Hai bên đường những cát là cát. Con đường nhựa đen chạy xuyên qua sa mạc, lúc băng qua bình nguyên như không có chướng ngại nào, lúc chạy ngoằn nghèo quanh các đụn cát. Hai bên chỉ thấy bóng những giàn khoan đen sì lởm chởm trên nền trời đang rạng và những cột khói đen đốt khí đồng hành. Nhộn nhịp hơn là ở những nơi giàn khoan đang được lắp đặt, với xe chở nước ngọt, thực phẩm, máy phát điện... Càng vào sâu trong sa mạc, đường càng xấu, nhiều đoạn gần như không thấy mặt đường và chỉ nhận biết được nhờ dải cát được xe ủi hất sang hai vệ đường như taluy. Lâu lâu mới gặp xe của các công ty dầu khí chạy ngược lại. Và cả những chú lạc đà, chủ nhân thực sự của sa mạc.
Phải mất khoảng 3 giờ chúng tôi mới đến nơi. Theo hướng chỉ tay của anh bạn Đón Tết sớm với cán bộ dầu khí Việt Nam tại Angiêri lái xe, bóng giàn khoan của Việt Nam lừng lững trên nền trời xanh. Giàn khoan của PV Drilling Algeria nằm cách thành phố Hassi Messaoud khoảng 130 km, gần biên giới Tuynidi. Cơ sở lớn như vậy mà chỉ giống như hạt cát trong sa mạc. Giàn của ta, theo Giám đốc PV Drilling Algeria Nguyễn Công Đoàn, thuộc loại lớn nhất ở đây, có thể khoan sâu hơn 4.000 mét.
"Khu đô thị PV Drilling Algeria", như anh em vẫn nói vui với nhau, thực sự là một "ốc đảo" trong sa mạc. Máy chạy ầm ầm. Tổ máy phát điện, theo kỹ sư Đỗ Quang Lâm, đủ sức cấp điện cho cả thành phố Hassi Messaoud với khoảng 70.000 dân. Ở đây cái gì cũng gắn với côngtennơ: Ăn trong côngtennơ, ngủ trong côngtennơ, sinh hoạt trong côngtennơ, làm việc trong côngtennơ. Những dãy "biệt thự" côngtennơ, cứ hai căn hộ/chiếc, dùng để sống và làm việc ở nơi ngày nóng đêm lạnh này, nhưng cũng đầy đủ tiện nghi tối thiểu. Xúc động hơn là khi chúng tôi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc, niềm tự hào của người Việt Nam, tung bay giữa sa mạc Sahara, bên cạnh quốc kỳ nước bạn. Giám đốc Nguyễn Công Đoàn cho biết, cuộc sống ở đây tuy vất vả, nhưng anh em vẫn hoàn thành tốt công việc cũng như tổ chức tốt cuộc sống.
Anh em kỹ sư Việt Nam ở đây đã được 5 năm. PV Drilling Vietnam cử sang đây những kỹ sư và chuyên gia giỏi của mình, có bằng cấp chuyên môn được quốc tế công nhận. Dù ở vị trí công tác nào, các kỹ sư Việt Nam cũng xác định làm việc ở đây là màu cờ sắc áo. Trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết, yêu nghề, có kỷ luật và trách nhiệm. Đó là nhận xét của ông Mahfoud Hosne Eddine, đồng Trưởng phòng an toàn - Môi trường của PV Drilling Algeria, về các kỹ sư Việt Nam.
Khi chúng tôi đến, công ty đang chuẩn bị cho anh em đón Tết. Các kỹ sư Việt Nam rất phấn khởi trong không khí đón xuân đặc biệt này. Anh Đỗ Quang Lâm, phụ trách bộ phận thương mại và hậu cần của PV Drilling Algeria, nhỏ nhẹ: "Sắp đến Năm Mới, mọi người trong dự án đều cuốn theo công việc. Do đó, nỗi nhớ nhà cũng vơi đi phần nào. Hơn nữa, ai cũng tự hào được góp phần làm giàu cho Tổ quốc". Năm nay ba chục tuổi và mới cưới vợ, anh Lâm không có điều kiện về sum họp gia đình đầu xuân. Ngừng giây lát như để nén nỗi xúc động, anh cười hiền: "Sau cái Tết xa nhà, cái Tết sum họp với gia đình sẽ vui gấp đôi và bù lại được cái nhớ của năm nay".
Người trẻ nhất và "mới" nhất của PV Drilling Algeria là anh Đỗ Ngọc Thắng, kế toán, mới 23 tuổi và mới sang Angiêri được 3 ngày. Ngay tại bàn ăn đón Tết sớm, anh Thắng cho biết đây là lần đầu tiên anh ăn Tết xa nhà. Anh cười hồn nhiên: "So với Tết ở Việt Nam chỉ thiếu mứt Tết. Em cũng hơi hơi nhớ nhà. Ở nơi có phong tục tập quán khác, không có bố mẹ, người thân trong gia đình, em cũng có cảm giác hơi buồn. Nhưng em biết có nhiều anh đã ba cái Tết không được về nhà nên em thấy cũng không có vấn đề gì".
Chia sẻ nỗi nhớ xa nhà với anh em cán bộ dầu khí, Đại sứ Việt Nam tại Angiêri Đỗ Trọng Cương đã cùng anh em đón Tết sớm trên đất bạn và tặng anh em bánh chưng xanh và trà, món quà mang hương vị quê hương và tình cảm của những người đồng bào, để anh em ăn Tết ở nơi những cát là cát này. Đại sứ chúc anh em hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời góp phần giữ gìn và vun đắp tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Việt Nam và Angiêri.
Bài và ảnh: Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)