Thành phố mát mẻ và yên bình này là khu nghỉ dưỡng tắm bùn và tắm bồn truyền thống từ thời Sa hoàng và cũng là trung tâm của Khu vực Liên bang Bắc Kavkaz. Trong nhóm các khu nghỉ dưỡng nước khoáng ở Kavkaz, Pyatigorsk có nguồn tài nguyên chữa bệnh tự nhiên đa dạng nhất. Ở đây có hơn 40 suối khoáng, khác biệt về thành phần hóa học và nhiệt độ khiến cho thành phố luôn chật kín du khách ngay cả khi trái mùa.
Cộng đồng người Việt Nam ở Pyatigorsk bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước, đầu tiên có lẽ là những sinh viên Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk, nay là Đại học tổng hợp Quốc gia Pyatigorsk. Giai đoạn cộng đồng người Việt ở Pyatigorsk bắt đầu lớn mạnh là vào những năm 1995-1996, khi hình thành khu chợ khổng lồ Lira nơi hiện có đại bộ phận người Việt làm ăn buôn bán.
Thời kì phát đạt nhất, ở Pyatigorsk và thành phố Min Vody lân cận có hơn 2.000 người Việt Nam sinh sống, song đến nay chỉ còn khoảng 500 người. Pyatigorsk dịch ra tiếng Nga có nghĩa là “năm ngọn núi”, và có phải với ý nghĩa này hay không mà người Việt ở Pyatigorsk gọi thành phố của mình là “phố núi”.
Tuy nhiên những lần tới nơi đây, tôi đều cảm nhận được sự chân thật, và nhiệt tình từ những người đồng bào “phố núi” của mình. Ở gần Pyatigorsk có đỉnh núi Elbrus cao nhất châu Âu. Đương nhiên nhiều người đến đây đều mơ ước được một lần cưỡi mây vả cảm nhận nhiệt độ giá lạnh trên đỉnh Elbrus.
Nhưng đối với những người Việt ở Pyatigorsk, họ có lẽ không còn nhiều đam mê với Elburs bởi như một người Việt ở đây kể năm nào anh cũng vài lần bỏ việc chợ để đưa những người bà con của mình tới Elbrus. Chính sự gần gũi của những người Việt nơi đây nên tôi đã có dịp thưởng thức món gà đồi Pyatigorsk khó quên, vốn nổi tiếng trong cộng đồng người Việt đông đảo ở Moskva.
Đã từ lâu, cộng đồng người Việt sống ở thủ đô Moskva biết đến món gà đồi trứ danh từ Pyatigorsk. Loại gà này, khi đã giết thịt, làm lông và đóng hộp xốp vận chuyển lên Moskva có giá thành lên tới 1400 ruble/con, cao hơn rất nhiều so với giá gà bình thường chỉ vài trăm ruble bán ở các chợ của Moskva.
Tới Pyatigorsk, tôi cũng có cơ hội trực tiếp tiếp xúc với gia đình anh chị Tam - Thắm chuyên vận chuyển gà đồi và dê lên Moskva tiêu thụ. Tuy nhiên thú vị nhất vẫn là có thể thưởng thức món gà đồi ở ngay chính quê hương của nó.
Câu chuyện chuyển sang gia đình nhà anh chị Ánh - Hà, người Quảng Bình. Ở Pyatigorsk, đông đảo nhất trong cộng đồng người Việt ở đây là những người quê Quảng Bình. Anh Ánh là một người con Quảng Bình kỳ cựu tại Pyatigorsk, anh đến vùng đất này làm ăn từ năm 1996. Gia đình anh nay đã có một khu cơ ngơi bề thế ngay cạnh chợ Lira.
Anh Ánh cho biết gà chủ yếu được mua từ chợ họp bên đường hai tuần một lần do người bản địa đem tới bán. Theo lời kể của anh, nếu như người ta thường chọn mua những con gà to thì anh chị lại tìm mua những chú gà cân nặng vừa phải và nhỏ để đem về nhốt ăn dần.
Tới thăm chuồng nhốt gà của anh chị, tôi mới hiểu rõ hàm ý lời kể này. Hóa ra trong chuồng nhà anh chị nuôi rất nhiều gà tre, gà đen, gà sao và những loại gà đồi khác. Tổng cộng hàng chục con. Đương nhiên những loại gà này, tuy nhỏ nhưng chắc chắn thơm thịt và ngon hơn nhiều loại gà đồi được vận chuyển lên Moskva tiêu thụ.
Đây chính là nguyên liệu trứ danh để có thể làm món gà tuyệt phẩm. Nguyên liệu đã có song để có một bữa gà ngon thì công đoạn chế biến cũng rất quan trọng. Việc luộc gà phải tính toán để thịt gà vừa chính tới và không bị nhão. Với mỗi loại gà cũng cần có thời gian luộc hợp lý, ví dụ như gà sao, cần nấu lâu hơn một chút, thịt khi ăn mới mềm.
Cõ lẽ do đã quen với việc thết khách món gà nên các thành viên trong gia đình lớn nhà anh Ánh-chị Hà rất thạo làm gà cũng như chế biến gà. Từ khi đến, chỉ một loáng chúng tôi đã có thể ngồi ngoài sân vườn để thưởng thực món cháo gà đỗ xanh “bình dị” theo lời giới thiệu của anh chị. Gà sau khi làm thịt được đưa vào luộc và sau đó dùng nước luộc nấu cháo. Công đoạn chỉ đơn giản vậy xong khi vớt ra, nhìn những con gà nhỏ vừa chín tới, trong chúng tôi đã tràn đầy cảm giác ăn uống.
Quả thật hiếm có nơi nào ở nước Nga có thể ăn gà tre hay gà đen đơn giản đến vậy. Thịt gà khi đưa vào miệng mới tuyệt làm sao, nó dai vừa phải và đặc biệt là rất ngọt. Trong đời có lẽ tôi chỉ được vài lần thưởng thức thịt gà ngon đến thế.
Có lẽ vì ưu ái chúng tôi là khách, chị Hà bỏ vào bát tôi nguyên cả chiếc đùi gà, sau khi chén ngon lành tôi tiếp tục làm thêm phần lườn ga. Thịt gà vừa chín tới nóng hôi hổi, xé ăn bằng tay và cùng nhâm nhi với chén rượu vodkva quả là thú vị. Tiếp đó là món cháo gà đỗ xanh với nước cháo ngọt lịm vì là nước luộc của cả mấy con gà.
Độ ngọt của nước và thịt trong cháo làm tôi liên tưởng tới bát phở “gà đi bộ” ấn tượng mà tôi được thưởng thức cách đó vài năm tại một gia đình lớn của người Việt ở thành phố Krasnodar. Không khí thoáng đãng và mát mẻ của vùng núi, hệt như Đà Lạt, vào buổi tối ở Pyatigorsk cũng khiến cho tâm hồn ăn uống càng “bay cao”.
Được ngồi cạnh những người đồng bào hiếu khách và tốt bụng, ăn món gà luộc cùng nồi cháo đỗ xanh tuyệt ngon như vậy khiến cho những vị khách như tôi cảm nhận được sự ấm cúng, chân tình mà những người đồng bào ở Pyatigorsk dành cho mình. Món gà đồi ăn tại Pyatigorsk quả thực ngon, song có lẽ bữa ăn “đơn giản” hôm đó của anh chị Ánh - Hà thực sự còn lưu lại nhiều điều khó quên hơn.