Campuchia cho phép Hội Khmer – Việt Nam vào danh sách hội của Bộ Nội vụ

Theo phóng viên TTXVN tại Phnôm Pênh, Bộ Nội vụ Campuchia ban hành quyết định cho phép "Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia" (KVA) đăng kí vào danh sách hội của Bộ Nội vụ Campuchia, thay thế cho tên cũ là “Hội Liên hiệp Khmer – Việt Nam tại Vương quốc Campuchia”, được thành lập từ năm 2003.

Đại sứ Vũ Quang Minh (áo vest đen) chụp ảnh lưu niệm với đại diện các ban và chi hội của Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia tại lễ trao con dấu mới của Bộ Nội vụ Campuchia cấp cho các ban và chi hội thành viên. Ảnh: Nhóm P/v TTXVN thường trú tại Campuchia

Theo quyết định ban hành ngày 9/5 trên, Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia phải hoạt động theo Luật Hội và Tổ chức phi chính phủ, các văn bản pháp quy hiện hành và điều lệ của hội như đã lưu giữ tại Bộ Nội vụ, không được phân biệt, kỳ thị chủng tộc, màu da, giới tính hoặc tôn giáo. Kèm theo quyết định trên là Điều lệ của hội gồm 39 điều đã được lưu trữ tại cơ quan chức năng Campuchia theo luật định. Theo điều lệ trên, hội có mục đích tập hợp bà con Khmer gốc Việt Nam và bà con người Việt Nam là nhà đầu tư, người làm ăn, sinh sống hợp pháp ở Vương quốc Campuchia để cùng nhau đoàn kết, nâng cao đời sống ngày càng tốt hơn.

Mục tiêu của hội là ủng hộ tinh thần và vật chất, tuyên truyền về phong tục tập quán, truyền thống dân tộc Khmer và luật pháp hiện hành của Vương quốc Campuchia cho các hội viên; đồng thời thúc đẩy, nâng cao đời sống thông qua việc hỗ trợ vật chất, tiền bạc cho những người dân nói chung gặp khó khăn, bị thiên tai hoặc bị các tai họa khác; góp phần cùng Chính phủ Vương quốc Campuchia đẩy mạnh công tác xã hội, nhân đạo và xóa nạn mù chữ.

Điều lệ nêu rõ hội có trụ sở tại thủ đô Phnom Penh, có biểu tượng và con dấu riêng. Biểu tượng là một vòng tròn giữa có trái tim hồng, vừa là chữ V cách điệu, vừa là hoa văn truyền thống của văn hóa Khmer, với ngôi sao năm cánh, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết và tình yêu thương của cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia.

Về cơ cấu tổ chức, Hội nghị là cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội, dưới đó là Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Ngoài các đơn vị giúp việc, hội có 6 ban trực thuộc gồm Ban Văn hóa giáo dục, Ban Doanh nhân, Ban Thầy thuốc tình nguyện, Ban Thanh niên, Ban Phụ nữ và Ban Người cao tuổi, cùng các chi nhánh tại 25 tỉnh, thành của Campuchia.

Ngày 16/6, lãnh đạo hội đã tổ chức lễ trao con dấu mới cho các ban và các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch hội Châu Văn Chi nhấn mạnh Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia hoạt động theo bản sắc là trung lập, không tìm kiếm lợi nhuận, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt xu hướng chính trị, không làm chính trị, không làm công cụ của đảng phái chính trị, …, tức hội chỉ phục vụ lợi ích của các thành viên của mình.

Cũng phát biểu nhân dịp này, Đại sứ nước ta tại Campuchia Vũ Quang Minh nhấn mạnh việc Bộ Nội vụ Campuchia chính thức đưa Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia vào danh sách các hội được phép thành lập và hoạt động tại Vương quốc Campuchia theo Luật mới về hội và các tổ chức phi chính phủ năm 2015 là một tin vui đối với cộng đồng người Việt tại Campuchia – một trong những bộ phận không thể tách rời với của nhân dân và dân tộc Việt Nam.

Đại sứ bày tỏ tin tưởng với truyền thống hoạt động của hội trong 30 năm qua, với tư cách pháp nhân và cơ cấu tổ chức có những điểm mới, được chính quyền Campuchia công nhận, hội sẽ tiếp tục có những hoạt động tích cực, hữu ích cho cộng đồng cũng như xã hội Campuchia, góp phần xứng đáng vào việc tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa Campuchia và Việt Nam.

TTXVN/Báo Tin tức
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 24/5, tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa trường Đại học Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang) và trường Đại học Chea Sim Kamchaymear của Campuchia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN