộ từ bãi đỗ xe vào văn phòng, rất nhiều nhà thiết kế trẻ của General Motors đã lái ô tô nhỏ hơn, rất nhiều xe Corvette. Ngoài ra, họ còn đi Porsches, Triumphs, Fiats, MG, Beetles. Với những người chọn xe của Volkswagen, họ bị hấp dẫn bởi chiếc xe trông không giống với ô tô đang được bán ở Detroit. Ông Earl cho rằng ô tô nhỏ có thể đóng vai trò lớn trong tương lai. Trong khoảng thời gian cuối cùng còn lại trước khi về hưu, ông đã thúc giục General Motors bắt đầu sản xuất nhiều ô tô nhỏ để người hâm mộ những chiếc xe nhỏ nhập khẩu này sẽ có một loạt ô tô nội địa để lựa chọn.

Ông Earl đã thành công khi đưa dòng xe Corvette vào sản xuất nhưng dự báo rằng ô tô nhỏ sẽ là làn sóng của tương lai không giành được sự ủng hộ của giới lãnh đạo General Motors. Sau khi ông nghỉ hưu năm 1958, những người kế nhiệm ông tiếp tục sản xuất những cỗ xe cồng kềnh, tốn nhiên liệu. Ngay cả chiếc Edsel của Ford vốn được một sử gia mô tả là “người khổng lồ của ô tô” cũng thất bại thảm hại năm 1957, khiến Ford mất 250 triệu USD. Trong khi đó, doanh số của xe Beetle của Volkswagen và các dòng xe nhỏ tương tự tiếp tục tăng năm này qua năm khác.

General Motors đã và tiếp tục phải trả giá đắt vì đã phớt lờ lời khuyên của ông Harley Earl, không chuyển dần sang ngành kinh doanh ô tô nhỏ kịp thời để cạnh tranh với các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản. Tuy nhiên, có lẽ sự chứng thực lâu dài nhất đối với tài năng của nhà thiết kế Earl là hơn 50 năm sau khi ông rời General Motors, những chiếc ô tô do ông thiết kế vẫn được coi là đỉnh điểm của ngành thiết kế ô tô Mỹ. 

General Motors đã mất 50 năm để tìm một nhà thiết kế khác có thể thay thế được Harley Earl, có thể khiến người mua ô tô có cảm giác mới mẻ, say mê với các thương hiệu của hãng như trong “kỷ nguyên Earl”. Và tới nay, họ vẫn chưa tìm được một ai.

Xem từ Kỳ 1: Luồng gió mới trong ngành xe hơi
Thùy Dương
“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ 2
“Da Vinci” ở thủ phủ xe hơi Detroit - Kỳ 2

Hai hãng Ford và General Motors có hai hướng tiếp cận khác nhau với thay đổi trên thị trường ô tô Mỹ. Nhờ Harley Earl, General Motors mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người lái ô tô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN