Khu chợ Việt tại đường Sam Sen, trung tâm Băngcốc đã đông vui trở lại sau những tuần cả thủ đô của Thái Lan mất ăn mất ngủ vì lo chống lụt.
Chị Lương Thị Đông (người đội nón) và một Việt kiều bên quầy hàng bán giò chả, bánh chưng, cà phê Trung Nguyên, bánh tráng Mỹ Tho của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tiến |
Mặc dù nhiều con đê bao ngăn lũ đặt trước các cửa hàng hay công sở đến thời điểm hiện nay chưa được dỡ bỏ do lũ lụt vẫn còn hoành hành, nhưng không khí mua bán trong phiên chợ ngày 20/11 ở đây khá nhộn nhịp, rất giống với kiểu họp chợ tại các vùng nông thôn Việt Nam. Chợ họp khá sớm, thường từ 6 giờ đến 9 giờ sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, dọc Soi Sam Sen 13, cách trụ sở quốc hội và tòa nhà chính phủ Thái Lan không xa.
Hàng quán được bày bán theo kiểu thường thấy ở phố đi bộ với các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Nững gánh hàng ăn luôn có người mua dùng tại chỗ hay gói đem về nhà. Người Thái gọi đó là chợ “ban Yuon - Sam Sen”, có nghĩa là chợ trong “khu làng của người Việt ở Sam Sen”.
Bên gánh hàng ăn của con gái, cô Nguyễn Thị Cần (tên Thái là Sukanya Charoenmit) cho biết cô sinh ra tại đất Thái, khi trước cô phải bán vải, bán áo quần hoặc chạy chợ để kiếm sống. Nói bằng tiếng Việt thỉnh thoảng xen với tiếng Thái, cô Cần cho biết: “Gánh hàng ăn của con cô bán dồi lợn, mì cạthị (mì xào với nước dừa), pòpía xột (nem cuốn với rau thịt) ăn cùng nước chấm”.
Có quầy bán nhiều món ăn Việt ở gần giữa xóm chợ, chị Lương Thị Đông (tên Thái là Noolek, 44 tuổi) cho biết: “Hằng ngày tôi bán giò, lạp xường, nem chua, bánh chưng, bánh đa nem và cà phê Trung Nguyên. Trong đó bánh tráng Mỹ Tho và cà phê được đặt mua từ Việt Nam.”
Chị Đông, đã bán hàng được 20 năm rồi, nói khách đến mua hàng khá đông có cả “người Thái và cả người Việt đến mua nhiều lắm”. Riêng nhà chị có thể bán được 100 kg giò và vài chục chiếc bánh chưng mỗi ngày tại khu chợ mang đậm sắc màu Việt Nam này.
Là một trong số khách đến chợ mua hàng, chị Việt kiều Đoàn Thị Huấn cho hay: “Các món ăn của Việt Nam tôi đều thích hết. Đó là giò, nem, chả, bánh cuốn… tất cả mọi thứ.” Cũng có những món ăn do chính người Thái gốc Việt ở đây tự làm nhưng giò chả và nhiều thực phẩm khác là do bà con Việt kiều tại vùng đông bắc Thái làm và mang về bỏ mối.
Thú vị biết bao khi thấy tại giữa trung tâm Băngcốc hoa lệ với những xa lộ tầng chồng chất đan xen, xe hơi nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm mà vẫn có một phiên chợ đặc trưng như thế. Điều hứng thú bất ngờ này khiến cho bất kỳ ai tới thăm hay thưởng thức món ăn đều không phải ca thán vì đã mất công đến đây.
Chợ này có từ hàng trăm năm nay, có thể từ ngày những người Việt đầu tiên tha hương sang đây lập làng và vẫn tồn tại tại thủ đô nước Thái đến bây giờ, cho dù cũng có nhiều người rời khỏi khu làng đó đến sống ở nơi khác. Vào thăm nơi sinh sống của bà con người Việt nằm kề bên sông Chao Phraya, con sông chính chảy qua Băngcốc, tôi thật sự xúc động khi nhiều người nói về Bác Hồ với tấm lòng trân trọng, mặc dù hiện còn rất ít người có thể nói sõi tiếng Việt.
Khoảng tháng 7/1928, khi Bác Hồ từ châu Âu về hoạt động, để tránh sự truy bắt của quân Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tìm đường sang Thái Lan và sống cùng cộng đồng người Việt dọc bờ sông Chao Phraya này nhiều ngày trước khi đến vùng đông bắc Thái Lan chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Ngọc Tiến (P/v TTXVN tại Thái Lan)