Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam Châu Văn Chi đã tóm tắt hoạt động của Hội năm 2018. Nhìn chung, trong năm 2018, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở Campuchia cơ bản ổn định, tình hình bà con cộng đồng người Việt đi lại, làm ăn, sinh sống bình thường, nhiều bà con ở thành thị làm ăn, kinh doanh, sản xuất tốt.
Tuy nhiên, số bà con Việt kiều sinh sống dọc theo sông Mekong và đặc biệt ở Biển Hồ gặp nhiều khó khăn, một phần do bị ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ lụt, hỏa hoạn...
Trong năm 2018, Ban Thường trực, Ban Thường vụ Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức các hoạt động nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển cơ cấu tổ chức Hội như tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2018); Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (1988-2018); Ra mắt Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Koh Pich (Cộ Pích).
Hội cũng đã triển khai cho cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ Chi, Phân hội phối hợp và hỗ trợ các Tổ công tác tăng cường, các Tổ công tác của Bộ Nội vụ Campuchia khi đến tiến hành công tác đăng ký và đóng phí ngoại kiều.
Dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2018 cũng nêu rõ những mặt tồn tại, khó khăn và thuận lợi. Đa số bà con người gốc Việt còn nghèo, trình độ văn hóa, học vấn cả Campuchia và Việt Nam còn rất hạn chế. Mặc dù đa số bà con người Việt đã đi đăng ký ngoại kiều nhưng nhìn chung địa vị pháp lý, tư cách công dân chưa rõ ràng là nguyên nhân lớn nhất của những yếu kém của cả cộng đồng nói chung, cũng như của tổ chức hội nói riêng.
Tuy nhiên, Tổ chức Hội và bà con cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc, các bộ ngành, các tỉnh, thành trong nước.
Dự kiến, trong năm 2019, Hội tiếp tục bồi dưỡng năng lực công tác cho bà con tham gia công tác Hội các cấp, nhất là về kỹ năng tổ chức, vận động cộng đồng; nắm chắc tình hình bà con cộng đồng người Việt ở Campuchia, đặc biệt là tình hình bà con ở khu vực tỉnh Kampong Chhnang nói riêng, ở cả 5 tỉnh giáp Biển Hồ nói chung; theo dõi, đánh giá chủ trương, chính sách của Chính phủ Campuchia trong việc đăng ký ngoại kiều và xin nhập quốc tịch Khmer. Hội sẽ củng cố, kiện toàn lại Ban Chấp hành, ban Thường trực Hội theo Điều lệ mới của Hội.
Phát biểu tại cuộc họp, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam Lại Xuân Chiến đánh giá đây là một cuộc thảo luận dân chủ, đáng khích lệ với những phản hồi thẳng thắng của Chủ tịch Hội với các ý kiến đóng góp cho bản tổng kết hoạt động.
Công sứ cho rằng việc Campuchia phê chuẩn điều lệ, logo Hội là một thành quả to lớn. Công tác phát triển nguồn nhân lực, văn hóa giáo dục của Hội có nhiều tiến bộ, nhất là việc xin học bổng cho con em Việt kiều về học tại Việt Nam.
Kết thúc cuộc họp, Ban chấp hành Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia đã ra nghị quyết ghi nhận các ý kiến đóng góp và thông qua báo cáo tổng kết công tác Hội năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019; thông qua báo cáo tài chính năm 2018; bãi miễn 3 ủy viên Ban chấp hành và bầu bổ sung 12 thành viên Ban chấp hành, thông qua danh sách Ban chấp hành các Hội thành viên của Hội Khmer - Việt Nam.