Đây là một trong những sự kiện khép lại một năm sôi động với các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức, với sự hỗ trợ của bà Anoa Dussol, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp nhiệm kỳ 2015 - 2018, cũng là dịp để giới thiệu tới bạn bè Pháp và bà con kiều bào những nét văn hóa đa dạng, sinh động, đầy màu sắc của đất nước và con người Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh ý nghĩa của đêm giao lưu nghệ thuật: “Sự đồng cảm về văn hóa và giao lưu nhân dân luôn là sợi dây kết nối giữa hai dân tộc, tạo nên sự phong phú, đa dạng, sôi nổi trong hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch giữa hai nước. Chính vì vậy, “văn hóa sẻ chia” đã được hai bên thống nhất lựa chọn là chủ đề của năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao”.
Theo Bộ trưởng, Tuần Văn hoá - Du lịch Việt Nam tại Pháp, với nhiều nội dung phong phú diễn ra trong những ngày qua, từ Tọa đàm du lịch “Tiềm năng và cơ hội” đến triển lãm “Sắc màu Việt Nam” giới thiệu các tác phẩm tranh lụa và sản phẩm thủ công tinh tế của các nghệ nhân Việt Nam và các chương trình nghệ thuật đậm chất dân gian nhưng mang hơi thở của sự sáng tạo đương đại, đã phản ánh đời sống văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong một tinh thần lạc quan, hứng khởi, trân trọng quá khứ, nỗ lực dựng xây, hướng tới một tương lai phồn vinh, thịnh vượng.
Ông khẳng định: "Đây là món quà tinh thần để khép lại năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tiến về phía trước với những bước phát triển sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên trên các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, thể thao và du lịch. Sang năm tới, chúng ta sẽ cùng nỗ lực để có một kỳ Olympic Paris 2024 thành công và đáng nhớ".
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thông qua nghệ thuật, đêm diễn đã chuyển tải được đến công chúng Pháp vẻ đẹp của di sản cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo di sản của Việt Nam trong thời gian qua, để những bạn bè Pháp chưa đến Việt Nam sẽ yêu thương mảnh đất này, còn những ai đến rồi thì ngưỡng mộ và muốn quay trở lại. Chương trình nghệ thuật cũng là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa. Không chỉ giúp công chúng Pháp hiểu thêm về văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các nghệ sĩ cũng đã trình bày những tác phẩm nghệ thuật Pháp thông qua nhạc cụ dân tộc Việt Nam, để thấy được tính độc đáo của văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Về phía Thượng nghị sĩ Jérémy Bacchi, ông bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy trong nửa thập kỷ qua, hai nước và hai dân tộc Pháp - Việt Nam đã duy trì được tình hữu nghị bền chặt về mọi mặt, cả về kinh tế và văn hóa. Mối quan hệ đó không ngừng được cải thiện trong suốt nửa thế kỷ.
Ông Bacchi nhấn mạnh: "Năm nay 2023 chúng ta chứng kiến nhiều hoạt động kỷ niệm mối quan hệ song phương. Tối nay tiếp tục là một sự kiện thành công nữa trong việc tổ chức các lễ kỷ niệm, qua đó góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc. Tôi nghĩ rằng nước Pháp và nhân dân Pháp đã hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam, thông qua lịch sử anh hùng của nhân dân Việt Nam cũng như sự lạc quan tuyệt vời của các bạn trong việc nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra, từ đó giúp chúng tôi nhận thấy thế giới này đẹp hơn rất nhiều".
Nhìn lại một năm với nhiều sự kiện quan trọng, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng đêm văn hóa Việt Nam tại Pháp là một trong những hoạt động nổi bật và sôi động của năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt - Pháp.
Đại sứ đánh giá: “Trong năm qua, chúng ta đã có hàng loạt hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ giao lưu văn hóa nghệ thuật mà còn về trao đổi các chuyến thăm lãnh đạo cao cấp, hàng loạt các cuộc hội thảo, các chuyên đề khác nhau về khoa học, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế… Tất cả những hoạt động đó giúp chúng ta có một năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp hết sức thành công, phản ánh được độ sâu rộng của quan hệ giữa hai nước, những tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc, nhưng đồng thời cũng là những hoạt động giúp đối tác hai bên cùng trao đổi, suy ngẫm để vươn tới những tầm cao mới trong quan hệ song phương trong thời gian tới, đưa quan hệ này ngày càng hiệu quả và sâu sắc hơn, làm cho tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền chặt hơn”.
Từ hát then, hầu đồng - những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là đại diện cho nhân loại, đến những điệu múa sôi động của các dân tộc Dao, Cao Lan, hay âm hưởng núi rừng Tây Nguyên của đàn T'rưng, những tiết mục đặc sắc do các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Bắc thể hiện trong “Đêm văn hóa Việt Nam” tại nhà hát Trianon đã mang đến cho bạn bè Pháp một ấn tượng sâu đậm về nét đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Đêm nhạc kết thúc với âm hưởng của bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” dần khép lại một năm sôi động với nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp nhưng nó cũng mở ra một giai đoạn mới với mong muốn đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới vì lợi ích của hai dân tộc.