Ma Cao: Cánh cửa vẫn mở với lao động Việt Nam

Sau khi chính quyền Đặc khu hành chính Ma Cao của Trung Quốc ban hành chính sách thắt chặt quản lý lao động, không cấp visa cửa khẩu cho du khách Việt Nam (từ ngày 1/7/2010), cánh cửa vào thị trường Ma Cao tưởng như đã khép lại với lao động Việt Nam.


Trước tình hình này, các công ty môi giới lao động Ma Cao đã tìm tòi, áp dụng một số hình thức tuyển dụng mới khá hiệu quả, nhờ đó lượng lao động Việt Nam vào thị trường Ma Cao trong mấy tháng cuối năm 2010 đã bắt đầu hồi phục.

Áp dụng hình thức tuyển dụng mới

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phùng Văn Vĩ (Feng wen wei), Giám đốc Công ty tuyển dụng lao động Áo Lợi (Ao li), vui mừng thông báo giai đoạn khó khăn đã qua, việc tuyển dụng lao động Việt Nam của công ty đã khôi phục gần như trước đây. Trong 3 tháng cuối năm, công ty đã tuyển được gần 100 lao động từ Việt Nam sang.

Giờ học kỹ năng giúp việc gia đình của lao động Việt Nam tại Trung tâm đào tạo của Công ty Thuận Đức.


Theo quy định nhập cảnh mới của chính quyền Ma Cao, lao động Việt Nam phải xin visa vào Ma Cao tại Hà Nội. Để làm được điều này, người lao động Việt Nam phải được chủ lao động người Ma Cao bảo lãnh.


Trước tình hình này, Áo Lợi đã áp dụng hình thức tuyển dụng qua mạng. Họ đặt lịch, mời chủ lao động đến công ty để tiến hành phỏng vấn trực tuyến qua mạng Internet đối tượng tuyển dụng tại Việt Nam. Nếu đồng ý, chủ lao động sẽ ký hợp đồng tuyển dụng lao động với công ty môi giới và bảo lãnh visa cho đối tượng được tuyển dụng. Sau đó, hồ sơ người lao động, cùng bảo lãnh visa của chủ lao động, được gửi trở lại Việt Nam để làm thủ tục xin visa cho lao động Việt Nam vào Ma Cao.

Bên cạnh đó, một số công ty môi giới, điển hình là Công ty tuyển dụng hải ngoại Thuận Đức (Shun de), đã mở một trung tâm đào tạo lao động cho riêng người Việt Nam tại thành phố Chu Hải (Trung Quốc), giáp với Ma Cao.


Các công ty tuyển dụng Việt Nam, sau khi tuyển được lao động và đạo tạo cơ bản trong nước khoảng 1 tháng, tiến hành làm thủ tục xin visa vào Trung Quốc cho các lao động Việt Nam và đưa họ đến trung tâm này để tiếp tục đào tạo các kỹ năng cần thiết cũng như học tiếng Quảng Đông cơ bản, phong tục tập quán của người bản xứ… Thời gian đào tạo khoảng trên dưới một tháng. Khi khóa đào tạo kết thúc, công ty Thuận Đức đưa các chủ lao động Ma Cao đến trung tâm tại Chu Hải để họ trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng lao động Việt Nam.

Ông Viên Hải Quân, Giám đốc Công ty Thuận Đức cho biết, hình thức phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp này được các chủ lao động Ma Cao ưa thích hơn, bởi ngoài việc phỏng vấn trực tiếp, chủ lao động còn có thể tận mắt chứng kiến, kiểm tra các kỹ năng của lao động, đồng thời còn có thể trò chuyện thoải mái để hai bên hiểu biết thêm về nhau. Tuy nhiên, hình thức này cũng đòi hỏi cả đơn vị tuyển dụng phía Việt Nam, công ty môi giới lao động Ma Cao và người lao động tốn nhiều công sức hơn.

Hình thức phỏng vấn tuyển dụng qua mạng giúp giảm bớt thời gian và chi phí, song vẫn có mặt trái. Trong quá trình phỏng vấn qua mạng, người lao động dễ dàng nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài để trả lời các câu hỏi của chủ thuê lao động và vượt qua bài phỏng vấn.


Ông Phùng Văn Vĩ cho biết, đã có một vài trường hợp người lao động Việt Nam được tuyển dụng qua mạng, song khi sang Ma Cao lại không đạt yêu cầu; công việc và cuộc sống của họ vì thế hết sức khó khăn. Giám đốc Phùng cũng kiến nghị phía Việt Nam có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn công tác tuyển dụng của các công ty tuyển dụng lao động trong nước, đảm bảo chất lượng lao động Việt Nam trước khi vào thị trường Ma Cao.

Tiềm năng còn nhiều

Theo nhận xét của ông Âu Dương Quảng Cầu (Ou yang Guangqiu), Chủ tịch Hiệp hội môi giới tuyển dụng lao động nước ngoài Ma Cao, nhờ có chính sách thắt chặt quản lý lao động nước ngoài, tình hình hỗn loạn trong lao động Việt Nam tại Ma Cao đã giảm đáng kể.


Trước đây, đa phần lao động Việt Nam vào thị trường Ma Cao tự do, tự ký kết hợp đồng với chủ lao động nên nhiều trường hợp quyền lợi không được đảm bảo. Hiện nay, tuy thủ tục vào Ma Cao chặt chẽ hơn, công tác tuyển dụng lao động người Việt Nam khó khăn hơn, song lại chắc chắn hơn, quyền lợi của người lao động được bảo đảm hơn. Trong thời gian qua, số lao động Việt Nam bị chủ lao động trả lại hầu như không đáng kể.

Theo ước tính, hiện có hơn 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại Ma Cao, đứng thứ 2 (sau Trung Quốc lục địa) trong số lao động bên ngoài tại Ma Cao. Lao động Việt Nam nhìn chung được đánh giá là cần cù chịu khó, song ngôn ngữ cũng như các kỹ năng khác lại kém lao động đến từ Trung Quốc, Philíppin hay Inđônêxia.


Các công ty môi giới lao động cho biết, chủ thuê lao động cơ bản thích tuyển dụng lao động Việt Nam hơn bởi ngoài tính cần cù, lao động Việt Nam ít yêu sách hơn, phong tục, tín ngưỡng và văn hóa cũng tương đồng hơn, phù hợp làm giúp việc trong gia đình họ hơn so với lao động Philíppin và Inđônêxia.

Ông Âu Dương Quảng Cầu cho biết, Hiệp hội môi giới tuyển dụng lao động nước ngoài Ma Cao đang nỗ lực tác động chính quyền Ma Cao để giảm bớt những hạn chế nhập cảnh đối với lao động Việt Nam cũng như tăng lương tối thiểu cho người lao động giúp việc gia đình.


Hiện nay, giai đoạn khó khăn đã qua, hy vọng cả phía Việt Nam cũng như phía Ma Cao sẽ có sự phối hợp tốt hơn để công tác tuyển dụng đạt hiệu quả cao, quyền lợi của người lao động được đảm bảo và nâng cao hơn nữa.

Theo ông Phùng Văn Vĩ, nhu cầu lao động giúp việc gia đình tại thị trường Ma Cao còn rất lớn. Để chuẩn bị cho lâu dài, công ty Áo Lợi sẽ cử nhân viên sang Việt Nam làm việc cụ thể với các đối tác, nhất là trong công tác đào tạo lao động, đảm bảo chất lượng cũng như tính ổn định của nguồn lao động Việt Nam vào Ma Cao.

Thành Dương
(P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN