Nâng tầm ẩm thực Việt
Giống như nhiều người Việt xa xứ khác, sau một khoảng thời gian sinh sống ở Malaysia, chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia (VMBIZ) đã cồn cào nỗi nhớ quê hương. Xa Huế, muốn tìm “vị Huế” trong bát bún bò, đĩa cơm hến hay bánh bột lọc, bánh canh, bánh bèo, bánh nậm… tự tay làm cũng khó vì không có nguyên liệu chế biến.
Tuy nhiên, phải đợi gần 3 năm sau khi chính thức sang Malaysia làm dâu, người con gái xứ Huế ấy mới tìm được những người bạn đồng điệu. Nhà hàng Little Saigon ra đời vào năm 2001, chuyên về đồ ăn Huế. Nhưng trong một không gian nhỏ, Little Saigon không thỏa mãn đam mê và chí hướng của cựu nữ sinh Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng 1 năm rưỡi sau, chị Vân nhượng lại cổ phần cho bạn, mở nhà hàng Cung Đình.
“Nếu các nhà hàng Việt khi đó chỉ là 2-3 sao thì Cung Đình là 5 sao”, chị Vân tự tin đánh giá. Quả thực, khi nhắc tới Cung Đình, một số người bạn của tôi vốn có dịp du lịch Việt Nam, sau tới đó thưởng lãm vẫn ấn tượng sâu sắc. Đó không chỉ là những món ngon 3 miền của Việt Nam mà cả độ “chịu chơi” của bà chủ khi đặt hẳn một mẫu tháp Chàm nặng gần 1 tấn đưa từ Việt Nam sang đặt trước ngôi biệt thự vốn đã được thiết kế lại với nét kiến trúc đậm nét văn hóa Việt Nam.
Đầu bếp được tuyển lựa kĩ càng từ Việt Nam, thực phẩm và gia vị chính cũng được đưa từ Việt Nam sang còn những gì có thể mua được ở Malaysia, chị Vân đích thân dậy từ tờ mờ sớm đi chợ đầu mối lựa chọn nhằm đảm bảo tươi ngon. Thực đơn gần 100 món ăn của Cung Đình cũng do chị Vân soạn trên kinh nghiệm nhiều năm làm việc và quan sát thói quen, sở thích của người nước ngoài khi còn ở Việt Nam. Nhưng chưa đủ, khách hàng đến với Cung Đình còn được nghe tiếng đàn bầu da diết hay thanh âm trong trẻo của đàn tam thập lục… do chính các nghệ sỹ Việt Nam biểu diễn.
Cung Đình không còn là một nhà hàng mà trở thành không gian văn hóa Việt Nam tại Malaysia. Vì thế, Cung Đình đã trở thành điểm đến của người Việt trên địa bàn, người Việt từ trong nước sang cũng như người bản địa và người nước ngoài tới Malaysia. Với cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, khi nhắc tới chị Vân, họ luôn gắn với nhà hàng Cung Đình và cái tên “Vân Cung Đình” ra đời từ đó, tồn tại cho tới ngày nay.
Còn với chị Vân, Cung Đình “cho ta yêu một lần và mãi mãi”. Dù hiện nay, nhà hàng Cung Đình không còn nữa sau nhiều lần chuyển địa điểm vì chủ đất đòi mặt bằng, nhưng chị Vân vẫn làm những món ăn Cung Đình tại nhà theo yêu cầu để phục vụ những thực khách trung thành. Chị Vân tin rằng một ngày kia Cung Đình sẽ trở lại, vẫn mặn mà da diết, đậm đà tha thiết cho đỡ nhớ nhung những phút giây ở quê nhà.
Gắn kết sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
Cộng đồng người Việt Nam đã tồn tại ở Malaysia hàng chục năm, nhưng phần lớn là những lao động hợp đồng đơn lẻ chăm chỉ. Sự cần cù siêng năng của người Việt Nam luôn được ghi nhận, nhưng chỉ đến khi các hội đoàn người Việt Nam trên địa bàn được thành lập, sức mạnh gắn kết mới thực sự phát huy. Bắt đầu từ các hội đồng hương tới Hội Phụ Nữ, Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt và tới năm 2018 là sự ra đời của VMBIZ.
Chị Vân là một trong những người đầu tiên nêu nguyện vọng thành lập hội doanh nghiệp. Chị Vân cũng là người trực tiếp soạn thảo tôn chỉ và nguyên tắc hoạt động của hội. Với sự giúp đỡ nhiệt thành từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, năm 2018, VMBIZ ra đời. Chị Vân rất vui vì đã hoàn thành tâm nguyện đối với cộng đồng, nhưng khó khăn vẫn chồng chất.
Nguyên nhân là do ở Malaysia, số doanh nghiệp do người Việt làm chủ khá ít. Hơn nữa, làm việc cho VMBIZ mất nhiều thời gian, công sức mà không có lương hay phụ cấp gì. Bản thân chị Vân cũng bận điều hành chuỗi nhà hàng nướng Bali Naughty Nuri’s và là đối tác phát triển loạt quán rượu mang tên Loco, nhưng nếu không xắn tay vào làm những công việc cụ thể của hội thì chương trình sẽ không chạy. Vậy là “người vác tù và hàng tổng” lại lặng lẽ thu xếp công việc kinh doanh, công việc gia đình, để hoạt động của VMBIZ có thể đi dần vào chiều sâu, vào lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt và cộng đồng tại đây quan tâm.
Hai năm trôi qua, nhớ lại những buổi đầu, các doanh nhân Việt Nam trẻ tại Malaysia như “Linh Musang King” hay “Hán Nông sản”… và Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Phạm Quốc Anh đều ghi nhận sự nhiệt tình và trách nhiệm của nữ Phó Chủ tịch VMBIZ cũng như những cơ hội đến từ hoạt động của VMBIZ. Đó không chỉ là sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn, mà còn là sự đa dạng kết nối với doanh nghiệp Malaysia. Từ những Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết, hoạt động kết nối trực tiếp, kết nối online, các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư dần được hiện thực hóa.
Vui vì sự phát triển của VMBIZ, nhưng khi trò chuyện cùng nhau vào một buổi chiều cuối năm 2020, chị Vân vẫn rất tư lự. “Ảnh hưởng của dịch bệnh lớn quá. Sau dịch bệnh, mô hình kinh doanh sẽ thay đổi, làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn trụ vững và tiếp tục phát triển, không phải dễ em ạ”, chị Vân tâm sự. Tôi biết, bản thân chị đã phải đóng cửa một nhà hàng ở khu vực trung tâm Kuala Lumpur thuộc chuỗi Naughty Nuri’s.
Nhưng dù khó khăn, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy vẫn chưa bao giờ từ chối đưa tay ra giúp đỡ đồng bào. Hàng tuần, hàng tháng, chị vẫn lặng lẽ đến các trại trẻ mồ côi hay tìm đến những nhóm người lao động Việt Nam gặp khó khăn… để xem họ thiếu gì, cần gì rồi tự tay mình đi mua hoặc kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng chung tay. “Có những điều hết sức đơn giản như có bé chỉ cần chiếc chăn đắp ấm, có bạn chỉ muốn giúp vài mớ rau, cân gạo hay ít dầu ăn…”, chị Vân rưng rưng kể và mắt lại sáng lên: “Chủ nhật này, chị sẽ đi trao quà cùng tập đoàn Blue Ocean. Em rảnh thì sắp xếp đi cùng hội doanh nghiệp nhé”.