Quần thể Trung tâm thương mại Taganskyi Ryad ở thành phố Yekaterinburg, thủ phủ tỉnh Sverdlov, được xem là chợ bán buôn chủ chốt của toàn vùng Urals song trong bối cảnh kinh tế Nga khủng khoảng, lượng khách mua hàng đã kém hẳn so với thời kỳ hoàng kim trước đây.
Mải tập trung "tiếp thị", bán hàng cho một khách hàng bản địa song chị Nguyễn Thị Thu Quyên quê ở Kim Thành, Hải Dương sang Nga năm 1998, cũng dành cho chúng tôi vài phút trải lòng. Chị Quyên cho biết: "Thực ra tôi không được may mắn vì sang tháng 5/1998 thì đến tháng 8/1998 nước Nga khủng hoảng đồng rúp Nga mất giá. Trong hơn 10 năm sống ở nước Nga chúng tôi đã trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau, thăng trầm đều có. Ví dụ như những năm chúng tôi chưa có quầy bán hàng ở trong siêu thị như thế này và phải bán ở ngoài trời thì rất vất vả vì khí hậu khắc nghiệt, lạnh tới hơn âm 30 độ".
Chị Vương Anh Thư và chị Lê Thị Mai Vàng, kể về cuộc sống vất vả của mình. |
Chị Quyên cho biết thêm: "Gần đây mấy năm vừa rồi làm ăn quá khó khăn. Hàng lấy về nhiều nhưng không bán được. Năm 2015 đến giờ lại trượt đô la thêm một lần nữa. Đợt này không trượt nhiều như năm 1998 nhưng lại khó khăn hơn năm 1998 vì hàng hóa gần như không bán được. Nhất là những tháng như dịp Tết Dương lịch vừa rồi triền miên không mở hàng. Chúng tôi cứ đùa nhau là cố thở bình ô xy để sống trụ lại nước Nga".
Cũng như bao người bán hàng khác, từ khi trời còn chưa sáng, chị Bùi Thị Hoa Lư, quê Đông Anh, Hà Nội, sang Liên Xô năm 1988, đã rời nhà đến chợ để kịp mở quầy trước 6 giờ sáng đón những người đầu tiên từ tỉnh xa tới lấy hàng. Chị cho biết: "Đến nay tôi đã ở Nga 28 năm, sinh sống và buôn bán ở Yekaterinburg. Cũng vì kinh tế gia đình Việt Nam khó khăn, tôi ở lại bên này để tiếp tục làm ăn. Nước Nga hiện cũng khó khăn lắm, nhưng cũng phải cố gắng vì con em".
Xưởng may Công ty "Maksimum Pro" ở thành phố Asbest |
Chị Vương Anh Thư, sang Nga từ năm 1989, đã kinh doanh nhiều mặt hàng cho biết: "Khi bắt đầu đi chợ mình đứng bán hàng ngoài đường, vắt mấy cái áo ở tay. Mọi người đi qua thì mua. Sau này có chợ, bán hàng thì trải bao tải xuống đất, rồi bày hàng ra bao tải. Sau đó có các trung tâm thương mại thì mua chỗ rồi kinh doanh. Giờ mình làm dịch vụ, giúp mọi người lấy hàng trên Moskva về đây để bán". Đề cập tới cuộc sống của mình, chị Anh Thư nói thêm: "Cuộc sống nó cũng có những lúc tuyệt vọng lắm nhưng vẫn phải cố bởi con nó còn đang học dở dang không thể một lúc bốc hết cả nhà đi về được".
Chị Lê Thị Mai Vàng, quê Hưng Yên bán hàng "mode" cho phụ nữ đã được 5 năm thì cho biết: "Nói chung hàng này bán khó, bởi nó là mode mà nên mình phải phân tích tất cả mọi cái để người ta vừa lòng và lấy hàng, chứ không phải cứ treo là bán được. Có khi nói nhiều người ta cũng không mua, chẳng biết làm thế nào. Có khi họ thử hàng chục bộ, nhưng cuối cùng không mua bộ nào vì lúc hỏi ra họ bảo không có tiền. Nói chung vì bây giờ khó khăn nên dân Nga cũng không có tiền đáp ứng hết nhu cầu về quần áo nữa".
Do một phần không nhỏ người Việt sang Nga kiếm tiền làm việc tại các xưởng may, chúng tôi đã tới xưởng may Công ty "Maksimum Pro" nằm ở thành phố Asbest, cách Yekaterinburg khoảng 86 km để tìm hiểu công việc của các công nhân nữ ở đây.
Chị Mai Thị Luyến, 34 tuổi, quê Hưng Yên, sang Nga làm công nhân xưởng may đã 2 năm cho biết: "Bọn em làm việc thường 1 ca là 8 tiếng. Còn nếu có thay đổi thì làm thêm 2 tiếng. Tuy tăng ca vất vả những bọn em cũng có thêm thu nhập, đồng lương cũng khá hơn một chút".
Chị Lê Thị Hóa, 41 tuổi, người Hưng Yên, sang Nga đã gần 3 năm, cho biết: "Tôi sang đây mục đích là để làm kinh tế. Hai vợ chồng 1 người về, 1 người ở. Tôi đang suy nghĩ làm thêm 1 năm nữa để kiếm thu nhập cho gia đình. Nói chung là nhớ chồng, con, cứ buồn khóc suốt. Nhiều khi cũng nghĩ là muốn về để đoàn tụ gia đình, nhưng lại cố ở lại kiếm tiền để có một chút vốn về làm ăn”.
Những người phụ nữ chúng tôi gặp mỗi người một hoàn cảnh, tuy nhiên điểm chung ở họ là chăm chỉ, cần cù làm kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình cũng chăm lo cho con cái.