Nhóm các nhà nghiên cứu Dzù Lê-Liêu, Liêm-Khê Luguern và Laure Teulières, tại phiên khai mạc triển lãm. |
Người lao động Đông Dương tại vùng Toulouse trong hai cuộc Chiến tranh thế giới (1914-1918 và 1939-1945) là chủ đề của cuộc triển lãm đang được trưng bày tại tòa thị chính thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp. Mở cửa từ ngày 2/4 đến ngày 23/4, triển lãm là một dự án mang tính văn hóa và giáo dục của chính quyền thành phố Toulouse nhằm giới thiệu với người dân địa phương về một giai đoạn lịch sử chưa được biết đến liên quan đến sự hiện diện của những người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và vùng đất Toulouse.
Phát biểu tại lễ khai trương triển lãm, ông Jean-Luc Moudenc Thị trưởng thành phố Toulouse, Chủ tịch vùng Toulouse, cho rằng đây là một cuộc triển lãm rất ý nghĩa vì nó giới thiệu với công chúng một giai đoạn lịch sử ít được biết đến nhưng lại là một phần "không thể thiếu của lịch sử địa phương", đã trở thành "di sản chung" đồng thời đóng góp vào "sự phong phú về văn hóa" của địa phương.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, triển lãm tập hợp khoảng 100 bức ảnh được nhóm chuyên gia gồm các nhà nghiên cứu và nhà sử học Dzù Lê-Liêu, Liêm-Khê Luguern và Laure Teulières lựa chọn, khai thác từ các tài liệu lưu trữ của Pháp. Lời thuyết minh cùng các phân tích đi kèm với các bức ảnh được những người tổ chức thực hiện dựa trên các nghiên cứu cùng những câu chuyện do các nhân chứng hoặc con cháu của những người lính thợ kể lại.
Triển lãm đề cập đến mối liên hệ giữa hai cuộc di dân vào các năm 1915 và 1940, trong thời kỳ Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp. Vào các thời điểm nói trên, hàng chục nghìn người Đông Dương trong đó chủ yếu là người Việt Nam đã bị cưỡng bức đưa sang Pháp. Những người nông dân vốn chỉ quen với công việc đồng áng nơi quê nhà bỗng chốc bị đưa đến những vùng đất xa xôi, cắt đứt khỏi cội nguồn. Dù được sử dụng như lính chiến trực tiếp tham chiến hay lính thợ trong các nhà máy sản xuất vũ khí hoặc tiếp tục công việc trên các cánh đồng thì người lao động Đông Dương đều phải làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt, bị bóc lột và không được trả lương xứng đáng. Mặc dù vậy, những người lao động Việt Nam đã có một hành trình thích nghi với môi trường mới, phát huy truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau giữa những người cùng chung dòng máu để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Các bức ảnh tư liệu được in lên 13 tấm panô, sắp xếp theo chủ đề đi kèm với các thuyết minh đã giúp cho người xem khám phá những góc khuất của lịch sử trong thời kỳ nước Pháp tiến hành các cuộc xâm lược và khai thác thuộc địa. Những câu chuyện của nhân chứng hoặc con cháu các nhân chứng cho thấy quá trình đưa người nông dân sang Pháp nhằm góp phần hỗ trợ cho các cuộc Chiến tranh thế giới cũng như đời sống cơ cực của những người lính thợ làm việc trong các nhà máy sản xuất vũ khí hoặc kho súng đạn tại Toulouse và vùng lân cận như Tarbes, Castelsarrasin, Castres, Pamiers. Các công trình nghiên cứu cũng cho thấy hàng nghìn lính thợ Việt Nam đã sinh sống và làm việc tại các miền quê như l’Ariège và les Hautes-Pyrénées, le Tarn, le Tarn-et-Garonne thuộc vùng Toulouse.
Trong khuôn khổ cuộc triển lãm, những người tổ chức còn giới thiệu một cuốn sách giáo khoa được biên soạn cùng bộ câu hỏi nhằm hướng dẫn các em học sinh khi đến tham quan triển lãm có thể ghi nhớ được những nội dung chính của rong một giai đoạn lịch sử vốn bị nước Pháp cố tình lãng quên.
Cũng nhằm mục đích vén màn bí ẩn thân phận lao động Đông Dương, cùng với cuộc triển lãm, ngày 1/4 tại trường đại học Toulouse Jean-Jaurès đã diễn ra một hội thảo khoa học với chủ đề: “Những người châu Á lao động tại Pháp trong hai cuộc Chiến tranh thế giới”. Tại hội thảo, nhiều tham luận được các giáo sư học giả người Pháp và người Pháp gốc Việt trình bày đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tọa như "Người lao động Đông Dương trong ngành công nghiệp chiến tranh từ 1915 đến 1919" của nhà tư liệu học Mireille Lê Văn Hồ, "Người lao động Việt Nam bị trưng dụng trong các năm 1939-1940" của Tiến sĩ sử học Liêm-Khê Luguern, "Sự xuất hiện của giai cấp vô sản Đông Dương trong thời kỳ thuộc địa" của nhà sử học Daniel Hémery, giảng viên trường Đại học Paris 7-Denis Diderot...