Trận động đất vào ngày đầu năm mới tại Bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa với sức tàn phá lớn đã gây hậu quả nặng nề với người dân Nhật Bản cũng như những người Việt sinh sống tại đây.
Tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt Nam, trong đó có khoảng 600 người Việt Nam, chủ yếu là các thực tập sinh, đang làm việc tại các công ty hoặc nhà máy ở khu vực Bán đảo Noto. Với thành phần đa số là thực tập sinh, điều đó có nghĩa là những người Việt làm việc ở Bán đảo Noto hầu hết đều lần đầu tiên qua Nhật Bản và chưa có kinh nghiệm để đối phó với động đất, sóng thần.
Một nhóm các nữ thực tập sinh Việt Nam tại tỉnh Ishikawa đã kể lại kỷ niệm trong những ngày sống tại khu lánh nạn. Các em đều lần đầu tiên đến Nhật và thậm chí có em chỉ mới đến Nhật Bản được vài tháng. Cuộc sống hầu như chỉ tập trung vào công việc. Vì vậy, sau khi động đất xảy ra, các em đều lúng túng lo sợ vì không biết làm gì và đi đâu.
Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, sẽ có những người Nhật sống xung quanh đến gọi và hướng dẫn các em cùng chạy ra khu lánh nạn. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, mọi người đều ý thức nhường nhịn lẫn nhau, xếp hàng trật tự để nhận thức ăn, nước uống. Không hề có cảnh tranh giành, náo loạn. Người Nhật, người Việt, hay bất cứ quốc tịch nào, đều được đối xử bình đằng và tất cả đều ứng xử văn minh.
Nhớ lại những ngày đầu tiên sau khi xảy ra động đất, sự giúp đỡ từ gia đình của một đồng nghiệp Nhật Bản đã phần nào trấn an tinh thần của chị Hằng, giúp chị bớt cảm giác hoảng sợ vì lần đầu tiên trải qua một trận động đất mạnh ở xứ người. Chị kể rằng sau khi động đất xảy ra, chị được một đồng nghiệp người Nhật cùng công ty hỗ trợ thực phẩm, nước uống và hướng dẫn kinh nghiệm ứng phó với động đất.
Trong những ngày đầu sau động đất, dư chấn mạnh liên tục xảy ra tại thành phố Nanao, tỉnh Ishikawa, khiến chị chạy vào và chạy ra khu lánh nạn không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần như thế, chị đều đi cùng với đồng nghiệp người Nhật Bản như một thành viên trong gia đình.
Với những khu vực bị ảnh hưởng động đất như thành phố Nanao, Kanazawa…, do không phải là vùng tâm chấn nên hoạt động sớm trở lại gần như hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, ở vùng tâm chấn, vì tính chất là bán đảo nên có không ít địa điểm bị cô lập, rất khó tiếp cận.
Trong những ngày đó, những nhóm cứu trợ tình nguyện của người Việt Nam đã không nề hà nguy hiểm, tìm đường đến những nơi mà họ biết có người Việt sinh sống song đã mất liên lạc với bên ngoài từ khi xảy ra thảm họa.
Bốn ngày sau khi động đất, một nhóm tình nguyện viên Việt Nam đến được một địa điểm lánh nạn tại thị trấn Wajima và tìm thấy 7 nữ thực tập sinh Việt Nam đang trú tại đây. Khu vực này chìm trong cảnh mất điện, mất nước và thông tin liên lạc bị gián đoạn. Thiếu nước sạch, thiếu đồ ăn là điều dĩ nhiên vì lúc đó mới chỉ có hàng cứu trợ của Lực lượng phòng vệ đến được khu vực này. Thế nhưng, đối với các nữ thực tập sinh, đó chưa phải là điều đáng lo sợ nhất. Điều mà các cô gái Việt Nam hoang mang hơn cả là chưa thể liên lạc với bất cứ đầu mối người Việt Nam nào bên ngoài.
Mặc dù được những người dân địa phương bao bọc và hướng dẫn song mọi người vẫn lo sợ vì không biết phải làm gì trong tình cảnh dư chấn mạnh vẫn liên tục xảy ra. Nhìn thấy nhóm tình nguyện viên Việt Nam đầu tiên xuất hiện, các cô gái đã òa lên khóc vì vui mừng khi biết trong những ngày qua, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản cũng như nhóm tình nguyện đã rất nỗ lực tìm kiếm họ.
Không chỉ hỗ trợ người Việt, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã nhanh chóng hình thành những nhóm tình nguyện, chở hàng cứu trợ, trong đó quan trọng nhất là nước sạch, vào các khu vực lánh nạn và các địa điểm ở xa các đô thị, với mong muốn góp sức với người dân Nhật Bản trong hoàn cảnh khó khăn.
Các chuyến hàng cứu trợ do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán Osaka, cộng đồng người Việt tại các địa phương ở Nhật Bản đổ về tỉnh Ishikawa. Nhiều tài khoản mạng xã hội chính thức của người Việt tại Nhật Bản, xuất hiện lời kêu gọi tình nguyện viên tham gia các hoạt động cứu trợ tại khu vực bị động đất và được hưởng ứng mạnh mẽ.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã chủ trì việc điều phối hoạt động cứu trợ của người Việt, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực tập thể, tránh tình trạng chồng chéo và làm ảnh hưởng đến hoạt động của phía Nhật Bản. Điều này đã không chỉ làm ấm lòng những người Việt, mà còn để lại ấn tượng sâu đậm và sự cảm kích của người dân Nhật Bản dành cho cộng đồng Việt Nam.
Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa. Dân tộc Nhật Bản một lần nữa kiên cường và kỷ luật nắm tay nhau để xây dựng lại từ đổ nát. Cũng với mong muốn này, cộng đồng Việt Nam đã huy động nguồn lực, chung tay với chính phủ và người Nhật Bản để phục hồi sau động đất. Với truyền thống văn hóa của người Việt Nam cũng như dân tộc Nhật Bản, “tình người”, điều quý giá nhất, luôn được trân trọng và gìn giữ.