Tới dự lễ có gần 50 học sinh từ 7 đến 15 tuổi, Ban Giám đốc và giáo viên thuộc Trung tâm Tiếng Việt Sa Pa cùng các phụ huynh. Bà Phạm Thu Hương, Thường trực Ban Công tác Cộng đồng thuộc Đại sứ quán Việt Nam; ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội người Việt Nam tại châu Âu, và đại diện các Trung tâm Tiếng Việt ở thành phố Karlovy Vary, thành phố Plzen cũng đến chia vui với các học sinh.
Lễ khai giảng các lớp học hè tiếng Việt ở Praha. Ảnh: Vinh-Tâm |
Phát biểu sau hồi trống khai giảng, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Tiếng Việt Sa Pa, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là đối với các cháu sinh ra và lớn lên tại CH Séc. Ông cũng kêu gọi những người làm bố mẹ, ông bà phải đặc biệt chú trọng tới việc khuyến khích, động viên con cháu học và sử dụng tiếng Việt trong gia đình, tích cực hợp tác với các thầy, cô để tạo ra sự hứng thú trong học tập.
Tại lễ khai giảng các, thầy cô giáo cũng nêu ra những khó khăn của việc dạy tiếng Việt cho các đối tượng học sinh sống trong môi trường tiếng Séc, giáo viên không được đào tạo chuyên về dạy tiếng Việt và họ đến với Trung tâm trên cơ sở nhiệt huyết với cộng đồng. Bà Phạm Thu Hương thay mặt Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trao tượng trưng hàng trăm cuốn sách giáo khoa tiếng Việt soạn riêng cho người Việt ở nước ngoài.
Các lớp học hè tiếng Việt bắt đầu ngay sau lễ khai giảng. Các thầy, cô thực hiện phương châm “tiên học lễ” theo đúng nghĩa đen. Khi được cô giáo Hồng Nhung mời tự giới thiệu về bản thân thì đa số học sinh trả lời bằng thứ tiếng Việt hơi ngọng nghịu và cực kỳ ngắn gọn theo kiểu: “Tên Mạnh Quân, 8 tuổi, lớp hai”. Cô giáo kiên trì uốn nắn từng em một: “Lần sau con trả lời cô đầy đủ nhé: Con tên là Nguyễn Mạnh Quân, năm nay con 8 tuổi và học lớp hai ạ”.
Điều này cũng phù hợp với nguyện vọng của đa số phụ huynh là họ muốn con em trước khi đọc thông viết thạo tiếng Việt thì phải biết giao tiếp theo văn hóa của người Việt. Cộng đồng người Việt ở Séc cũng như ở nước ngoài nói chung hằng ngày phải vất vả làm ăn, buôn bán từ sáng sớm đến tối mịt, hầu như không nghỉ vào cuối tuần và các ngày lễ nên không có thời gian, kiến thức và cả sức lực để dạy tiếng Việt cũng như lễ giáo của cha ông.
Thế hệ thứ ba người Việt ở Séc xa dần với ngôn ngữ mẹ đẻ và văn hóa, tập tục của dân tộc. Trong số các học sinh của lớp học hè tiếng Việt có một trường hợp đặc biệt, đó là bé Tina Đinh mang hai dòng máu Việt - Séc. Chị Vera Đinh mặc dù là người Séc nhưng rất muốn con gái mình nói thạo tiếng Việt và hiểu về văn hóa của bên nội.
Lớp học hè tiếng Việt do cô giáo Hồng Nhung làm chủ nhiệm. Ảnh: Vinh-Tâm |
Chị cho biết, mặc dù điều kiện kinh tế không dư dả nhưng anh chị cố gắng thường xuyên đưa các con về Việt Nam để cảm nhận mình là người Việt. Vào cuối tháng 6 vừa qua, anh chị đã hoàn thành thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con trai Filip và con gái Tina. Ngay sau lễ khai giảng lớp học hè tiếng Việt bé Tina sẽ cùng bố mẹ, anh trai về Việt Nam để thăm bà nội và họ hàng, đồng thời cũng là để thực hành tiếng Việt.
Đầu tháng 8, Tina sẽ tiếp tục dự lớp học hè tiếng Việt ở Trung tâm Sa Pa. Trung tâm Tiếng Việt Sa Pa là cơ sở giáo dục được xã hội hóa và gần như phi lợi nhuận do một số anh chị em tâm huyết trong Ban chấp hành Chi hội Người Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Sa Pa lập ra từ năm 2006. Trung tâm có hai lớp học tiếng Việt chính quy khai giảng vào tháng 9 hằng năm và bế giảng vào tháng 6 năm sau. Bên cạnh đó là hai lớp học tiếng Việt vào mùa hè, được khai giảng vào đầu tháng 7 và bế giảng vào cuối tháng 8.