“Mỗi lần tôi được người ta liên hệ, báo về một người đã mất, tôi chỉ thốt ra được hai từ: ‘Tại sao?’, ‘Lại nữa sao?’,” ni sư Thích Tâm Trí - Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản – trả lời phóng viên hãng tin Reuters. Bà cũng là người trong suốt 20 năm qua tận tâm vun đắp cho đời sống tâm linh của các người Việt Nam tại Nhật Bản.
“Những người trẻ tuổi…sống trong cảnh nghèo đói tại những vùng quê hẻo lánh và cha mẹ họ thì vất vả. Họ muốn đến Nhật Bản làm việc chăm chỉ. Họ có ước mơ. Nhưng đột ngột họ qua đời”, ni sư Thích Tâm Trí chia sẻ.
Rất nhiều người trong số 140 cái tên Việt Nam trên bàn thờ kia đến Nhật Bản qua một chương trình “đào tạo kỹ thuật”. Những người khác thì là du học sinh đến đây làm các công việc nửa thời gian (part-time).
Ni sư Thích Tâm Trí cho biết rất nhiều người mà bà cầu siêu qua đời vì bệnh liên quan đến căng thẳng. Những người khác mất vì tai nạn, trong khi một số khác thì tự tử.
“Gia đình những người này ở quê đặt hy vọng vào họ. Họ tự hào, khoe con gái con trai mình làm việc với hàng xóm. Họ luôn có hy vọng. Nhưng thay vào đó, họ chỉ nhận lại thi thể con mình, tấm bài vị và một vài bức ảnh”.
Nguyen Thi T. qua đời vì căn bệnh viêm màng não khi đang làm thực tập sinh trong một hợp tác xã nông nghiệp tại phía Bắc Nhật Bản. Cô còn chồng và hai đứa con nhỏ ở Việt Nam.
“Tôi đồng ý cho vợ đi nước ngoài vì thu nhập cao hơn một chút so với ở Việt Nam. Nếu như tôi biết quyết định của mình dẫn tới kết quả ngày hôm nay, tôi không bao giờ để cô ấy đi làm việc như thế”, chồng Trang – anh Vu Ngoc Th. chia sẻ tại nhà.
Th. nói vợ anh không nhận được chế độ chăm sóc y tế đầy đủ. Người đứng đầu hợp tác xã nơi Trang làm việc - bà Toshimi Matsubayashi nói chị T. được đưa tới bệnh viện ngay khi phát hiện ra ốm và tổ chức đã trả tiền viện phí.
Hấp dẫn bởi lời hứa hẹn lương cao, người Việt Nam là nhóm người nước ngoài có số lượng tăng nhanh nhất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, để sang được đất nước Mặt Trời mọc, họ phải chấp thuận gánh một số nợ khổng lồ từ các nhà tuyển dụng. Từ 1/4, hệ thống luật mới được áp dụng cho phép nhiều lao động nước ngoài hơn vào làm việc nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân công tại Nhật Bản. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về chương trình thị thực mới khi có quá nhiều vấn đề với hệ thống thực tập sinh hiện hành như làm quá giờ, lương không được trả đủ và quấy rối tình dục.
Chương trình thị thực mới dành cho thực tập sinh kỹ thuật được cho là sẽ thu nhận khoảng 345.000 lao động làm việc tại Nhật Bản trong vòng 5 năm ở 14 lĩnh vực do khan hiếm lao động trong nước.
Theo ni sư Thích Tâm Trí, nếu điều kiện trong hệ thống thị thực mới tốt, rất có thể sẽ xuất hiện làn sóng công nhân Việt Nam đến Nhật Bản tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Có những thực tập sinh làm việc chăm chỉ trong 3 năm và quay trở lại Việt Nam, họ xây được nhà mới khang trang. Đó là một tin tốt. Thế giới ngày càng trở nên không có rào cản. Điều quan trọng trong mối quan hệ giữa người với người là là vượt qua ranh giới tôn giáo, văn hóa và chú tâm vào tình yêu thương.”, ni sư Thích Tâm Trí cho hay.