Chủ tịch Hội đồng thi năm 2019 Yanagisawa Yoshio cho biết kỳ thi này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thí sinh đến từ 36 địa phương trên khắp đất nước Nhật Bản, từ các tỉnh giáp Tokyo như Chiba, Saitama và Kanagawa cho đến các các tỉnh cực Bắc và cực Đông như Hokkaido và Okinawa. Theo ông Yoshio, đối tượng tham dự cuộc thi rất phong phú, từ học sinh, sinh viên đến luật sư, cảnh sát… Thí sinh cao tuổi nhất là 83 tuổi, trong khi người tham gia nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi.
Kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 3 được chia thành 6 cấp độ với cấp độ cao nhất là cấp độ 1. Tuy nhiên, đối với kỳ thi năng lực tiếng Việt, do trình độ chưa đủ đáp ứng ở cấp độ 1 nên kỳ thi lần 3 chỉ dừng lại ở cấp độ cao nhất là cấp độ 2. Trong các năm qua, tỷ lệ đỗ trong kỳ thi này đã tăng dần. Ở kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ đỗ trung bình cho tất cả các cấp độ mới chỉ có 16,7% nhưng con số này trong kỳ thi thứ 2 đã tăng lên 29,8%. Điều này thể hiện nỗ lực và mong muốn học giỏi tiếng Việt của người Nhật Bản.
Ông Ise Yoji, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản kiêm Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen, cho rằng trong những năm gần đây, quan hệ Việt-Nhật đã phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực. Do đó, nhu cầu học tiếng Việt của người Nhật Bản ngày càng tăng.
Cùng chung quan điểm đó, ông Phạm Quang Hưng, Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết nguyên nhân khiến phong trào học tiếng Việt phát triển là do số lượng sinh viên học tiếng Việt tại các trường đại học có khoa tiếng Việt đang tăng lên, trong đó chủ yếu là những em có cảm tình với Việt Nam hoặc mong muốn làm việc có liên quan tới Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, do số người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản tăng mạnh nên nhu cầu đào tạo tiếng Việt cho nhân viên của các cơ quan, chính quyền địa phương Nhật Bản cũng gia tăng.
Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản thuộc Hiệp hội Giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen là đơn vị đầu tiên và duy nhất cho đến nay có chức năng tổ chức thi và cấp bằng năng lực tiếng Việt ở Nhật Bản. Ông Masayoshi Fujino, Giám đốc phụ trách đối ngoại của Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản, cho biết mục đích của kỳ thi khuyến khích người Nhật Bản nói tiếng Việt, gắn tiếng Việt với công việc, với hoạt động tăng cường giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước. Thông qua ngôn ngữ, con người sẽ hiểu biết nhau hơn và tin tưởng nhau hơn, đóng góp vào sự phát triển của quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Theo kế hoạch, kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 4 sẽ được tổ chức cuối tháng 6/2020.