Phía Tây Nam thủ đô Moskva có một cơ sở đại học lớn nhất Liên bang (LB) Nga với 47 chi nhánh trên toàn quốc. Cơ sở giáo dục danh tiếng và truyền thống này không chỉ là nơi đào tạo các chuyên gia quản lý cho đất nước Nga rộng lớn mà còn có lịch sử gắn liền với rất nhiều nhà lý luận tư tưởng cộng sản lớn của Việt Nam thời Liên Xô.
Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống LB Nga (RANEPA) hình thành từ năm 1921 khi Lãnh tụ vô sản Vladimir Ilich Lenin ký sắc lệnh thành lập “Học viện Giáo sư Đỏ”.
Trong suốt lịch sử của mình, học viện đã thay đổi nhiều tên gọi. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra cho học viện không thay đổi đó là đào tạo cũng như đào tạo nâng cao cho các nhà tư tưởng và chuyên gia quản lý đất nước. Trong thời kỳ Liên Xô, Từ tháng 8/1946 đến năm 1991, Học viện có tên gọi Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON) và đó cũng là thời kỳ Đảng ta cử nhiều nhà lý luận tư tưởng sang AON để học tập nghiên cứu.
Trong danh sách hiện còn lưu trữ tại RANEPA có tên nhiều các nhà tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam tại các huyện, tỉnh, thành phố, các cơ sở lý luận được gửi sang AON để đào tạo cũng như nâng cao. Trong số này, nhiều người đã giữ các cương vị lãnh đạo cao của Việt Nam như nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, GS. TS Đỗ Nguyên Phương; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Phạm Quang Nghị; nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, GS. TS Tạ Ngọc Tấn; nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, TS Hồng Vinh… và đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng cộng, tính từ thời Liên Xô, khoảng 1.000 lưu học sinh Việt Nam đã được đào tạo và đào tạo nâng cao tại RANEPA.
Hiện tại một góc trong thư viện của Học viện đang trưng bày Luận văn Phó Tiến sỹ Khoa học lịch sử với chủ đề “Hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong thực hiện năm 1983. Người hướng dẫn là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học lịch sử Vinogradov N. N., phản biện là Giáo sư Demochkin N.N. và Phó Tiến sĩ Esieva F.B., tổ chức hướng dẫn là Khoa Xây dựng Đảng của Viện Mácxít-Leninnít trực thuộc Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Andrey Margolin, Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, Hiệu phó RANEPA cho biết đây là trường đại học chính ở LB Nga, đào tạo cán bộ quản lý cho các cơ quan công quyền và kinh doanh. 49 thống đốc và người đứng đầu các khu vực của Nga đã học tại Học viện và đương nhiên con số này vẫn chưa dừng lại. Học viện chuyên đào tạo cán bộ cấp cao song bên cạnh các chương trình chính khóa còn có hàng loạt chương trình nâng cao khác.
Giáo sư Margolin cho rằng chủ đề chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi cũng là một nội dung học phù hợp, nó có trong hầu hết các chương trình đào tạo bắt buộc của Học viện và các chuyên gia Việt Nam có thể đến RANEPA để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của họ.
RANEPA cũng là cơ sở đứng đầu về giáo dục kinh doanh tại LB Nga. Viện Kinh doanh và Quản trị Kinh doanh trực thuộc Học viện đứng thứ 30 trong bảng xếp hạng của Thời báo Tài chính và là trường kinh doanh tốt nhất của Nga.
Nghiên cứu sinh năm 2 chuyên ngành luật tại RANEPA, Phó Bí thư Ban cán sự đoàn tại LB Nga Lê Huỳnh Đức bày tỏ anh thực sự cảm thấy rất may mắn và hãnh diện khi được làm nghiên cứu sinh tại nơi đã đào tạo ra nhiều lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam. Anh cho biết: “Với môi trường rất cởi mở, đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, tạo ra chương trình cá nhân hóa nhất có thể để chúng tôi có thể thực hiện đề tài nhiên cứu tiến sĩ của mình. Tôi nghĩ với những gì thu được ở đây, khi về Việt Nam chúng tôi có thể phát huy sở trường của mình”.
Đề cập đến triển vọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, bà Larisa Taradina, Giám đốc phụ trách phát triển giáo dục và hợp tác quốc tế RANEPA khẳng định nhà trường ấn tượng với thành tích học tập cũng như sự tích cực của các sinh viên Việt Nam hiện nay và sẽ rất vui nếu ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đến học tập và nghiên cứu ở RANEPA, không chỉ để lấy bằng chính khóa, mà còn có thể tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn, linh hoạt, cả bằng tiếng Nga cũng như tiếng Anh.