Tác động của dịch COVID-19 với hoạt động kinh doanh tại Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 12/7 tại Thủ đô Viêng Chăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào phối hợp với Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (BACI) đã tổ chức buổi Tọa đàm với các doanh nghiệp bàn về tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh tại Lào và phương hướng trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đang phát biểu tại cuộc Tọa đàm. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào

Tham dự buổi tọa đàm có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, đại diện các cơ quan có liên quan và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm thông báo tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam và Lào bị tác động bởi dịch COVID-19; đồng thời nắm tình hình chung về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Lào về tài chính, ngân hàng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tại đây, nhiều bài tham luận đã thu hút sự chú ý của các đại biểu như Chính sách hỗ trợ tài chính ngân hàng của Chính phủ Lào đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, triển khai các chính sách của chính phủ tới doanh nghiệp; Chính sách của người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra từ đầu năm đến nay, Chính phủ Lào đã áp dụng các biện pháp mạnh, quyết liệt để phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh tác động đến toàn bộ lĩnh vực đời sống, xã hội, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đầu tư của doanh nghiệp kinh doanh Việt Nam tại Lào cũng gặp phải những khó khăn, đình đốn hoạt động; các yếu tố đầu vào như nguyên liệu sản xuất, công nhân không đảm bảo, không đáp ứng theo yêu cầu; không có dự án được cấp phép mới; các dự án đã cấp phép dừng hoạt động. Tính đến nay, số dự án của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào vẫn dừng ở 413 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD. Chính phủ Lào đã triển khai hàng loạt biện pháp để thúc đẩy đầu tư, kích thích kinh tế, tổ chức các đợt rà soát, kiểm tra dự án để khắc phục những khó khăn trước, trong và sau dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Lào Việt đang đọc tham luận tại Tọa đàm. Ảnh: Phạm Kiên/PvTTXVN tại Lào

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Lào còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư và kinh doanh tại Lào chủ động thích ứng với các điều kiện mới để vượt qua những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh và có kế hoạch để triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh thời kỳ hậu dịch. Các doanh nghiệp khi chuẩn bị đầu tư cần thận trọng, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và với Đại sứ quán để được hướng dẫn, tránh bị lừa cũng như việc ký kết hợp đồng với những điều khoản bất lợi, không khả thi. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thay đổi cách quản lý, vận hành doanh nghiệp; áp dụng các hình thức trực tuyến, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và công nghệ mới. Các doanh nghiệp cũng nên tận dụng cơ hội từ các dự án cở sở hạ tầng lớn của Lào sắp hoàn thành…

Về chính sách hỗ trợ tài chính ngân hàng của Chính phủ Lào đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và việc triển khai các chính sách tới doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng liên doanh Lào-Việt, Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Lào nêu rõ: “Để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lào đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến tài chính ngân hàng và đã triển khai một số gói cho vay lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết: "Ngay khi Lào ban hành Quyết định số 238/BOL ngày 26/3/2020 về chính sách tín dụng nhằm giải quyết ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, LaoVietBank đã thực hiện rà soát những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID- 19. Cụ thể là: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc/lãi cho khách hàng; đối với khách hàng thực hiện trả nợ đúng hạn, không phát sinh lãi quá hạn, lãi treo sẽ xem xét giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID 19 từ 0,5%-1,5%/năm…”

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến xoay quanh những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào như: Chính sách thuế, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, hỗ trợ của ngân hàng Việt cho doanh nghiệp Việt; tỷ giá ngoại tệ... Đồng thời, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị như: Chính phủ Lào nên nghiên cứu nới lỏng cho người lao động Việt Nam được nhập cảnh và cách ly tại doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn về vận chuyển hàng hóa; tuân thủ hợp đồng đã ký; các ngân hàng có chính sách đổi ngoại tệ cho người lao động và doanh nghiệp…

Thu Phương (Pv TTXVN tại Viêng Chăn)
Hội nghị Giao thương Trực tuyến Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản
Hội nghị Giao thương Trực tuyến Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản

Cuộc giao lưu trực tuyến Việt Nam-Nhật Bản về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã được tổ chức sáng 7/7, do Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo (Tokyo SME Support Center) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN